• Zalo

Thịt nhân tạo từ tế bào gốc: thực phẩm trong tương lai

Sức khỏeThứ Năm, 23/02/2012 12:55:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Các nhà khoa học sẽ chiết xuất tế bào gốc từ những mô cơ của bò và nuôi lớn chúng trong các hộp chứa tại phòng thí nghiệm.

(VTC News) - Các nhà khoa học sẽ chiết xuất tế bào gốc từ những mô cơ của bò và nuôi lớn chúng trong các hộp chứa tại phòng thí nghiệm.

Theo Guardian, một dự án đầy tính hứa hẹn- thịt nhân tạo, có thể sẽ mở ra một bước đột phá mới trong cuộc chiến chống lại tình trạng khủng hoảng lương thực và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự án với mục đích đầy tính nhân văn trên đã được tài trợ bởi một mạnh thường quân giấu tên.

Quy trình chế biến thịt nhân tạo 

Tiến sĩ Mark Post- trưởng khoa sinh hóa học tại trường ĐH Maastricht cùng nhóm cộng sự của mình dự kiến sẽ cho xuất xưởng lô hàng đầu tiên trị giá hơn 200.000 bảng Anh vào tháng 10 này.

Các nhà khoa học sẽ chiết xuất tế bào gốc từ những mô cơ của bò và nuôi lớn chúng trong các hộp chứa trong phòng thí nghiệm. Các tế bào này sẽ được phát triển trong một môi trường nuôi cấy có chứa huyết thanh bào thai- mà trong đó có rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của tế bào.

Loại thịt này thậm chí còn cho thấy khá nhiều ưu điểm vì chúng được kiểm soát nghiêm ngặt từng bước trong quá trình sản xuất. Các mô có thể được cho phát triển để sản sinh ra hàm lượng cao các axit béo không bão hòa đa rất có lợi cho sức khỏe, cũng như có thể tạo ra những kết cấu rất đặc biệt.

Thành công bước đầu trong việc sản xuất thịt bò từ tế bào gốc này có thể mở ra cho các nhà khoa học cơ hội để có thể sản xuất ra nhiều loại thịt từ các loài động vật khác. Post khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra được thịt gấu trúc. Chúng tôi chắc là mình có thể”.

Theo dự báo của các chuyên gia thì nhu cầu về thịt sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 40 năm tới và ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang dùng đến 70% thành quả từ ngành nông nghiệp để phục vụ cho chăn nuôi.

Ông giải thích thêm: “Bạn có thể dễ dàng nhận ra là chúng ta cần phải có một cái gì đó để thay thế. Nếu chúng ta không chịu hành động thì trong một tương lai không xa thịt sẽ trở thành một món hàng rất đắt, một thứ xa xỉ”.

Trong khi đó ngành chăn nuôi mỗi năm đã thải ra môi trường một lượng lớn khí metan- loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 20 lần so với cacbon dioxit.

Nhà khoa học này thực sự lạc quan về triển vọng sắp tới của dự án, và việc mở rộng qui mô sản xuất chỉ là một việc hết sức đơn giản bởi vì hầu như tất cả những trở ngại về mặt kĩ thuật đã được vượt qua. Và những kết hoạch đầy hứa hẹn cho 10- 20 năm tới cũng đã được xúc tiến.

Phương Hiền

 

                                                                                                      
                                   

Bình luận
vtcnews.vn