Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 5 cụm thi phân bổ từ miền Bắc tới miền Trung, gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội (4276 thí sinh); Đại học Hàng Hải Việt Nam - Hải Phòng (1695 thí sinh), Đại học Tân Trào - Tuyên Quang (105 thí sinh), Đại học Vinh - Nghệ An (985 thí sinh), Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (75 thí sinh).
Sáng nay, trời Hà Nội mưa tầm tã, thí sinh vội vã bước vào khu vực thi.
Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra trong 270 phút, gồm 3 phần: phần bắt buộc với môn toán và đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 - Khoa học tự nhiên gồm các môn: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, 2 phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả 3 phần. Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, theo hình thức trắc nghiệm như thi THPT. Riêng môn Toán và tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, đề thi đánh giá tư duy được xây dựng hết sức công phu và phức tạp. Bên cạnh đội ngũ ra đề thi giàu kinh nghiệm và giỏi nghiệp vụ, cùng quy trình tổ chức nghiêm ngặt, trường sử dụng đơn vị độc lập với chuyên môn đo lường giáo dục để đánh giá, hiệu chỉnh chất lượng đề thi bám sát chương trình THPT.
Kỳ thi tư duy sẽ cung cấp dữ liệu để xét tuyển đại học như 1 phương thức riêng biệt. Kết quả từ kỳ thi này sẽ được nhập, lưu lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, được xét đồng thời với các nguyện vọng khác. Dự kiến trường sẽ công bố điểm vào ngày 24/7 - cùng thời điểm với Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022.
Hiện có khoảng hơn 20 trường đại học khu vực phía Bắc quyết định sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội làm phương thức xét tuyển đại học năm 2022.
Giám thị nhắc phổ biến lại quy chế trước giờ phát đề, làm bài thi.
Phụ huynh đội mưa, chờ con thi ngoài cổng trường học.
Bình luận