Một lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của báo chí trong nước đã để ngỏ khả năng sử dụng đất hiếm như một loại vũ khí để trả đũa những hành động mà nước này cho là "chèn ép vô cớ" của Mỹ.
Khi được hỏi liệu đất hiếm có trở thành con bài quan trọng Trung Quốc dùng để trả đũa Mỹ trong bối cảnh va chạm thương mại giữa hai bên không ngừng leo thang hay không, lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc không đưa ra câu trả lời trực diện, mà chỉ khẳng định, với sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi ngành nghề và tính bổ trợ cao giữa hai nước Trung- Mỹ, chỉ có hợp tác mới đem lại lợi ích cho cả hai bên và trong cuộc chiến thương mại sẽ không có ai là người chiến thắng. Quan chức này cũng cho biết, là quốc gia cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, Trung Quốc luôn phát triển ngành đất hiếm với phương châm rộng mở, hiệp đồng và chia sẻ, vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu "chính đáng" của các nước trên thế giới.
Trước đó, ngày 20/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới một trong những nhà máy khai thác và xử lý đất hiếm lớn nhất nước này tại tỉnh Giang Tây, cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ. Động thái này dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sử dụng đất hiếm như một loại vũ khí quan trọng trong chiến dịch trả đũa những hành động của Mỹ.
Khi đề cập đến chuyến thăm này, quan chức Trung Quốc cho biết, chuyến thăm nhằm thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đối với việc đẩy nhanh sự phát triển của vùng đất giàu truyền thống cách mạng song chậm phát triển này, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc phát triển xanh và bền vững.
Bắc Kinh từng bị cáo buộc sử dụng đất hiếm để làm đòn bẩy chính trị. Một số công ty Nhật cho biết Trung Quốc năm 2010 cắt giảm xuất khẩu đất hiếm khi căng thẳng tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật gia tăng. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.
Năm 2014, Tổ chức Thương mại Thế giới kết luận Trung Quốc đã vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu với việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu để giúp các công ty công nghệ của họ có lợi thế hơn đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc giải thích rằng thiệt hại môi trường do khai thác và việc cần đảm bảo nguồn cung bền vững là lý do họ hạn chế sản lượng.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng chần chừ dùng đất hiếm làm công cụ trả đũa Mỹ vì sợ "tự bắn vào chân mình". Kokichiro Mio tại Viện nghiên cứu NLI, cho rằng nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng đất hiếm lớn. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm ngoái ước tính có 120 triệu tấn đất hiếm toàn cầu, bao gồm 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.
Trung Quốc là bên sản xuất đất hiếm hàng đầu một phần vì rủi ro môi trường khiến các nước khác e dè khai thác. Việc khai thác đất hiếm tạo ra chất thải độc hại và có nguy cơ thải ra chất phóng xạ.
Hiện tại sản lượng đất hiếm của Trung Quốc chiếm khoảng 90% sản lượng toàn cầu và gần 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc. Đất hiếm của Trung Quốc chứa 17 nguyên tố hiếm và chúng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và sản phẩm công nghệ, như: luyện kim, hóa dầu, quang học hay điện thoại thông minh, thiết bị điện tử v.v...)
Mỹ và Trung Quốc trải qua căng thẳng thương mại gần một năm qua. Qua nhiều vòng đàm phán, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán nhưng tiếp tục không có kết quả, Mỹ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ, từ đó dẫn đến hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ và thế giới ngừng hợp tác với công ty công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Bình luận