• Zalo

Trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương là cần thiết và hợp lý

Thế giớiThứ Năm, 14/03/2019 09:02:00 +07:00Google News

Các luật sư cho rằng việc trả tự do cho công dân Việt Nam là cần thiết và hợp lý vì cô cũng như Aisyah chỉ là những người bị lừa làm vật hy sinh trong vụ việc.

Chỉ 4 ngày trước, Đoàn Thị Hương vẫn nghĩ cô sẽ không cô độc trong nhà tù Malaysia. Cô là một trong hai bị cáo của phiên tòa xét xử vụ sát hại người được cho là anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên, cùng với Siti Aisyah, một cô gái Indonesia.

Song Aisyah bất ngờ được trả tự do tại Tòa thượng thẩm Shah Alam hôm 11/3 sau khi công tố viên quyết định rút lại mọi cáo buộc với cô. Hương trở thành bị cáo duy nhất trong vụ án có rất nhiều điều khuất tất mà nhiều người tin rằng những kẻ chủ mưu chưa bao giờ bị bắt.

"Tôi nghĩ nhiều người nhìn thấy điều này. Chúng tôi không mù và chúng tôi biết rằng hai cô gái chỉ là "những con dê tế thần" mà thôi", tiến sĩ Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA), từng là thư ký chính trị của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak, nói với Zing.vn.

doan-thi-huong-3

 Hương được dẫn rời tòa hôm 11/3. Ảnh: AP.

"Chúng ta đều biết kẻ chủ mưu là ai"

Phiên tòa tiếp tục vào ngày 14/3 và các công tố viên dự kiến đưa ra hồi đáp cho đề nghị từ nhóm luật sư của Hương rằng chính phủ Malaysia phải hủy bỏ cáo buộc giết người với công dân Việt Nam như đã làm với công dân Indonesia.

Hương bị bắt ngày 15/2/2017 tại nhà ga số 2 sân bay quốc tế Kuala Lumpur, nơi hai ngày trước công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol bị đầu độc tử vong. Kim Chol được cho là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dù Bình Nhưỡng chưa từng thừa nhận điều này.

Vụ việc làm nảy sinh căng thẳng ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên trong hơn một tháng. Cuối cùng, Malaysia phải chấp nhận bàn giao thi thể "Kim Chol" cho phía Triều Tiên, cũng như cho một số nghi can đang cố thủ trong đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur về nước, để đổi lại việc 9 công dân Malaysia sẽ được rời Bình Nhưỡng.

Cho đến nay, nghi can Triều Tiên duy nhất từng bị cơ quan điều tra Malaysia bắt giữ là Ri Yong Chol, nhưng người này đã được thả ra sau đó vì thiếu bằng chứng. Bốn công dân Triều Tiên khác bị truy tố chính thức trong vụ án đã rời Malaysia ngay sau vụ án mạng.

Chỉ Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah phải ra hầu tòa với cáo buộc giết người. Trong mọi lời khai, họ đều khẳng định họ vô tội và không hề biết thứ họ bôi lên mặt người đàn ông Triều Tiên ở sân bay là chất độc thần kinh VX.

"Tôi nghĩ không có sát thủ nào lại quay lại hiện trường cũng với chiếc áo đấy, đôi giày đấy cái túi đấy... để cho bị bắt cả", ông Gooi Soon Seng, luật sư của Aisyah, nói với Zing.vn.

oh_zing

Tiến sĩ Oh Ei Sun. Ảnh: Hoàng Việt. 

Tiến sĩ Oh nói rằng hầu hết người Malaysia tin vào câu chuyện của hai nữ bị cáo và họ cảm thấy vui vì ít nhất một trong hai người giờ đã được trả tự do. Ông cũng cho rằng sở dĩ hai cô gái bị truy tố là vì Malaysia "không thể không làm gì".

"Những người chủ mưu, đứng sau điều khiển thì lại trốn thoát được nhờ quyền miễn trừ ngoại giao... Hai cô gái lại xuất hiện như một mục tiêu thuận tiện để truy tố vì họ là người cuối cùng cho thứ gì đó lên mặt ông Kim Jong Nam", ông Oh nói.

Bốn nghi phạm Triều Tiên bị truy tố, những người mà các luật sư của hai cô gái từ đầu đến cuối luôn khẳng định chính là hung thủ thực sự, chưa bao giờ bị bắt.

Các luật sư cũng một mực cho rằng thân chủ của họ chỉ là "con tốt thí" trong vụ án mạng xuất phát từ động cơ chính trị. Họ nói phía công tố viên đã không chứng minh được hai cô gái có ý định giết người. Theo luật Malaysia, ý định giết người là yếu tố tối quan trọng để truy tố một người với tội danh này. 

huong_zing_2 3

 Luật sư Hisyam Teh Poh Teik. Ảnh: Hoàng Việt.

"Chúng ta đều biết những kẻ chủ mưu là ai. Đó là bốn người Triều Tiên đã rời khỏi Malaysia. Điều đó không hề công bằng", ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư biện hộ chính cho Hương, nói với Zing.vn.

"Họ (công tố viên) thậm chí không dám đề cập đến tên của những nghi phạm đó tại phiên tòa. Họ chỉ đưa ra cáo buộc nhắm đến Đoàn Thị Hương và Aisyah. Tại sao lại như vậy? Có phải họ cảm thấy sợ hãi?".

Quan chức Malaysia chưa từng chính thức cáo buộc Triều Tiên liên quan đến vụ việc và khẳng định rằng họ không muốn phiên tòa bị chính trị hóa.

Đối xử công bằng

Các công tố viên không đưa ra bất cứ lý do nào trong việc ngừng truy tố Aisyah. Tuy nhiên, thời điểm đưa ra quyết định đặt ra nhiều câu hỏi tại Malaysia khi thẩm phán Tòa thượng thẩm Shah Alam hồi tháng 8/2018 tuyên bố rằng có đủ bằng chứng để khẳng định Aisyah và Hương tham gia vào một "âm mưu đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng".

Giới phân tích cho rằng việc Aisyah được trả tự do một phần xuất phát từ lý do chính trị và quan hệ được cải thiện giữa Malaysia và Indonesia sau khi ông Mahathir Mohamad trở lại làm thủ tướng Malaysia. Tuy nhiên, ông Mahathir đã lên tiếng rằng quyết định được đưa ra "đúng luật".

3000_62 4

 Siti Aisyah và luật sư Gooi Soon Seng sau khi công dân Indonesia được trả tự do hôm 11/3. Ảnh: AP.

Theo luật Malaysia, tổng chưởng lý (attorney general - AG), người đảm nhận vai trò cố vấn luật pháp cho chính phủ, có quyền tuyệt đối trong việc tiếp tục hay chấm dứt bất cứ một vụ xét xử nào. Luật sư Hisyam đã đệ đơn lên AG yêu cầu tha bổng cho Đoàn Thị Hương, ngay sau khi Aisyah được phóng thích tại tòa án hôm 11/3.

"AG không có nghĩa vụ phải chấp nhận đề nghị này, nhưng nếu không chấp nhận thì sẽ là sai trái về mặt đạo đức", luật sư hình sự Wan M. Razali Bin Wan A. Kadir, thuộc hãng luật Zaman Teng & Chan ở bang Selangor, Malaysia, nói với Zing.vn.

Sau phiên tòa hôm 11/3, luật sư Hisyam nói Hương cảm thấy việc Aisyah được thả sẽ là bất công với cô nếu cô vẫn bị giam giữ và bước vào các phiên đối chất.

"Cô ấy vẫn thấy vui cho Aisyah, nhưng khi ngồi xuống cô ấy đã thắc mắc vì sao không nhận được sự đối xử tương tự Aisyah", ông nói. "Cô ấy có quyền hợp pháp được hưởng sự đối xử như Aisyah".

Tiến sĩ Oh Ei Sun cho rằng việc trả tự do cho Hương chỉ là "vấn đề thời gian". "Nếu một người được thả rồi thì việc thả người còn lại là điều hoàn toàn hợp lý", ông nói, lưu ý thêm rằng cần có những nỗ lực ngoại giao đi kèm.

Theo tuyên bố của phía Indonesia, vụ xét xử Aisyah đã được chính phủ nước này nêu "trong mọi cuộc gặp song phương" với Malaysia, bao gồm ở cấp độ tổng thống, phó tổng thống cũng như trong các cuộc gặp thường lệ giữa ngoại trưởng và các bộ trưởng khác giữa hai bên.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 12/3 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.

Tại quê nhà của Hương ở Nam Định, người cha Đoàn Văn Thạnh những ngày qua vừa cảm thấy lo lắng, vừa khấp khởi chờ đợi.

"Nếu mà bên kia đưa cháu về Hà Nội, thì tôi thuê xe đi đón về", ông nói.

Video: Đoàn Thị Hương xuất hiện tại tòa

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn