Từ Birmingham đến MU: Hiểm họa mang tên... ông chủ

Tổng hợpThứ Sáu, 08/07/2011 01:44:00 +07:00

(VTC News)-Vụ Carson Yeung bị bắt giữ vì cáo buộc rửa tiền một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về làn sóng xâm lược các CLB Premier League.

(VTC News)-Vụ Carson Yeung bị bắt giữ vì cáo buộc rửa tiền một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về làn sóng xâm lược các CLB Premier League.

Từ chuyện của Birmingham...


Mặc dù đã được tại ngoại, ông chủ của CLB Birmingham vẫn đang trong tầm ngắm sát sao của cảnh sát Hồng Kông. Và đương nhiên, những hoạt động tài chính của tỷ phú này sẽ bị giám sát kỹ lưỡng. Việc đầu tư vào Birmingham cũng nằm trong số đó.

Kẻ thức thời mới là tuấn kiệt. Alex McLeish đã đi trước các học trò ở Birmingham một bước. 

Những tuyên bố kiểu như "Birmingham không hề bị ảnh hưởng", "tiền vẫn được rót đều đặn" chỉ là cách trấn an các cầu thủ và CĐV. Thực tế, Yeung còn đang tất bật cùng với luật sư nhằm tìm cách đối phó với các cáo buộc về số tiền khổng lồ "không biết từ đâu ra". Ông đâu còn thời gian lo cho đội bóng cách đó cả chục nghìn cây số.

Thông tin mới nhất từ xứ sương mù cho hay, trong ngày đầu tiên chuẩn bị cho chuyến tập huấn đầu mùa, chỉ có 16 cầu thủ thuộc biên chế đội hình 1 của Birmingham có mặt. Rõ ràng, phần lớn cầu thủ đang có suy nghĩ tháo chạy và chẳng thiết tha gì chuyện tập luyện. Ưu tiên hàng đầu của họ là tìm bến đỗ mới ổn định hơn, ít nhất là một nơi mà ông chủ của họ không dính dáng tới tụng đình. Và chắc hẳn, giờ đây hình ảnh cựu HLV Alex McLeish, người đào ngũ sang Aston Villa, trong mắt nhiều người đã khác đi rất nhiều: "Kẻ phản bội" đã trở thành "người thức thời".

... đến chuyện của Premier League

Có một thực tế đáng buồn là Premier League giờ không còn là sân chơi của người Anh nữa. Một nửa trong số 20 CLB thi đấu tại hạng cao nhất xứ sương mù đều thuộc sở hữu của các ông chủ nước ngoài. Âu có, Á có, Phi có mà Mỹ thì lại càng nhiều.

"Nợ" đang là từ ám ảnh nhất đối với CĐV MU cũng như các đội bóng khác tại Premier League.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa là sự góp mặt của những "nhà đầu tư nước ngoài" này lại càng khiến tình hình Premier League thêm trầm trọng. MU và các đội bóng đồng hương đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ 3,4 tỷ Bảng, chiếm 54% tổng số nợ toàn bộ châu Âu. Con số quá lớn nếu so với TBN - 825 triệu Bảng và Italia - 442 triệu Bảng.

Chỉ tính riêng MU, nhà vô địch Premier League 2010-11, số nợ CLB gánh trên vai (thực tế là tiền nhà Glazer vay ngân hàng để mua cổ phiếu của chính MU) lên tới 716 triệu bảng, lớn hơn cả tổng số nợ của 36 đội bóng chơi tại hai hạng đấu cao nhất nước Đức - 544 triệu bảng.

Ngày càng nhiều đội bóng thế chấp chính sân nhà của mình để đi vay tiền ngân hàng. Giá vé mỗi năm lại "phi mã" chóng mặt. Quỹ lương dành cho các ngôi sao triệu phú ngày càng phình to và ngốn gần hết tổng doanh thu.

Nhà Glazer đang biến MU thành cỗ máy in tiền để... trả nợ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu đột nhiên các ông chủ ngoại quốc "đánh bài chuồn"? Các CLB sẽ ngay lập tức điêu đứng vì thiếu tiền. Họ không thể đứng vững trên đôi chân của chính mình. Các ngôi sao sẽ ra đi, có thể là vượt Địa Trung Hải sang Italia hoặc TBN. Khán đài trống vắng, nhà tài trợ rút lui. Không đủ sức duy trì hoạt động, các "công ty" như MU, Man City, Chelsea sẽ tuyên bố phá sản, giống như trường hợp Portsmouth cách đây chưa lâu.

Đó không phải là một viễn cảnh gì xa xôi nếu Premier League không nhanh chóng thiết lập những cơ chế chặt chẽ trong việc mua bán cổ phần bóng đá.


Danh sách các đội bóng bị thôn tính (thống kê tính đến thời điểm tháng 4/2011):

1- Arsenal: Tập đoàn Kroenke Sports Enterprises mà đứng đầu là tỷ phú người Mỹ Stan Kroenke đang nắm giữ 62,89% cổ phần CLB

2- Aston Villa: Ông chủ đồng thời là chủ tịch CLB Randy Lerner cũng mang quốc tịch Mỹ.

3- Birmingham: nhà kinh doanh Hồng Kông Carson Yeung chính thức giành quyền sở hữu CLB từ tháng 10/2009.

4- Blackburn: Tập đoàn Venky mà đứng đằng sau là gia đình Rao người Ấn Độ chính thức tiếp quản đội bóng từ đầu mùa 2010-11. Hành động đầu tiên của họ là sa thải HLV Sam Allardyce.

5- Chelsea: Tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã đầu tư tổng cộng hơn 750 triệu bảng vào CLB kể từ khi nắm quyền năm 2003.

6- Fulham: Fulham thi đấu ngày càng ổn định và thành công kể từ khi được bơm tiền từ tỷ phú Ai Cập Mohamed Al Fayed.


7- Liverpool: Sau khi bộ đôi người Mỹ Tom Hicks và George Gillett ra đi để lại nỗi thất vọng lớn lao, người đồng hương John W Henry xuất hiện trong những ánh mắt đầy nghi ngờ của các CĐV thành phố cảng. Song ông đã nhanh chóng xóa tan bầu không khí u ám bằng việc vực dậy CLB từ đống đổ nát với những bản hợp đồng bom tấn liên tiếp.

8- Man City: Túi tiền không đáy của tập đoàn Abu Dhabi United Group đã biến The Citizens trở thành một trong những CLB giàu có bậc nhất hành tinh. Họ đang dẫn đầu quỹ lương cũng như khoản nợ tại Premier League.

9- MU: Từ khi lên nắm quyền, gia định nhà Glazer đã thực sự biến MU thành một cỗ máy in tiền để... trả nợ. Thật khó tin khi CLB có doanh thu số 1 thế giới lại phải trả tiền lãi nợ ngân hàng hàng năm hàng chục triệu Bảng.

10- Sunderland: Tháng 5/2010, doanh nhân (lại ) người Mỹ Ellis Short tiếp quản CLB từ tay Niall Quinn.


Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn