Những ngày qua, cả thế giới đang phải “nín thở” theo dõi những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Trong một diễn biến gây lo ngại mới nhất, phía Mỹ tuyên bố quân đội nước này vừa tiến hành cuộc tấn công mạng nhằm vào lực lượng Vệ Binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran và làm tê liệt hệ thống máy tính kiểm soát tên lửa, cũng như bệ phóng của lực lượng này; áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong đó đối tượng chính là Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ (USCC) đã tổ chức cuộc tấn công trên hôm 20/6 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại kế hoạch không kích để đáp trả vụ Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Theo hãng tin AP, chính ông chủ Nhà Trắng là người đã “bật đèn xanh” cho vụ tấn công.
Cội nguồn mâu thuẫn
Nhìn lại lịch sử mối quan hệ Mỹ-Iran có thể thấy mâu thuẫn giữa hai nước được bắt nguồn từ sau “Khủng hoảng con tin Iran” diễn ra 40 năm trước. Khi đó, 56 nhà ngoại giao và công dân Mỹ đã bị bắt làm con tin 444 ngày kể từ này 4/11/1979 đến ngày 20/1/1981, sau khi một nhóm sinh viên Iran ủng hộ Cách mạng Hồi giáo đã đánh chiếm Đại sứ quán Mỹ tại Tehran.
Trong sự kiện này, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã gọi các con tin là “nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và tình trạng vô chính phủ”. Trong khi Iran lại coi đây là một đòn chống lại Mỹ và ảnh hưởng của nước này tại Iran, bao gồm cả những nỗ lực nhằm làm suy yếu cuộc Cách mạng Iran và sự ủng hộ lâu dài đối với vua Mohammad Reza Pahlavi cùng chính quyền quân chủ thân Mỹ mới bị lật đổ trước đó.
Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao thất bại và Tổng thống Carter ra lệnh cho quân đội Mỹ triển khai chiến dịch giải cứu sử dụng tàu chiến. Vào ngày 24/4/1980, nỗ lực đánh chiếm “Operation Eagle Claw” thất bại, dẫn đến cái chết của 8 lính Mỹ và 1 thường dân Iran. Chỉ đến tháng 9/1980, khi cuộc Chiến tranh Iran-Iraq nổ ra, các con tin mới được thả ra nhờ thỏa ước “Algiers”.
Giới phân tích chính trị coi cuộc khủng hoảng này là nhân tố chính dẫn tới sự thất bại của Tổng thống Carter trong cuộc bầu cử năm 1980, cũng như củng cố uy tín của nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ruhollah Khomeini và sức mạnh chính trị của các lãnh đạo tôn giáo chống lại mọi bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Đây chính là điểm khởi đầu cho chiều hướng đi xuống của mối quan hệ Mỹ-Iran.
Mẫu thuẫn “lên đỉnh” thời Donald Trump
Kể từ sự kiện năm 1979, mối quan hệ Mỹ-Iran liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng qua các đời Tổng thống Mỹ. Dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran sau khi cáo buộc nước này “đỡ đầu” cho khủng bố, cũng như theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân. Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran vẫn là mâu thuẫn lớn nhất giữa Mỹ và Iran khi ông George Bush nắm quyền Nhà Trắng.
Mối quan hệ Mỹ-Iran có những dấu hiệu cải thiện tích cực dưới thời Tổng thống Brack Obama, khi mà vào tháng 7/2015, Iran và nhóm cường quốc thế giới P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán. Theo đó, Iran sẽ chấp nhận hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân của mình để được nới lỏng các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc áp đặt.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Washington và Tehran lại một lần nữa quay trở lại khi vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Sau động thái là một loạt những diễn biến căng thẳng leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại: Mỹ công bố kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông và điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh ngay sau cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman ngày 14/6; IRGC bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6 do cáo buộc máy bay Mỹ đã vi phạm không phận Iran; Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “đã ra lệnh tấn công 3 mục tiêu của Iran”, nhưng cũng chính người đứng đầu Nhà Trắng chỉ thị hủy kế hoạch tấn công chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran.
Vậy đâu là nhân tố đẩy căng thẳng Mỹ-Iran lên đến đỉnh điểm như hiện nay? Nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, nguyên phóng viên TTXVN từng nhiều năm lăn lộn tại các địa bàn Trung Đông, Nam Tư cũ và Mỹ cho rằng “chưa bao giờ nước Mỹ có một vị Tổng thống nào thân với các nước thù địch của Iran như ông Trump hiện nay, và cũng chưa bao giờ có một vị Tổng thống nào tin tưởng vào sức mạnh của nước Mỹ đến mức có thể đạt được những điều mình muốn ở Iran như ông Trump”. Điều đó đã làm cho mối quan hệ Mỹ-Iran bị đẩy lên “đỉnh” căng thẳng như hiện nay.
Lấy ví dụ cho nhận định của mình, chuyên gia tin rằng chưa có một nguyên thủ quốc gia nào có thể coi quân đội của một quốc gia khác là lực lượng khủng bố như cách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm với IRGC. Lực lượng khủng bố, theo chuyên gia, chỉ có thể là các phe nhóm, các tổ chức nhỏ không chính thức thuộc về bất cứ quốc gia nào. Ông Trump đã làm những điều mà từ trước đến giờ chưa một vị Tổng thống Mỹ nào dám làm.
Nước cờ Iran và toan tính của ông Trump
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 bước vào giai đoạn cao trào, nhất là khi đối thủ từ đảng Dân chủ hiện hữu rõ ràng, ông Trump sẽ có cách làm “tạo ra cơn mưa làm dịu bớt căng thẳng trong vấn đề hạt nhân không chỉ của Iran, mà còn của Triều Tiên”.
Chuyên gia, nhà báo Phạm Phú Phúc
Bình luận về quyết định thay đổi kế hoạch ban đầu là “tấn công 3 mục tiêu của Iran” sang kế hoạch tấn công mạng vào IRGC của ông Trump, chuyên gia Phạm Phú Phúc cho biết: “Ông Trump ban đầu có thể chưa lường hết được sức mạnh quốc phòng của Iran, đặc biệt là lực lượng phòng không và lực lượng hải quân. Có thể nói, Iran hiện đang có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong khu vực và không phải quốc gia dễ bắt nạt như Iraq, cũng như một số quốc gia nào đó ở Trung Đông, mà có vẻ như Mỹ đã có lúc lầm tưởng. Nguyên nhân thực sự không phải vì ông Trump lo lắng cho 150 mạng người, mà là vì ông lo sợ việc tấn công quân sự vào 3 căn cứ của Iran sẽ thổi bùng lên một cuộc chiến toàn diện”.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mới được khởi động cũng là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc ông Trump rút lại quyết định tấn công của mình. Ông Trump có thể đã nhận ra rằng một cuộc chiến nổ ra với Iran sẽ làm mất đi cơ hội tái đắc cử của ông trong cuộc chay đua này. Bởi một cuộc chiến “sa lầy” khác của Mỹ ở Trung Đông sẽ đi ngược lại với lời hứa sẽ không đưa quân ra nước ngoài và làm “cảnh sát” cho thế giới nữa của chính ông Trump.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng không thể để thể diện của nước Mỹ và uy tín cá nhân ông bị coi thường khi đã đưa ra rất nhiều những phát ngôn cứng rắn trước đó. Đó, theo chuyên gia, là lý do vì sao ông Trump “bật đèn xanh” cho cuộc tấn công mạng nhằm vào IRGC và làm tê liệt hệ thống máy tính kiểm soát tên lửa, cũng như bệ phóng của lực lượng này.
Những cuộc tấn công mạng như vậy sẽ “bẻ gãy” được sức mạnh phòng không và hải quân của Iran, nhằm ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra với các máy bay do thám không người lái khác của Mỹ trong tương lai, cũng như mở đường cho các cuộc tấn công nếu có. Bởi khi “đầu não” hệ thống tên lửa bị tê liệt, sức mạnh của Iran chắc chắn sẽ giảm sút đáng kể.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 và “cơn mưa” hạ nhiệt căng thẳng
Chắc chắn Iran sẽ có hành động đáp trả sau cuộc tấn công mạng của Mỹ. Đó có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến công nghệ dai dẳng nhằm làm giảm sức mạnh quân sự của cả hai bên. Chuyên gia Phạm Phú Phúc khẳng định: “Mối quan hệ Iran-Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng nhưng rất khó để có thể bùng nổ thành một cuộc đối đầu quân sự thực sự. Bởi bản thân cả hai bên đều không muốn có chiến tranh”.
Bên cạnh đó, cả Mỹ và Iran đều tuyên bố không muốn đối thoại. Và đây là lúc tài đàm phán của Tổng thống Donald Trump phát huy tác dụng. Theo dự báo của chuyên gia, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ còn tiếp tục đẩy căng thẳng lên nữa. Và khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 bước vào giai đoạn cao trào, nhất là khi đối thủ từ đảng Dân chủ hiện hữu rõ ràng, ông Trump sẽ có cách “tạo ra cơn mưa làm dịu bớt căng thẳng trong vấn đề hạt nhân không chỉ của Iran, mà còn của Triều Tiên”. “Chỉ khi đó, con đường vào lại Nhà Trắng của ông Donald Trump mới có thể rộng mở” - chuyên gia kết luận.
Video: Iran công bố video bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ.
Bình luận