Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 22/7 thị sát nhà máy đóng tàu ngầm Sinpo, tỏ ra hài lòng với quá trình đóng "tàu ngầm mạnh mẽ của Triều Tiên". Truyền thông Triều Tiên không tiết lộ tính năng kỹ thuật và vũ khí có thể trang bị cho tàu ngầm, nhưng cho biết nó sẽ hoạt động ở vùng biển Nhật Bản sau khi được biên chế.
"Với một quốc gia có bờ đông và tây giáp biển, tính năng chiến thuật của tàu ngầm là một yếu tố quan trọng của nền quốc phòng. Triều Tiên gần tiếp tục phát triển năng lực phòng thủ bằng việc tăng cường lực lượng hải quân, trong đó có tàu ngầm", Kim Jong-un phát biểu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cho rằng đây là phiên bản cải tiến sâu theo kiểu "bình cũ rượu mới" của tàu ngầm diesel-điện Đề án 633 do Liên Xô chế tạo từ cuối thập niên 1950, thay vì là phiên bản kế tiếp của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Gorae do Bình Nhưỡng tự phát triển.
Hình ảnh tàu ngầm trong chuyến thăm của Kim Jong-un bị làm mờ khu vực phía sau đài chỉ huy khi nổi, cho thấy đây có thể là nơi đặt các ống phóng thẳng đứng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Việc mô tả con tàu là "vũ khí chiến lược" cho thấy Triều Tiên muốn tàu ngầm diesel-điện này và những chiếc kế tiếp có thể mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên đã phát triển thành công mẫu SLBM dùng nhiên liệu rắn Pukguksong-1 và biến thể mặt đất Pukguksong-2. Bình Nhưỡng dường như cũng đang nghiên cứu mẫu SLBM kế tiếp có tên Pukguksong-3.
Pukguksong-1 có tầm bắn 1.200 km, trong khi phiên bản mặt đất có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách gần 2.000 km. Toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản đều sẽ nằm trong tầm tấn công của những tàu ngầm trang bị các loại tên lửa này, ngay cả khi nó hoạt động gần bờ biển Triều Tiên.
"Tàu ngầm được Kim Jong-un thị sát có nhiều nét giống một chiếc Đề án 633 được chỉnh sửa toàn diện, trong đó phần đài chỉ huy khi nổi có kích thước lớn hơn nguyên gốc khá nhiều", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Liên Xô chế tạo các tàu ngầm Đề án 633 trong giai đoạn 1957-1961, sau đó chia sẻ thiết kế cho Trung Quốc để nước này phát triển biến thể nội địa Type-033. Vào thập niên 1970, Bắc Kinh chuyển giao nhiều chiếc Type-033 cho Bình Nhưỡng, kèm với đó là nhiều bộ linh kiện để Triều Tiên tự lắp ráp.
Vào thời kỳ cao điểm, Triều Tiên biên chế khoảng 20 tàu ngầm loại này, nhưng không rõ hiện nay còn bao nhiêu chiếc đủ khả năng hoạt động. Các chuyên gia cũng chưa xác định được tàu ngầm mới của Bình Nhưỡng là một chiếc đang hoạt động trong biên chế hay khung tàu được lấy từ kho niêm cất.
Việc đặt ống phóng SLBM trong đài chỉ huy thay vì giấu trong thân tàu là giải pháp từng được Liên Xô áp dụng trên các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thế hệ đầu. Các đặc điểm như hệ thống đẩy hai chân vịt và mũi tàu góc cạnh dường như không thay đổi so với thiết kế nguyên gốc.
"Hoán cải tàu ngầm tấn công Đề án 633 thành tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là giải pháp tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa rủi ro mà vẫn bảo đảm tăng cường năng lực tiến công bằng SLBM cho Bình Nhưỡng", Rogoway nhận xét.
Phụ tùng cho tàu ngầm Đề án 633 còn khá nhiều trong các kho niêm cất của Triều Tiên. Nước này cũng khó lòng sở hữu công nghệ và vật liệu chế tạo tàu ngầm hiện đại do phải hứng chịu hàng loạt lệnh cấm vận cứng rắn từ cộng đồng quốc tế.
Thiết kế từ thập niên 1950 sẽ ảnh hưởng tới khả năng ẩn mình và tác chiến dưới lòng biển của tàu ngầm Triều Tiên. Dù vậy, nó vẫn giúp nước này phân bổ kho vũ khí hạt nhân và bảo đảm năng lực trả đũa khi bị đánh phủ đầu. "Ngay cả một tàu ngầm diesl-điện lạc hậu, có độ ồn tương đối cao vẫn đòi hỏi các cường quốc như Mỹ và Hàn Quốc phải triển khai nhiều nguồn lực quý giá để liên tục theo dõi vị trí của nó", Rogoway thừa nhận.
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng có thể giúp Bình Nhưỡng tránh vi phạm quyết định ngừng thử tên lửa đạn đạo tầm xa và vũ khí hạt nhân do lãnh đạo Kim Jong-un công bố hồi cuối năm 2017, do SLBM không nằm trong những vũ khí được đề cập.
Động thái thị sát nhà máy Sinpo cũng cho thấy Kim Jong-un đang mất kiên nhẫn với tiến trình đối thoại Mỹ - Triều, khi hai bên chưa đạt được tiến bộ cụ thể trong gỡ bỏ cấm vận và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Sự xuất hiện của chiếc tàu ngầm này thể hiện rằng Bình Nhưỡng đang đầu tư nguồn lực đáng kể cho năng lực phóng SLBM, cũng như công nghệ tàu ngầm và tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Điều này có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới tình hình an ninh, buộc các nước trong khu vực đề cao cảnh giác", Rogoway cảnh báo.
Bình luận