Với số phiếu 55,5%, chiến thắng của đương kim Tổng thống Joko Widodo đã vượt xa so đối thủ của ông cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, người có liên minh với các nhóm Hồi giáo cứng rắn, liên tục gây ra mối lo ngại ở quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới. Tái đắc cử lần này, Tổng thống Widodo bác bỏ vai trò lãnh đạo độc tài và tiếp tục thực hiện những cải cách kinh tế.
Jokowi, một cựu doanh nhân nội thất, là Tổng thống dân cử đầu tiên của Indonesia, người không đến từ giới tinh hoa chính trị hay quân sự. Trước đó, ông từng là thị trưởng thành phố Solo, rồi trở thành thống đốc Jakarta. Ông cũng giành được lời khen ngợi vì có thể lãnh đạo một đất nước có tiếng là quốc gia tham nhũng nhất thế giới.
Với khoảng 260 triệu dân, Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới, sau khi thoát khỏi chế độ độc tài Suharto năm 1998. Trong khi đó, đối thủ của ông, tướng Prabowo Subianto là người đã kết hôn với con gái của nhà lãnh đạo độc tài Suharto, người đã bị buộc tội ăn cắp hàng tỷ USD từ tài sản quốc gia trong suốt hơn 30 năm cầm quyền.
Đánh bại Prabowo Subianto lần thứ nhất trong cuộc bầu cử năm 2014, đương kim Tổng thống Joko Widodo thành công trong việc duy trì sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo ở Indonesia trong nhiệm kì đầu. Những người ủng hộ ông Prabowo Subianto đã cáo buộc Jokowi là một Cơ đốc nhân bí mật, người đã bán Indonesia cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những tin đồn thất thiệt mà liên minh ủng hộ Prabowo tung ra không làm ảnh hưởng tới chiến thắng của ông Joko Widodo lần này.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất của ôngJoko Widodo có được từ các khu vực chủ yếu là thiểu số, như đảo du lịch Bali, nơi có đa số người theo đạo Hindu và Papua, một tỉnh có đông đảo người dân theo Kitô giáo.
"Chúng tôi muốn tiếp tục có các nhà lãnh đạo đoàn kết tất cả các tôn giáo và chủng tộc ở Indonesia". Đó là lời phát biểu của thống đốc Bali, Wayan Koster, khi trả lời phỏng vấn tời New York Times hôm 21/5.
Ông Jokowi đã giành chiến thắng tại 21 tỉnh trong tổng số 34 tỉnh ở Indonesia, khẳng định đường lối chính sách của ông trong suốt nhiệm kì vừa qua là hợp với lòng dân.
Tiếp tục cải cách kinh tế
Tổng thống Joko Widodo có kế hoạch sử dụng 5 năm tới để thực hiện các cải cách kinh tế nhằm đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2045.
Phát biểu tại một cuộc phỏng vấn, ông cho biết : "Chiến lược của tôi là quản lý đất nước này như một quốc gia, không phải là một doanh nghiệp. Một số tác động của các chương trình y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng sẽ được cảm nhận sau này khi tôi không còn là Tổng thống. Nhưng chúng ta không thể tính đến kết quả ngắn hạn khi nói về lợi ích dài hạn của quốc gia".
Tổng thống Joko Widodo có kế hoạch cắt giảm bộ máy quan liêu trong nước, để tăng đầu tư nước ngoài và tiếp tục dự án cơ sở hạ tầng trị giá 400 tỷ USD. Cuộc cải tổ nội các, để loại bỏ ba Bộ trưởng phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, dự kiến sẽ diễn ra sau khi tháng chay Ramadan kết thúc vào tháng Sáu tới đây.
Nhà lãnh đạo đất nước vạn đảo sẽ tránh những cải cách phức tạp không cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ dồi dào của Indonesia. Danh sách hàng đầu của chương trình nghị sự là dỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với thương mại và đầu tư, giảm sự cứng nhắc trong quy định lao động, và tài trợ và cung cấp chi tiêu công sản xuất cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Để làm như vậy, Tổng thống Joko Widodo sẽ phải lấy lợi ích cá nhân từ các ông trùm kinh doanh bằng cách tăng thuế. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, so với việc Prabowo Subianto chiến thắng, có nghĩa là chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn và khó dự đoán hơn, thì Tổng thống Joko Widodo tái đắc cử là một thuận lợi. Bởi trong giai đoạn tiếp theo này, họ có thể yên tâm mà tiếp tục kinh doanh và tăng trưởng.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 vừa được công bố chưa phải là kết quả cuối cùng cho đến khi tất cả các khiếu nại liên quan đến quá trình kiểm phiếu được giải quyết. Thời hạn các khiếu nại đưa lên Tòa hiến pháp Indonesia là tới ngày 25/5.
Bình luận