Nằm nép mình bên eo biển Puget Sound, phía Tây Bắc bang Washington, hòn đảo McNeil là nơi sinh sống của 214 "cư dân". Tuy nhiên, tất cả đều là những người từng phải ngồi tù vì các tội danh liên quan tới tình dục bao gồm tấn công tình dục, hãm hiếp và lạm dụng tình dục trẻ em.
Họ bị giam giữ vô thời hạn tại Trung tâm cải tạo đặc biệt (SCC) trên hòn đảo xinh đẹp này. Cách duy nhất để tới được McNeil là di chuyển bằng phà trong 15 phút với tần suất 2 giờ/chuyến.
Kelly Canary, luật sư đại diện cho một người đàn ông bị giam giữ tại McNeil nói rằng không nhiều người biết tới McNeil và thường "sốc" khi biết rằng các tội phạm tình dục bị giam giữ suốt phần đời còn lại sau thời gian thụ án.
Tội phạm tình dục ở Mỹ nếu bị đánh giá là có khả năng tái phạm hành vi sẽ bị luân chuyển tới các trung tâm cải tạo đặc biệt như cơ sở trên McNeil và bị giam giữ vô thời hạn tại đó.
Những người được chuyển tới trung tâm cải tạo đặc biệt ở McNeil được gọi chung là "cư dân", không phải tù nhân dù nơi này chẳng khác biệt là bao với nhà tù. Các hàng rào thép gai được dựng mọi nơi và đội ngũ an ninh sẽ kiểm tra mỗi giờ để đảm bảo các "cư dân" tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy tắc của cơ sở.
Mỗi "cư dân" trên đảo đều từng có thời gian ngồi tù để trả giá cho các hành vi phạm tội của mình. Sau khi mãn hạ tù, tòa án sẽ đánh giá họ có khả năng tái phạm hành vi của mình hay không. Nếu không vượt qua vòng đánh giá này, các đối tượng bị liệt vào danh sách tội phạm cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục trẻ em “nguy hiểm nhất” này sẽ bị chuyển tới McNeil.
Cùng với SCC trên McNeil, hàng loạt các cơ sở tương tự được dựng lên ở 19 bang khác của Mỹ nhằm cách ly khoảng 5.200 tội phạm tình dục với cộng đồng sau khi mãn hạn tù.
Tuy nhiên, các cơ sở này trong nhiều năm vẫn đang vấp phải tranh cãi từ dư luận. Trước hết, tiêu chí để đánh giá một đối tượng từng phạm tội ấu dâm có tái phạm hay không sẽ dựa vào thang thẩm định rủi ro (Actuarial), tương tự như các cách các công ty bảo hiểm xe hơi thường thẩm định trước khi ký hợp đồng với khách hàng. Vì vậy, nó thiên nhiều về cảm tính và không có một mức khung cụ thể cho bất cứ đánh giá nào.
Thêm vào đó, chi phí vận hành các trung tâm này không hề rẻ, gấp 5 lần so với các nhà tù thông thường.
Theo thống kê của Bộ Tư Pháp Mỹ, chỉ có 5,6% tội phạm tình dục bị bắt lại trong vòng 5 năm sau khi ra tù trong khi tỷ lệ này các tội phạm khác liên quan tới trộm cướp và buôn bán ma túy cao hơn nhiều lần. Nhiều người vì vậy đặt dấu hỏi về mức độ cần thiết của các Trung tâm cải tạo đặc biệt.
Theo The Guardian, ở SCC, các "cư dân" được tiếp nhận điều trị để thay đổi hành vi và dần loại bỏ tâm lý lệch lạc. Các bác sỹ sẽ dựa vào lời chia sẻ của họ về sự lệch lạc tình dục của bản thân để dần giúp họ loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực và triệt tiêu các nhân tố khiến họ có thể tái phạm hành vi trong tương lai.
Đối với các tội phạm được chuyển tới SCC, mỗi năm họ sẽ được đánh giá có đủ điều kiện để được trả tự do hay không dựa trên lịch sử phạm tội và tiến trình chữa trị. Quá trình này phải trải qua rất nhiều bước, hồ sơ của các "cư dân" cũng phải qua tay rất nhiều vòng đánh giá trước khi được trình lên tòa án.
Trung bình mỗi năm chỉ có 7 người được thả tại mỗi cơ sở SCC. Con số ít ỏi này khiến nhiều người tin rằng một khi đã đặt chân tới SCC, đó có thể là con đường một đi không trở lại.
Bình luận