Sergo Beria: chế tạo tên lửa ở nơi tha hương
Cánh tay phải của Stalin và là người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), Lavrenty Beria chỉ có một người con trai. Sergo có một sự nghiệp sáng giá khi làm kỹ sư quân sự.
Ở giai đoạn ban đầu của Thế chiến 2, thanh niên trẻ tuổi khi đó mới 20 tuổi gia nhập quân đội, trở thành một kỹ sư quân sự giữ hàm trung úy.
Năm 1941, Sergo được gửi tới Iran trong một chiến dịch đặc biệt tối mật. Năm 1942, Sergo làm việc trong Nhóm các lực lượng Bắc Caucasus, và sau đó, trong một nhiệm vụ đặc biệt, ông tham dự các cuộc họp Tehran và Yalta giữa những người đứng đầu liên minh chống Hitler.
Sau chiến tranh, dù tốt nghiệp Học viện thông tin Quân sự Leningrad nhưng Sergo lại là người thiết kế tên lửa không đối hạm đầu tiên của Liên Xô – tên lửa hành trình KS-1 lớp Kometa và trở thành một trong những kỹ sư quân sự hàng đầu của Liên Xô.
Các luận văn thạc sỹ và tiến sỹ của Sergo là dựa trên các dự án của mình, và ông từng được trao Huân chương Lenin và Giải thưởng Stalin.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi nhanh chóng sau vụ bắt giữ và xử tử cha ông năm 1953. Sergo bị biệt giam 1 năm và tước hết mọi quân hàm, giải thưởng và bằng cấp. Sergo bị cáo buộc đạo văn, các bài luận văn của ông bị cho là làm lại từ nghiên cứu của các nhà khoa học và kỹ sư khác.
Năm 1954, Sergo cùng với mẹ mình bị “trục xuất hành chính” tới Urals, nhưng vẫn được ở trong một căn hộ 3 phòng và được quyền làm công việc thiết kế tên lửa. Sergo và mẹ cũng đổi họ thành Gegechkori vì cho rằng nếu để họ Beria, sẽ có rất nhiều người muốn “xé xác” họ.
Gegechkori thực ra là họ của mẹ ông thời con gái. Đồng nghiệp của Sergo những năm 1950, Rel Matafonov, cho biết, Sergo thường sử dụng họ Gegechkori khi giới thiệu về mình và chưa từng một lần nhắc đến cha mình là Lavrenty Beria. Sergo bắt đầu lại sự nghiệp từ những công việc bình thường, như một kỹ sư thông thường và dần dần thăng tiến nhiều năm sau đó.
Năm 1964, ông đề nghị được chuyển tới Kiev, Ukraine, nơi ông tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp. Từ 1990-1999, Sergo làm nhà thiết kế chính tại Viện nghiên cứu Kiev.
Sau này, Sergo bắt đầu thôi giấu giếm mình là con trai của Beria và thậm chí còn viết hồi ký, trong đó ông đã cố gắng một cách tuyệt vọng nhằm xây dựng lại hình ảnh người cha mà ông vô cùng yêu mến. Ông tin chắc rằng, Beria đã phải nhận tội thay cho những kẻ phạm tội trong giới chóp bu và rằng, tất cả hành động của cha ông là vì lợi ích đất nước.
Leonid Khrushchev: Chết trên chiến trường
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (1894-1971) có 6 người con, nhưng người con cả Leonid là được biết đến nhiều nhất.
Leonod bắt đầu công việc trong một nhà máy. Nhưng năm 1939, khi chiến tranh Liên Xô-Phần Lan nổ ra, ông tình nguyện gia nhập Hồng quân và đề nghị được ra mặt trận làm phi công máy bay ném bom. Trong suốt cuộc chiến tranh, Leonid đã thực hiện 30 nhiệm vụ ném bom.
Tháng 6/1941, khi Đức xâm lược Liên Xô, Leonid một lần nữa ra mặt trận trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhưng không lâu sau đó ông bị thương nghiêm trọng. Khoảng một năm sau, dù chân của ông vẫn bị thương nhưng Leonid lại được đưa ra chiến trường, lần này là phi công máy bay chiến đấu.
Theo hồi ký của cô em gái - Rada, người anh trai “thương binh” của bà được đưa trở lại chiến trường như một hình phạt vì đã vô tình bắn một thủy thủ năm 1942 trong lúc say rượu ở một bữa tiệc. Cháu gái của Leonid, Nina Khrushcheva sau này tin rằng sự việc đã bị dựng lên và chẳng có bằng chứng nào về điều đó.
Dẫu sao thì con trai của Khrushchev vẫn tiếp tục làm phi công trên chiến trường. Năm 1943, ông đã không thể quay về sau một nhiệm vụ và được tuyên bố là mất tích trong lúc làm nhiệm vụ.
Theo các tuyên bố chính thức, Leonid bị bắn hạ trong lúc che chắn cho máy bay của đồng đội khỏi chiếc Focke-Wulf của Đức. Nhưng cũng có một thuyết âm mưu mà ngày nay được cho là do những người ủng hộ Stalin dựng lên nhằm bôi nhọ Nikita Khrushchev, nhưng lại rất phổ biến ở thời điểm đó.
Thuyết âm mưu này cho rằng, Leonid thực ra đã đứng về phía Đức và bị bắt cóc theo yêu cầu của Stalin, rồi sau đó bị bắn và mọi việc đã bị bưng bít. Câu chuyện này chưa bao giờ được xác nhận, mặc dù “mục tiêu” của nó không phải là ngẫu nhiên.
“Leonid rất bướng bỉnh. Tôi nghĩ, tính cách đó đã khiến ông xung đột với cha của mình, vì cha ông muốn ông trở thành một người cộng sản nhưng ông lại không có ý định đó”, Nina - cháu gái của Leonid nói.
Theo Nina, Leonid cư xử như kiểu mình là một người hạng nhất ở Moscow, nghĩ rằng bản thân ông cao quý hơn những người khác và khá hiếu động. Nếu sống ở thời nay, ông sẽ bị coi là “kẻ nghiện adrenaline”.
Galina Brezhneva: Chết trong bệnh viện tâm thần
Thời trẻ, con gái của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Lenoid Brezhnev thường mơ ước sau này trở thành một nữ diễn viên, nhưng cha cô lại ép cô học Khoa Triết học, Trường đại học Tổng hợp Kishinev. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn được lòng mong muốn làm nghệ thuật của cô. Galina đã tìm được một lối thoát khác cho ham muốn nghệ thuật của mình.
Năm 1951, cô yêu một người biểu diễn xiếc rong Evgeny Milayev (khi đó 41 tuổi, chỉ ít hơn cha cô, Leonid Brezhnev, 4 tuổi; còn Galina mới 22 tuổi). Bỏ dở đại học, cô làm người phụ trách trang phục trong gánh xiếc, và cùng Milayev bỏ trốn. Hai người có chung một cô con gái, nhưng hôn nhân sau đó tan vỡ khi Milayev ngoại tình với một nữ đồng nghiệp.
Cuộc hôn nhân thứ 2 của Galina là với nhà ảo thuật 18 tuổi Igor Kio (khi đó Galina đã 33 tuổi). Nhưng hai người ly hôn chỉ sau 10 ngày do sự phản đối kiên quyết của người cha quyền lực của Galina.
Sau này, Galina gặp và kết hôn với Yuri Mikhaylovich Churbanov, một trung tá cảnh sát. Tuy nhiên, bà lại dành toàn bộ thời gian cho những buổi tiệc và bắt đầu nghiện rượu.
Cuộc sống của Galina biến thành ác mộng sau cái chết của cha bà năm 1982. Xã hội thượng lưu quay lưng với Galina, chồng bà bị bắt và các vụ kiện chống tham nhũng được tiến hành nhằm vào gia đình Brezhnev.
Chứng nghiện rượu của Galina bị phát hiện. Cuối cùng con gái của Galina đã đưa bà vào bệnh viện tâm thần và sau đó bà qua đời vì đột quỵ.
Natalia Khayutina (Yezhova): Từng đòi lại danh dự cho cha mình
Trong cuộc thanh trừng 1937-1938, gần 700.000 người đã bị xử tử (theo các văn bản lưu trữ) và tất cả đều nhân danh người đứng đầu NKVD khi đó, Nikolai Yezhov. “Quỷ lùn khát máu” (Nikolai Yezhov chỉ cao 1m50) không có con, nhưng nhận nuôi một cô con gái là Natalia.
Có nhiều lời đồn về việc Natalia trở thành con nuôi của Yezhov như thế nào. Một số người nói Natalia là con hoang của người vợ cuối cùng của Yezhov hoặc là con hoang của chính Yezhnov. Một số người lại nói, Natalia là con gái của một gia đình nhà ngoại giao Liên Xô bị NKVD dưới thời Yezhov xử tử.
Cho dù sự thật là gì, thì cô con gái được nhận nuôi từ lúc 11 tháng tuổi đã trở thành niềm vui chính của Yezhov. “Ông ấy là một người cha tuyệt vời. Tôi nhớ ông ấy đã tự tay làm 2 những chiếc ván trượt cho tôi như thế nào và đã dạy tôi chơi tennis, chơi con ky ra sao. Ông ấy dành rất nhiều thời gian cho tôi”, Natalia nhớ lại.
Năm 1938, khi Yezhov bị bắt, ông đã cầu xin: “Đừng động đến con gái tôi”. Người mẹ nuôi của cô đã tự vẫn trước đó và vì thế Natalia đã được đưa tới một trại mồ côi đặc biệt dành cho “những kẻ thù của con người” trên một chuyến tàu được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong suốt hành trình, Natalia được bảo là hãy quên cái tên trước đó của mình đi, nhưng với lòng yêu mến cha mình, Natalia không bỏ lỡ cơ hội để nói về việc mình là ai.
Rồi căng thẳng trở nên quá lớn khiến Natalia quyết định treo cổ. Tuy nhiên, sợi dây bị đứt và vụ tự tử không thành.
Sau đó, Natalia Khayutina tình nguyện chuyển tới một ngôi làng gần Magadan (cách Moscow 8.000 km về phía Đông), nơi cha cô đã từng trục xuất rất nhiều người. Năm 1999, Natalia từng nộp đơn kiện để khôi phục danh dự cho cha mình, nhưng bị tòa án trả lại hồ sơ.
Ở Magadan, Natalia sáng tác thơ, các bài hát và hiếm khi rời khỏi nhà. Mỗi tiếng gõ cửa đều khiến Natalia run bắn: “Tôi vẫn nghĩ một ngày nào đó họ sẽ gõ cửa và trả thù tôi vì cha tôi”.
Natalia Khayutina qua đời năm 2016.
Bình luận