Kỳ vọng...
Ngày 20/7/2015, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAG L Agrico (mã HNG ) đã chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Với hơn 708 triệu cổ phiếu tương đương vốn điều lệ 7.081 tỷ đồng, HAGL Agrico lúc đấy là doanh nghiệp về nông nghiệp có quy mô lớn nhất của Việt Nam được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Công ty này được thành lập năm 2010, khi CTCP Hoàng Anh Gia Lai thực hiện chương trình tái cấu trúc tập đoàn, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước đó đều được chuyển về HAGL Agrico.
Trong 5 năm hoạt động, vốn điều lệ của HAGL liên tục tăng, từ 484 tỷ đồng khi thành lập nay đã lên đến hơn 7.081 tỷ đồng. Hiện HAGL chỉ có duy nhất một cổ đông lớn là HAGL với tỷ lệ cổ phần nắm giữ chiếm 79,52%.
Là gương mặt mới, HAGL Agrico được kỳ vọng sẽ tạo nên được kỳ tích vượt mặt công ty mẹ HAG khi được đánh giá là có hệ số nợ không lớn, tài sản nắm trực tiếp, trong khi đó HAG có nợ nhiều và phải huy động vốn.
Ngày đầu tiên chào sàn, từ mức giá khởi điểm là 28.000 đồng, cổ phiếu HNG đã tăng lên 33.500 đồng/đơn vị, đưa vốn hóa thị trường của HNG tại phiên giao dịch ngày 20/7 đạt gần 23.723 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn HSX, thậm chí lớn hơn công ty mẹ là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG).
"Lao dốc không phanh"
Một thời gian khá dài sau khi lên sàn, cổ phiếu HNG được giao dịch khá ổn định, trong khoảng từ 28.000 đồng/đơn vị đến 30.000 đồng/đơn vị. Tuy nhiên, đến khoảng giữa tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu này bắt đầu "lao dốc không phanh" theo cổ phiếu công ty mẹ HAG.
Từ ngày 25/1 đến 18/2/2016, liên tục trong 14 phiêu cổ phiếu HNG trong tư thế "đo sàn", một điều chưa từng có trong lịch sử giao dịch của "ông lớn" ngành nông nghiệp này. Và ngày 16/2 chắc chắn sẽ là một ngày không thể nào quên đối với Bầu Đức cũng như nhà đầu tư của HNG khi cổ phiếu này lần đầu tiên rớt xuống dưới mệnh giá, đạt 9.500 đồng/đơn vị. Từ đó cho đến nay, mặc dù có 3 phiên tăng trần (vào ngày 19/2, 22/2, 23/2) do hoạt động bắt đáy của nhà đầu tư nhưng cũng không thể giúp cổ phiếu này "ngoi lên" quá mệnh giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/2, cổ phiếu HNG tiếp tục giảm điểm, chốt phiên ở mức 8.600 đồng/đơn vị.
Tính riêng từ đầu năm 2016, cổ phiếu HNG đã "bốc hơi" tới 70,34% giá trị. Còn nếu so với mức giá đỉnh, tức là mức giá trong phiên đầu tiên HNG lên sàn, giá trị cổ phiếu này đã mất tới 74,3% giá trị. Theo đó, khoảng gần 17.633 tỷ đồng vốn hóa công ty đã "cuốn theo chiều gió".
Đợi phát hành cổ phiếu kỳ lạ
HAGL Agrico có lẽ là một trong những doanh nghiệp có đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ "kỳ lạ" nhất trong lịch sử hai sàn khi có hai nhà đầu tư "hy sinh" chịu lỗ tới 1.100 tỷ đồng để mua 59 triệu cổ phiếu HNG với giá 28.000 đồng/đơn vị, trong khi thị giá hiện tại của cổ phiếu này chỉ quanh mức 9.000 đồng/đơn vị.
Nhiều câu hỏi đã được đưa ra, hai "mạnh thường quân" kia là ai? Vì sao họ sẵn sàng chịu lỗ một khoản tiền khổng lồ để cữu HNG? Nhà băng nào đứng sau để rót vốn?
Và thật bất ngờ khi tìm ra, 2 "vị cứu tinh" của HNG lại là những doanh nghiệp còn khá non trẻ, với quy mô khiêm tốn chỉ 30 tỷ đồng. Hai cá nhân đứng đầu doanh nghiệp cũng là những doanh nhân còn khá trẻ, thế hệ 8x. Cụ thể, công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh - mua 31,5 triệu cổ phiếu HNG, do ông Nguyễn Công Thành đứng ra đăng ký là chủ sở hữu - Giám đốc công ty. Ông Thành sinh năm 1982.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh, mua 27,5 triệu cổ phiếu HNG, do ông Trần Tiến Pháp làm Chủ tịch. Ông Pháp sinh năm 1983.
Cả hai doanh nghiệp đều đăng ký lần đầu vào tháng 3/2014, có chung địa chỉ tại lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trong đó Cao su An Thịnh đăng ký thành lập vào ngày 11/3/2014 và Cao su Cường Thịnh đăng ký lần đầu vào ngày 19/3/2014.
Và câu hỏi đặt ra là với 30 tỷ đồng, vì lý do gì hay có một bàn tay khác đứng phía sau mà cả hai công ty chi 1.652 tỷ đồng để mua số cổ phần phát hành riêng lẻ của HNG, để rồi lại chịu lỗ tới 70% số tiền bỏ ra? Và những doanh nghiệp này lấy đâu ra khoản tiền khổng lồ để mua cổ phiếu?
Tiếp tục đi tìm câu trả lời, được biết, 2 đơn vị còn có mối quan hệ chung với một nhân sự thuộc HNG và cả công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, 2 doanh nghiệp này đã góp 1.465 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương. Theo đó, Cường Thịnh góp 691 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47,17% vốn và An Thịnh góp 774 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,83% vốn. Trong khi đó, Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của Đông Dương là ông Lê Hồng Phong – hiện đang là Trưởng BKS của HNG kiêm Phó phòng Kiểm toán nội bộ HAG.
Không những vậy, cả hai doanh nghiệp này đều có quan hệ với một tổ chức tín dụng duy nhất.
Tiếp tục lao dốc...
Sau thương vụ "có một không hai" này, dường như bên được lợi nhiều nhất chính là HAGL Agrico khi doanh nghiệp có thể hoàn thành đợt phát hành và thu về hơn 1.652 tỷ đồng và bổ sung vào vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, có thể thấy, có vẻ như nhà đầu tư không mấy hứng thú với "thành tích" này của doanh nghiệp khi cổ phiếu HNG vẫn tiếp tục giảm điểm và thậm chí giảm sàn sau khi có thông tin trên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, tức 1 ngày sau khi công bố thông tin, cổ phiếu HNG đóng cửa tại mức giá 9.300 đồng/đơn vị, giảm hết biên độ 7% và có khối lượng giao dịch khớp lệnh 18,8 triệu đơn vị, chiếm gần 40% tổng khối lượng giao dịch trong 3 phiên tăng kịch trần trước đó.
Cổ phiếu này còn tiếp tục giảm thêm 5,4% trong ngày 25/2 và thêm 2,3% vào ngày sau đó. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch quanh mức 8.600 đồng/đơn vị.
Nguồn:Bizlive
Bình luận