Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, các chuyên gia Nga đang có mặt tại Venezuela như một phần trong thỏa thuận hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Matxcơva và Cacaras từ năm 2001.
"Nga phát triển mối quan hệ với Venezuela tuân thủ nghiêm ngặt Hiến pháp và tôn trọng luật pháp của quốc gia này", bà Zakharova nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn, thỏa thuận được cả Nga và Venezuela phê chuẩn, việc các chuyên gia Nga đến theo thoả thuận không yêu cầu bất cứ sự thông qua nào của Quốc hội Venezuela.
Máy bay và nhân viên quân sự Nga hôm 22/3 tới sân bay ở ngoại ô thủ đô Caracas, đúng hai tháng sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro từ bỏ quyền lực.
Mỹ công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela và yêu cầu ông Maduro từ bỏ quyền lực, hành động bị Nga coi là can thiệp thô bạo vào tình hình nội bộ quốc gia Nam Mỹ và hậu thuẫn phe đối lập lên kế hoạch đảo chính.
Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra không lâu sau khi Mỹ cáo buộc Nga có hành động leo thang liều lĩnh khi triển khai máy bay và nhân viên quân sự đến Venezuela.
"Mỹ lên án Nga triển khai máy bay và nhân viên quân sự tới Venezuela, một hành động mâu thuẫn với lời kêu gọi không can thiệp vào Venezuela của cả ông Nicolas Maduro và Nga, một bước lliều lĩnh làm leo thang tình hình", Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên hôm 25/3 cho hay.
Cùng ngày, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Washington sẽ không dung thứ cho việc các cường quốc quân sự nước ngoài thù địch can thiệp vào mục tiêu chung của Tây Bán cầu liên quan tới nền dân chủ, an ninh và pháp quyền.
Lời cảnh báo được ông Bolton đưa ra hôm 25/3 không đề cập chính xác tới tên cường quốc quân sự nước ngoài thù địch nào, nhưng nhiều người tin rằng tuyên bố của ông là thông điệp gửi tới Nga sau việc Matxcơva điều máy bay tới Venezuela.
Trước các tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Zakharova khẳng định câu từ của ông Bolton chứng minh rằng Mỹ vẫn đang xem Mỹ La Tinh là khu vực mang lại lợi ích riêng, sân sau của Washington".
"Nếu người Mỹ phủ định quyền tiếp cận của các quốc gia khác tại Tây Bán Cầu, câu hỏi được đặt ra là bản thân họ đang làm gì ở Đông Bán Cầu", bà này nói, ám chỉ sự xuất hiện của quân đội Mỹ ở châu Âu cũng như sự tham gia của Mỹ vào các cuộc cách mạng tại các nước Liên Xô cũ và vùng Balkan.
"Có lẽ họ tin rằng mọi người dân ở khu vực này sẽ cảm ơn khi Washington cố tình thay đổi các nhà lãnh đạo của họ Hoặc Mỹ vẫn tin rằng mọi người đang chờ đợi người Mỹ mang lại dân chủ cho họ trên đôi cánh của máy bay ném bom. Hãy hỏi người Iraq, người Libya hay người Serbia về điều đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Bình luận