“Kỷ lục gia vượt biên” ở Lù Dì Sán
Ma Seo Ký (29 tuổi, dân tộc Nùng, bản Lù Dì Sán, xã Sán Chải, huyện Simacai, Lào Cai) được dân bản gọi vui là “kỷ lục gia vượt biên” bởi Ký là người vượt biên nhiều nhất trong bản.
Bà con trong bản kể lại, ngày xưa nhà Ký nghèo lắm. Năm người gồm vợ chồng Ký và ba đứa con sống nheo nhóc trong căn nhà nhỏ ở Lù Dì Sán. Miếng ăn quẩn quanh bên nương ngô, ruộng lúa cằn cỗi.
Thời điểm đó, những người con của bản Lù Dì Sán chỉ cốt làm sao cho no cái bụng. Người già thì an phận phát rẫy lên rừng, còn trong đôi mắt thanh niên ở bản, họ chỉ thấy một con đường duy nhất, đó là vượt biên đi làm thuê. Với số tiền công kiếm được bên đất bạn, họ tạm đủ nuôi mình và gia đình.
Ký cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Từ sự rủ rê của bạn bè và những người vượt biên trước, Ký bỏ hoang hóa mảnh nương rẫy gia đình, đi đường rừng qua Trung Quốc kiếm kế sinh nhai.
“Lúc mới sang, tôi làm bưng bê, làm thợ xây, ai thuê việc gì thì tôi làm nấy, tiền công mỗi ngày khoảng 200-300 nghìn đồng, lại còn được nuôi cơm. Sau đó, tôi tìm được mối đi trông chuối, chở rau thuê. Đi dần thành quen, cứ tiêu hết tiền là tôi lại tìm đường vượt biên”, Ký kể lại quá khứ lang bạt của mình.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, người dân thôn bản thấy Ma Seo Ký chỉ quanh quẩn ở nhà, không vượt biên, không xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc nữa. Những thay đổi đáng ngạc nhiên của “kỷ lục gia vượt biên” bắt đầu từ khi Thiếu tá Thào Phù Páo được tăng cường về xã Sán Chải làm Phó Bí thư Đảng ủy.
Ký là một trong số những trường hợp được Phó Bí thư Đảng uỷ xã Sán Chải bỏ nhiều thời gian và tâm huyết để vận động, cảm hóa. Mặc dù Ký không phải đối tượng gây mất trật tự xã hội, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng việc anh thường xuyên xuất nhập cảnh trái phép sẽ tạo tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật cho bộ phận người dân tại địa phương.
Từ đó, Thiếu tá Thào Phù Páo xếp Ký vào trường hợp đặc biệt, cần quan tâm. Nếu thay đổi được suy nghĩ của anh, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép sẽ dần thay đổi với bà con trong bản, giúp củng cố an ninh tuyến biên giới, đồng thời đảm bảo an ninh địa phương.
Đến giờ, khi nhớ lại hành trình Thiếu tá Páo vận động Ma Seo Ký ở lại địa phương, ông Ma Seo Tráng - Trưởng thôn Lù Dì Sán vẫn phải thốt lên: “Thực sự rất vất vả! Tôi cùng anh Páo đã nhiều lần tới nhà vận động nhưng Ký thường xuyên ở Trung Quốc. Nhà chỉ có vợ và ba đứa con nhỏ. Bản thân vợ Ký cũng không biết bao giờ chồng mình về. Anh ta cũng cố ý tránh mặt khi biết có cán bộ tìm đến. Mất cỡ hai tháng chúng tôi mới gặp được Ký tại nhà”.
Lần một, lần hai, rồi nhiều lần vận động, Ký vẫn lắng nghe, gật đầu. Nhưng, cái nghèo, cái đói đeo bám người đàn ông trụ cột của gia đình, khiến Ký lại tiếp tục vượt biên, thất hứa...
“Cũng phải mất 3-4 tháng Ký mới ổn định tư tưởng, xác định ở lại địa phương để lao động sản xuất. Để thuyết phục, trước hết mình phải gần gũi, tạo niềm tin cho họ. Phải cho họ thấy viễn cảnh tuy không thể bằng bên kia, nhưng có những thay đổi mang tính lâu dài, ổn định hơn so với tình cảnh hiện tại của họ”, Thiếu tá Páo nhớ lại.
Thời gian đầu gặp Thiếu tá Páo, Ký nơm nớp lo sợ. Anh sợ vì biết bản thân vi phạm pháp luật nhưng vẫn tái diễn dù đã được cán bộ vận động. Dần dần, khi hiểu hơn về vị Phó Bí thư Đảng uỷ xã, Ký bắt đầu nói chuyện, chia sẻ với anh Páo.
“Tuần nào anh Páo cũng xuống bản, vào nhà tôi thăm mấy đứa trẻ con. Giờ tôi không đi sang bên kia nữa, chỉ ở nhà thôi. Anh Páo chỉ cách trồng ngô, rồi cách nuôi con lợn thế nào cho đúng. Mọi người cũng chỉ cho chỗ mua trâu, mua bò, rồi tôi bán lại với giá cao hơn. Tuy thu nhập không bằng đi bên kia làm thuê, nhưng so với trước đây cũng ổn định, có thời gian cho gia đình nên mấy đứa trẻ nhà tôi ngoan hơn”, anh Ma Seo Ký nói.
Ma Seo Ký vẫn có danh hiệu “kỷ lục gia” của thôn Lù Dì Sán nhưng là kỷ lục gia về đàn trâu, bò to nhất trong thôn, không còn gắn với hai chữ "vượt biên" như xưa nữa.
Một đôi vai, hai nhiệm vụ
Hơn hai năm trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, Thiếu tá Thào Phù Páo cùng với các đoàn thể chính trị của thôn Lù Dì Sán xây dựng được nhiều mô hình mới, sáng tạo để bảo đảm an ninh trật tự. Anh cùng với tổ công tác của Đồn Biên phòng Si Ma Cai đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho bà con cách ăn, ở hợp vệ sinh, làm chuồng trại xa nhà, phát triển kinh tế gia đình.
Những năm qua, anh Páo còn vận động được nhiều tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ xi măng, cát, sỏi để người dân cứng hóa nền nhà, làm đường liên gia, xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc.
Nhớ về hình ảnh xã Sán Chải khi khi xưa, Thiếu tá Thào Phù Páo cho biết: “Sán Chải của ngày xưa so với bây giờ như hai thế giới khác. Sán Chải của ngày trước là xã “3 không” - không điện, không đường, không nước sạch. Bà con vẫn còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, nương rẫy để hoang hóa vì canh tác lạc hậu. Nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra, rồi đặc biệt là tình trạng thường xuyên vượt biên đi làm thuê. Việc bám bản cũng gặp nhiều khó khăn".
Có những buổi, vị Phó Bí thư Đảng uỷ xã tăng cường đi từ sáng tới chập choạng tối mới thấy khói bếp của bà con. Có thời điểm, đồn Biên phòng Si Ma Cai phải hỗ trợ xã mở ra những lớp học xóa mù chữ, thường xuyên kêu gọi sự ủng hộ từ các đơn vị thiện nguyện.
Hình ảnh Thiếu tá Páo nhớ nhất khi mới về công tác là đống vỏ thuốc trừ sâu vứt ngổn ngang bên bờ suối, nơi các hộ dân lấy nước dùng để sinh hoạt và tưới tiêu. “Bà con do thiếu hiểu biết đã vô tình đầu độc chính nguồn nước duy nhất của mình”, vị Phó Bí thư kể lại.
Chính bởi việc gần gũi bà con từ những ngày đầu với cương vị là một chiến sĩ Biên phòng, cho đến khi được tăng cường về Đảng ủy xã, Thiếu tá Thào Phù Páo đã thay đổi tư duy của người dân tại đây bằng tình cảm chân thành.
Qua thực tế cho thấy, các chiến sĩ Biên phòng luôn gần dân, bám dân và làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ chính quyền các cấp, góp phần xây dựng các tổ chức chính trị, chính quyền vững mạnh. Tuy nhiên, với việc chỉ dừng lại ở mức độ tham mưu thì tính nhất quán trong công việc chưa được đảm bảo. Mô hình chiến sĩ Biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy chính quyền là sự kết hợp giải quyết vấn đề còn tồn đọng trên.
Chia sẻ với PV VTC News, Bí Thư xã Sán Chải Nguyễn Hữu Hưởng kể về sự thay đổi của địa phương từ khi Thiếu tá Thào Phù Páo về làm công tác tăng cường: “Thành quả của mô hình Bí thư Đảng ủy xã tăng cường phần nào có thể thấy qua sự đi lên của đời sống vật chất và tinh thần của bà con. Thiếu tá Páo luôn tận tình và trách nhiệm trong việc, gần dân, sát dân lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào”.
Từ mô hình 50 hộ dân cùng chung tay làm giàu, điểm sáng ở Lù Dì Sán dần lan rộng ra khắp các thôn, các bản trên địa bàn xã Sán Chải. Giờ đây, xã vùng cao biên giới đang gột rửa “khuôn mặt lấm lem" và thay vào đó là những sắc thái vui tươi trong bộ trang phục truyền thống của bà con dân tộc Mông, dân tộc Nùng...
Chiều dần buông trên những mái nhà đã lợp tôn ở bản Lù Dì Sán. Dưới những mái nhà đó, bên cạnh ánh sáng từ bếp lửa bập bùng đã có thêm sự cộng hưởng từ đèn điện. Còn ở khúc cua lưng chừng núi, nơi dẫn vào bản, ánh đèn trên chiếc xe máy cũ của anh Páo vẫn đêm đêm hiện hữu trên cung đường quen thuộc.
Đối với bà con nơi đây, Thiếu tá Biên phòng Thào Phù Páo không chỉ là người lính mang quân hàm xanh, vị Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường, mà là người chú, người anh, người bạn sớm tối của mỗi gia đình Lù Dì Sán.
Khi anh đến, hành trang trên vai anh là quân hàm xanh của người chiến sĩ Biên phòng. Khi anh đi, hành trang ấy là cái bắt tay, vỗ vai, đôi khi là mớ rau hái vội ngoài vườn nhà… Và hơn tất cả, là tình cảm, sự tin tưởng của người dân với người chiến sĩ Biên phòng – Phó Bí thư Đảng ủy xã tăng cường Thào Phù Páo.
Khi nói về hành trình lột xác của Ma Seo Ký, người dân Lù Dì Sán luôn nhắc đến Thiếu tá Thào Phù Páo. Anh cũng là người giúp Sán Chải từ xã "3 không" trở thành điểm sáng kinh tế của huyện, đưa cuộc sống người dân nơi đây thay da đổi thịt từng ngày.
Bình luận