Tờ Izvestia dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Eric Pachon cho biết, kể từ năm 2014, Washington đã chi hơn 1,3 tỷ USD để củng cố quân đội cho Ukraine và cải thiện mối quan hệ của nước này với Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo ông Pachon, Mỹ luôn ủng hộ mục tiêu gia nhập Liên minh của Ukraine, tuy nhiên quá trình này đang bị cản trở bởi vấn đề lãnh thổ, mà cụ thể là “vấn đề Crưm”.
Ông Pachon khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh mục tiêu trở thành thành viên Khối Liên minh NATO của Ukraine và ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do lựa chọn tương lai và đường lối chính trị của nước này mà không có sự can thiệp từ bên ngoài”.
Một đạo luật về những thay đổi trong Hiến pháp của Ukraine đã có hiệu lực hồi tháng 2. Theo đó, nước này đã xác định đường lối của đất nước theo hướng gia nhập NATO và EU.
Trước đó, vào tháng 12/2014, Quốc hội Ukraine đã từng sửa đổi luật, theo đó bác bỏ tình trạng quốc gia không liên kết.
Tuy nhiên, theo lời của cựu Tổng thư ký NATO, ông Anders Fog Rasmussen, để gia nhập Liên minh, Ukraine sẽ cần phải đạt được một số tiêu chí, việc thực hiện sẽ mất một lượng lớn thời gian.
Các chuyên gia tin rằng Kiev sẽ khó mà có thể đủ điều kiện để trở thành thành viên của Liên minh NATO trong vòng 20 năm tới.
Crưm đã trở thành một phần của lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014. Đa số cử tri đã ủng hộ việc bán đảo này sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý đã được chính quyền Crưm tổ chức ngay sau cuộc đảo chính tháng 2/2014 ở Kiev.
Mátxcơva đã nhiều lần tuyên bố rằng người dân Crưm đã bỏ phiếp sáp nhập vào Nga một cách dân chủ, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, vấn đề Crưm đã hoàn toàn khép lại.
Bình luận