"Cho tới tận bây giờ, 5G vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Nhưng giờ đây, những nhân vật lớn đang nói về 5G giúp chúng ta trở nên có ảnh hưởng hơn và thu về nhiều hợp đồng hơn", ông Nhậm nói trong cuộc phóng vấn với đài CBS hôm 21/2.
"Làm ơn nói với họ rằng tôi thực sự cám ơn họ vì đã thúc đẩy chúng tôi", ông này nói thêm.
Huawei đang thảo luận hợp đồng triển khai mạng 5G ở gần 30 quốc gia, nhưng Mỹ cáo buộc các thiết bị của hãng viễn thông khồng lồ Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia các nước.
Cựu Quyền Giám đốc CIA Michael Morell cho rằng các cơ quan tình báo có thể lợi dụng với tốc độ thông tin và khả năng truy cập của 5G để tăng cường việc đánh cắp dữ liệu.
"5G cho phép một số lượng thiết bị lớn hơn được kết nối với internet. Khi bạn kết nối nhiều thiết bị hơn, bạn sẽ tạo ra nhiều nền tảng hơn mà dịch vụ tình báo có thể theo dõi", ông Morell nói.
Tuy nhiên, ông Nhậm khẳng định những cáo buộc này là không có cơ sở và 5G cũng không phải là một quả bom nguyên tử hay có cùng mối đe dọa như với các thiết bị quân sự.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 21/2, Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo Mỹ sẽ không hợp tác hay chia sẻ thông tin với các nước sử dụng thiết bị của Huawei vì lo ngại có thể gây rủi ro cho các thông tin của nước Mỹ.
Trước đó, phó Tổng thống Mike Pence cũng nhấn mạnh Washington có thể sẽ xem xét lại các mối quan hệ quân sự với các quốc gia sử dụng thiết bị của Huawei.
"Chúng tôi không thể đảm bảo sự bảo vệ với phương Tây nếu các đồng minh của chúng tôi phát triển phụ thuộc vào phương Đông", ông Pence nói tại Hội nghị an ninh Munich, Đức vào tuần trước.
Tuyên bố của ông Pence được đưa ra sau khi Robert Hannigan, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) cho biết Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh “chưa tìm thấy bằng chứng về hoạt động mạng bất chính của Trung Quốc thông qua Huawei”.
Italia, Đức và Pháp cũng có cùng quan điểm với Anh trong khi New Zealand và Australia hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, cấm Huawei triển khai mạng 5G tại quốc gia của mình.
Bình luận