• Zalo

Cúp FA: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Tổng hợpThứ Sáu, 13/05/2011 01:00:00 +07:00Google News

(VTC News)-Trong quá khứ, chung kết FA Cup luôn là sự kiện đặc biệt mang tầm vóc quốc gia chứ không có số phận hẩm hiu như ngày nay.

(VTC News)-Trong quá khứ, chung kết FA Cup luôn là sự kiện đặc biệt mang tầm vóc quốc gia chứ không có số phận hẩm hiu như ngày nay.

Thứ Bảy này (14/5), trong khi các cầu thủ Man City bước ra từ đường hầm sân Wembley để thi đấu trận chung kết cúp FA thứ với Stoke City thì có lẽ cùng lúc, thầy trò HLV Alex Ferguson cũng đang tận hưởng hương vị chức vô địch thứ 19 tại Ewood Park. Không nói ai cũng hiểu, thế giới sẽ quan tâm nhiều hơn tới kỷ lục vô địch mới được thiết lập của MU hay trận chung kết ngược Premier League giữa Wigan với West Ham so với trận đấu tại Wembley. Điều gì đã xảy ra với chiếc cúp lâu đời và từng được tôn sùng nhất làng bóng đá xứ sở sương mù?


Có một thực tế đáng buồn là ngay cả ở Anh, cũng chỉ có lớp CĐV đứng tuổi là hiểu rõ được ý nghĩa thực sự của một trận chung kết cúp FA. Họ là thế hệ đã mất đi thiện cảm với bóng đá kể từ kỷ nguyên Premier League (năm 1992), kỷ nguyên của truyền hình, kỷ nguyên xâm lược của kim tiền, xuất hiện.

Tranh cãi đang nổ ra tại Anh quốc khi chung kết cúp FA có nguy cơ bị "chìm nghỉm" trước lễ đăng quang của MU ở Ewood Park. (Ảnh: Man City loại MU ở bán kết FA Cup năm nay).

Trong quá khứ, chung kết cúp FA luôn là một thứ diệu kỳ với người dân. Nhà thơ, nhà phê bình văn học lỗi lạc T. S. Eliot trong tiểu luận "Những ghi chép hướng tới việc định nghĩa về văn hóa" (1948) từng viết "Trận đấu là một trong những hoạt động và sở thích đặc trưng của nhân dân". Theo nhà báo Michael Henderson, "đó là dịp mà cả nước xích lại bên nhau trong một vài giờ đồng hồ để theo dõi trận đấu của cả mùa giải. Đó cũng là trận đấu nội địa duy nhất được ti vi tường thuật trực tiếp". Còn với HLV Tottenham Harry Redknapp, trận đấu luôn gắn liền với ký ức tuổi thơ: "Đường phố luôn sạch bóng vì tất cả đều đang theo dõi trận đấu".

Không chỉ có các cô gái trẻ là chịu khó dậy từ sớm để ngắm nhìn các thần tượng ăn sáng tại khách sạn nơi đội bóng trú quân rồi sau đó diễu hành cùng xe bus chở đội tới Wembley. Cả đại gia đình của các cô sẽ xuất hiện trước ống kính truyền hình với vẻ mặt háo hức và hồi hộp giống như đang theo dõi trực tiếp cuộc đua ngựa Grand National hay thậm chí là nghi lễ lên ngôi của đức vua. Hàng triệu người đã coi trận cầu như một sự kiện trọng đại của đất nước.

Bao giờ FA Cup mới lại trở thành một sự kiện quốc gia như ngày xưa? (Ảnh: chung kết năm 1953 hay còn gọi là "trận đấu của Matthew", Blackpool thắng Bolton 4-3).

Thế nhưng, ngày nay, nó đã biến đổi hay xuống cấp thành một trận đấu khác, rất khác. FA Cup đã không còn là một sự kiện số 1 nữa. Năm 2000, được chính FA "bật đèn xanh" MU khi đó là ĐKVĐ đã rút lui khỏi cúp với lý do bận tham dự giải vô địch thế giới các CLB lần đầu tiên được tổ chức tại Brazil. Đó là cách FA lấy thiện cảm của FIFA hòng tranh thủ sự ủng hộ trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2006. Tuy nhiên, sau đó, chiến dịch này thất bại và nhiều người đã tự hỏi tại sao họ có thể sử dụng danh tiếng của chiếc cúp lâu đời nhất thế giới để chơi trong một canh bạc mà phần thắng không lấy gì làm chắc chắn.

Những trận cầu cúp FA hiện tại, một đội bóng có thể đá bán kết trong cùng một tuần với một đội khác đang mắc kẹt ở vòng 5 thậm chí là vòng 4. FA Cup đã không còn là một sự kiện đặc biệt trong tờ lịch của nền bóng đá Anh quốc
. Nó hoàn toàn có thể bị "chìm nghỉm" trước lễ đăng quang hoành tráng của MU tại Ewood Park (trong trường hợp "Quỷ đỏ" không thua trước Blackburn). Thậm chí các nhà tổ chức đã quyết định quay lưng lại với truyền thống. Chung kết cúp FA sẽ bị đôn lịch đá sớm lên để nhường chỗ cho quy định của... UEFA. Theo luật ở Champions League, Wembley sẽ không được tổ chức bất cứ trận đấu nào trong vòng 2 tuần trước khi MU và Barcelona gặp nhau vào ngày 28/5 tới. Không những vậy, nó còn diễn ra vào thời điểm rất nửa vời: 10 giờ sáng. Sẽ có rất nhiều người vì công việc mà bỏ lỡ trận đấu.

Nỗ lực giải cứu cúp FA

FA đã khẳng định giải đấu lâu đời nhất lịch sử bóng đá thế giới cần được tái sinh. Cơ quan này đã họp bàn nội bộ vào năm ngoái để đưa ra những thay đổi hợp lý về thể thức cũng như lịch thi đấu như: Cần nhiều trận đấu vào giữa tuần hơn, ít các trận đá lại hơn, thay đổi cách bốc thăm, cách lựa chọn hạt giống và dời trận chung kết về giờ vàng truyền hình là 5h30 chiều để nhiều người tiện theo dõi và phục vụ việc lôi kéo tài trợ. Nhà điều hành Premier League cũng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho trận chung kết cúp FA bằng cách dời các trận đấu của mình sang giờ ăn trưa hoặc đổi hẳn sang đá ngày Chủ nhật. Họ cũng thanh minh rằng việc MU nhiều khả năng đăng quang cùng ngày với trận đấu cuối cùng của cúp FA chỉ là một ngẫu nhiên đáng tiếc.

Thủy Kính

Bình luận
vtcnews.vn