Động thái này diễn ra vài tuần sau khi Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Đất hiếm là nhóm gồm 17 khoáng sản được sử dụng để chế tạo máy bay chiến đấu, xe tăng và một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Reuters dẫn tài liệu chính phủ Mỹ công bố hồi cuối tháng 6 cho biết Lầu Năm Góc muốn các nhà khai thác Mỹ mô tả kế hoạch phát triển các mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm trong nước, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất chi tiết hóa nhu cầu của họ với khoáng chất quý hiếm này.
Việc đặt ra yêu cầu phản hồi trước 31/7 cho thấy phần nào sự cấp bách của Lầu Năm Góc.
Không quân Mỹ xác nhận sự tồn tại của tài liệu này trong khi đại diện Lầu Năm Góc từ chối bình luận.
"Chính phủ muốn biết chúng ta có thể sản xuất bao nhiêu trong số các khoáng sản này và trong bao lâu", ông Cameron Marchese, Chủ tịch của Texas Mineral Resources, công ty đang khai thác mỏ đất hiếm Round Top ở rìa phía Tây Texas cho biết.
Theo tài liệu mà Reuters tiếp cận, giới chức Mỹ không trực tiếp đưa ra lời hứa về các khoản vay, tài trợ hay hỗ trợ tài chính khác cho các dự án đất hiếm của Mỹ. Nhưng yêu cầu của Lầu Năm Góc xuất phát một phần từ Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) cho phép nới rộng phạm vi mua bán của Lầu Năm Góc với các thiết bị cần thiết cho quốc phòng.
Không rõ quân đội Mỹ sẽ chi bao nhiêu tiền để thúc đấy ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ vì DPA không đặt ra giới hạn về tài chính. Tài liệu của Lầu Năm Góc lưu ý rằng các khoản đầu tư của chính phủ thường dao động từ 5 triệu USD cho tới 20 triệu USD cho mỗi dự án.
Theo bản tài liệu dài 9 trang, mục tiêu tổng thể là bảo đảm một nhà cung cấp đất hiếm nội địa khả thi trong dài hạn.
James Litinsky, đồng chủ tịch của MP Materials, công ty quản lý mỏ khai thác Mountain Pass ở California cho biết Mỹ cần một nhà cung cấp trong nước bền vững để cung cấp các khoáng sản này và trở thành nhà sản xuất thống trị ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu.
MP Materials, công ty khai thác mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ vận chuyển quặng của mình tới Trung Quốc để xử lý và phải chịu mức thuế 25% từ tháng trước sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với các sản phẩm quặng nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/6.
Một số nhà phân tích công nghiệp kêu gọi Lầu Năm Góc mở rộng phạm vi nghiên cứu và đề xuất chính phủ đưa ra các cam kết tài trợ về sản xuất đất hiếm.
"Chính phủ Mỹ không có cách tiếp cận toàn diện với toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm, ngay cả thời điểm hiện tại, đó là một vấn đề", nhà phân tích công nghiệp Jack Jackton cho hay.
Theo ông này, yêu cầu của Lầu Năm Góc xây dựng dựa trên một số mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khoáng sản chiến lược là rất quan trọng với quốc phòng.
Một số nghị sỹ Mỹ trong các tuần gần đây đề xuất hàng loạt biện pháp để thúc đẩy sản xuất lithium, đất hiếm và các khoáng sản chiến lược khác.
Hôm 11/7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra dự luật cho phép các nhà sản xuất đất hiếm hình thành các hợp tác xã, tránh các đạo luật chống độc quyền của Mỹ. Don Lay, Giám đốc điều hành của Medallion Resources đầu tháng này cho biết họ đang nghiên cứu các địa điểm tiềm năng trên khắp Bắc Mỹ để phát triển một nhà máy khai thác đất hiếm.
Mặc dù Trung Quốc chiếm 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới, nhưng Bắc Kinh chiếm tới 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ do nước này kiểm soát gần như tất các các cơ sở xử lý nguyên liệu.
Theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, các lô đất hiếm và hợp chất đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong năm 2018 có trị giá khoảng 160 triệu USD, tăng 17% so với năm 2012.
Neodymium, một nguyên tố đất hiếm được sử dụng để chế tạo nam châm cho các hệ thống tên lửa dẫn đường, các thành phần quan trọng trong máy bay và xe tăng, radar.
Gần như mọi loại đạn dược dẫn đường trong kho vũ khí của Mỹ hiện nay đều được sử dụng một lượng không nhỏ neodymium, dysprosium, praseodymium, samarium và terbium, từ tên lửa hành trình Tomahawk đến vũ khí tấn công phối hợp trực tiếp (JDAM).
Các nguyên tố khác như erbium và ytterbium đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất vũ khí laser như ATHENA, loại laser công suất cao có thể hủy diệt máy bay không người lái của kẻ thù từ khoảng cách hàng nghìn mét.
Theo báo cáo từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ hồi năm 2013, mỗi chiếc F-35, mà Mỹ vẫn đang loay hoay sản xuất do bị đội chi phí, sử dụng khoảng 417 kg nguyên liệu đất hiếm. Nếu không có lớp phủ oxit yttri, động cơ của mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ sẽ không thể duy trì tốc độ siêu thanh. Tương tự, nếu không có neodymium, các hệ thống vũ khí, điều hướng và liên lạc trên máy bay sẽ trở nên vô dụng. Giống như F-35, mỗi một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh-Burke cần lần lượt 4.170 kg, 2.360 kg đất hiếm.
Bình luận