Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ có chuyến thăm chính thức tới Iran trong hai ngày 12-13/6, và có cuộc tọa đàm với Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani. Theo Reuters, mục đích chính chuyến đi lần này của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đến Tehran là nhằm giảm bớt căng thẳng khu vực, cũng như giảm leo thang cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran.
Chuyến thăm tới đây của ông Abe là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Nhật Bản đến nước Cộng hòa Hồi giáo này trong 40 năm qua, mặc dù Tokyo và Tehran có mối quan hệ hữu nghị và sẽ kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.
“Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang ở Trung Đông, chúng tôi dự định sẽ kêu gọi Iran – một cường quốc trong khu vực – có những động thái nhằm giảm bớt căng thẳng”, phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết.
Trong chuyến thăm bốn ngày tới Nhật Bản vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với sứ mệnh hòa giải của ông Abe Shinzo trong vấn đề Iran. Theo các chuyên gia, Thủ tướng Abe đang ở vị trí có một không hai, khi vừa có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Trump, lại vừa có mối quan hệ thân thiết với Tehran.
“Ông Abe đang cố gắng đóng vai trò là một đặc phái viên để giảm bớt căng thẳng. Đây là một bước đi táo bạo. Tôi cho rằng điều này từ sự tự tin trong mối quan hệ cá nhân giữa ông ấy với Tổng thống Trump”, Toshihiro Nakayama, một nhà nghiên cứu chính trị tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết.
Được biết, sau khi tình hình ở khu vực Vịnh Ba Tư có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại đây, hai quốc gia Ả Rập là Iraq và Oman cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm hòa giải nhằm góp phần hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Iran.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Washington và Tehran thực sự quan tâm đến đề xuất của hai quốc gia láng giềng trong khu vực này. Không những thế, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif còn liên tiếp bác bỏ mọi khả năng tham gia đối thoại với Mỹ với lý do rằng “đàm phán và chiến tranh không thể đi đôi với nhau”.
Bình luận