Những người tin rằng ông Trump là không có lợi gì đối với Nga nên suy nghĩ lại. Tổng thống Mỹ vừa góp phần củng cố mạnh mẽ vị thế vốn chỉ mong manh của Matxcơva ở Trung Đông. Đương nhiên, là nhà lãnh đạo của nước Mỹ, người luôn công khai tuyên bố về “trí tuệ vô song” của mình, ông Trump không bao giờ mong muốn một kết quả như vậy. Nhưng trên thực tế, nhờ những bước đi không tính toán, vội vã và có phần mâu thuẫn của ông Trump, mà Nga đang có được những kết quả như ý.
Một mặt, Mỹ bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí còn áp đặt các biện pháp trừng phạt, dù không quá nặng nề nhưng cũng là toàn diện, đối với đồng minh chính thức của NATO. Nhưng mặt khác, ông Trump lại trao cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan “một món quà”: người Kurd Syria vốn đang liên minh chặt chẽ với Washington và thù ghét Ankara lại bị người Mỹ bỏ mặc cho số phận.
Tỉnh táo đánh giá hậu quả của sự "phản bội" này, người Kurd đưa ra quyết định duy nhất có thể giúp họ trong tình huống này: đứng về phe Tổng thống của Syria và đối tác chính trị chính của Nga – Bashar al-Assad.
Rõ ràng Washington chẳng có lợi gì từ “sự kết hợp kỳ lạ” này. Nhưng, trái lại, những gì mà Matxcơva thu được từ điều này lại là rất lớn. Có thể nói rằng Nga sẽ thay thế Mỹ trở thành người chơi nước ngoài có vị thế lớn nhất ở Trung Đông. Matxcơva có đủ nguồn lực cần thiết để làm điều đó, từ lượng kinh tế, địa chính trị đến hành trang các mối quan hệ kinh tế và chính trị lịch sử.
Nga tìm được một điểm cân bằng nhất định về lợi ích của mình với Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng chính của Ankara là bằng bất cứ giá nào cũng phải ngăn chặn sự xuất hiện của một quốc gia người Kurd độc lập hay thậm chí bán độc lập trong khu vực. Với sự hiện diện của một nhóm thiểu số người Kurd đáng kể ở chính Thổ Nhĩ Kỳ, theo ông Erdogan, bất cứ thực thể tự trị nào như vậy đều là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước ông.
Để ngăn chặn mối đe dọa này, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia liên minh với "bất kỳ ai". Trước đây, “bất kỳ ai” đó từng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Nhưng giờ đây, vai trò đó sẽ được đảm nhận bởi Nga. Rõ ràng, ông Putin có thể thuyết phục người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng, sẽ là có lợi hơn cho Ankara nếu người Kurd Syria, vốn trước đây có sự độc lập nhất định, giờ lại nằm dưới sự kiểm soát của Tổng thống Assad.
Ông Trump có thể không ngờ rằng một kịch bản như vậy có thể xảy khi ông quyết định rút hầu hết binh lính Mỹ khỏi Syria. Trong suy nghĩ của ông, việc duy trì một “đội quân hạn chế” tại đây sẽ giúp Washington đỡ đi rất nhiều thứ, cả về chi phí tài chính lẫn hao tổn chính trị. Nhưng thực tế là, nhờ quyết định đó mà giờ đây vị thế của Tổng thống Assad – đối tác chính của Nga – tăng cường đáng kể: chính quyền Syria có thể kiểm soát được lãnh thổ của mình, khi có thêm phần lãnh thổ của người Kurd.
Cần phải lưu ý rằng, liên minh giữa Nga và Tổng thống Syria không hề dựa trên sự đồng cảm hay bất cứ thứ tình cảm mạnh mẽ nào. Trong chính trị, tất cả những điều đó thường được thay thế bởi một sự trùng hợp về lợi ích. Nhờ có Nga, ông Assad mới có thể đảm bảo sự sống còn về chính trị và thậm chí cả tính mạng mình. Nhờ Assad, Nga có được một tiền đồn tại khu vực vốn được coi là “thần kinh trung ương” của toàn thế giới.
Kể từ năm 2014, Mỹ gần như vô hiệu hóa hoàn toàn mối quan hệ ngoại giao của Nga tại châu Âu. Dù vẫn còn nhiều đối tác muốn có mối quan hệ khác biệt cơ bản với Nga, nhưng họ lại không thể hoặc không dám làm điều gì đó thực sự có ý nghĩa theo hướng này. Trong điều kiện như vậy, Nga chỉ có thể phản ứng với Mỹ một cách bất đối xứng.
Hoạt động tích cực ở Trung Đông là một trong những phản ứng bất đối xứng thành công nhất của Matxcơva. Hiện giờ, Nga thực sự đóng vai trò trung gian hòa giải ở Trung Đông, “một nhà môi giới chính trị” mà không một cường quốc khu vực nào đang có mâu thuẫn có thể bỏ qua: cả Ả-rập Xê-út, Iran, Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này mặc định làm tăng ảnh hưởng chung của Nga trên thế giới. Nếu có bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào đó xảy ra tại Trung Đông, thì nó cũng sẽ được bàn luận ở nơi những nơi xa nhất trên toàn cầu.
Vì thế, không quá khi nói rằng, sai lầm của ông Trump tại Syria chính là chiến thắng của ông Putin trong trò chơi “xổ số chính trị”: củng cố vị thế của Matxcơva tại Trung Đông và đánh vào uy tín của Mỹ - quốc gia vốn được coi là người chơi chính trị hợp lý và đối tác đáng tin cậy.
Bình luận