Trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ cho biết các công ty thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc đã "mua lại các công ty Mỹ để chuyển giao thông tin độc quyền" bên cạnh nhiều chiến thuật khác.
Một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc gọi những lời cáo buộc là vô căn cứ và mang "tâm lý chiến tranh lạnh", nói chiến lược của Trung Quốc là nhằm mục đích hợp nhất các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.
Tuy nhiên, một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2018 cho biết Trung Quốc thống trị nguồn cung khoáng sản đất hiếm toàn cầu, rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Mỹ, cũng như việc cung cấp thiết bị điện tử và hóa chất.
Báo cáo cho rằng những rủi ro ngày càng tăng đối với việc cung cấp vật liệu và công nghệ được coi là chiến lược và quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Các nhà lập pháp yêu cầu Lầu Năm Góc lập danh sách các công ty thuộc sở hữu của quân đội Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, theo điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho tài khóa 1999.
Họ yêu cầu phát hành công khai một danh sách cập nhật, càng sớm càng tốt, để chiến đấu với gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại Mỹ.
Marco Rubio, nghị sĩ Cộng hòa cấp cao tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng danh sách các công ty liên quan tới quân đội Trung Quốc lẽ ra phải được lập từ lâu. Theo ông Rubio, các nhà đầu tư Mỹ cần biết công ty nào có liên quan tới không chỉ quân đội Trung Quốc mà còn các hoạt động gián điệp cũng như chính sách “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Đây là kế hoạch của Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu trở thành một nước tự chủ trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot và 5G trước năm 2025.
Một số quan chức cũng cảnh báo về sự cần thiết của việc bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn. Bắc Kinh có thể cài cắm các chi tiết tinh vi trong các công nghệ do Mỹ cung cấp và gây tổn hại cho hệ thống vũ khí của Washington, từ tên lửa hành trình cho tới máy bay chiến đấu. Điều này đặc biệt đáng lưu ý trọng bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt.
“Những hình thức hoạt động nhằm vào chuỗi cung ứng như vậy cực kỳ khó phát hiện. Cách tiếp cận ưu tiên của Lầu Năm Góc dường như xoay quanh nỗ lực tìm cách nhận diện các nhà cung cấp đáng tin cậy, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan tới hệ thống mạng di động 5G thế hệ mới, đồng thời liệt vào danh sách đen các nhà cung cấp có khả năng nằm trong tầm ảnh hưởng của cơ quan tình báo Trung Quốc”, Paul Triolo, người đứng đầu phòng chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group - công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Bình luận