Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục thắt chặt áp lực trừng phạt đối với Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang có chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tới Iraq. Đây được là một sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Trong các cuộc đàm phán nổi lên vấn đề về việc thiết lập một cơ chế thanh toán tài chính độc lập giữa hai nước.
Một cơ chế như vậy được thiết lập sẽ đưa đến kết quả là: Dầu Iran, hiện đang bị Mỹ cấm vận, sẽ vẫn được xuất khẩu và được chứng nhận như là dầu Iraq. Các khoản thanh toán tương ứng được lên kế hoạch gửi đến các ngân hàng Iraq ở Baghdad và Basra, sau đó chuyển đổi thành euro và gửi đến Tehran. Chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga, ông Vladimir Fitin nhận định: “Hiện dự án này gần như đã sẵn sàng để triển khai, không giống như những cơ chế khác mà phía châu Âu đã đề xuất từ lâu nhưng vẫn chưa bắt tay thực hiện”.
Washington đã có phản ứng gần như ngay lập tức. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo điện đàm với giới chức Iraq và cảnh báo rằng động thái đó có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng Iraq tham gia thực hiện quy trình này. Trên thực tế, các ngân hàng này hoàn toàn có thể bi “ngắt” khỏi các mối quan hệ kinh tế-tài chính quốc tế mà Mỹ đang kiểm soát.
Về phần mình, Quốc hội Iraq cũng đã bắt đầu nhắc đến chuyện chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này. Do đó, trong trường hợp Mỹ gia tăng áp lực, người Iraq hoàn toàn có thể có tuyên bố dứt khoát và đẩy tất cả các căn cứ quân sự Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước này.
Theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, người Mỹ hiểu rằng họ đã rơi vào tình thế tương đối khó khăn trên mặt trận Iraq. Quá trình củng cố các căn cứ và chuyển giao thêm các đơn vị quân đội từ các căn cứ của Mỹ ở Jordan và Israel vẫn đang diễn ra. Tình hình này sẽ khiến Washington phải căng thẳng. Kết quả cuộc gặp giữa Iran và Iraq sẽ xác định ảnh hưởng của Mỹ tới cục diện khu vực.
Bình luận