Sau bảy giờ tuần hành trong hôm nay, 9/6, các nhà tổ chức ước tính, khoảng 1.030.000 người tham gia cuộc biểu tình. Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, vượt xa cuộc biểu tình năm 2003. Khi đó, 500.000 người xuống đường phản đối chính quyền lên kế hoạch thắt chặt luật an ninh, theo Reuters.
Trong đợt đại biểu tình Chiếm Trung Hoàn kéo dài gần 3 tháng hồi năm 2014 cũng chỉ có khoảng 100.000 người có mặt thường trực trên đường phố. Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, thời điểm cao điểm mà cảnh sát ghi nhận, khoảng 240.000 người xuống đường cùng một lúc.
Cuộc biểu tình có sự tham gia của nhiều thành phần, từ các doanh nhân, luật sư tới sinh viên, những người có tiếng nói trong việc ủng hộ dân chủ và các nhóm tôn giáo. Người biểu tình khởi hành từ công viên Victoria khoảng 15h (16h giờ Hà Nội) và các đường phố ở Vịnh Causeway phủ đầy dòng người biểu tình mặc áo trắng hô khẩu hiệu "Loại bỏ dự luật tai hại", "Phản đối dẫn độ sang Trung Quốc" và ca hát trong thời tiết nóng bức.
Theo South China Morning, 2.000 cảnh sát được triển khai để giữ trật tự. Một số vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra, nhưng không nghiêm trọng.
Theo dự luật, các lãnh đạo Hong Kong có quyền ra lệnh đưa nghi phạm bị truy nã đến đại lục, Macau, Đài Loan cũng như những nước có ký kết hiệp ước về dẫn độ.
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức khác cho rằng dự thảo là cần thiết để xóa bỏ "lỗ hổng pháp lý tồn tại từ lâu", chấm dứt tình trạng tội phạm truy nã từ đại lục lợi dụng đặc khu hành chính này làm nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, bà Lâm chưa bình luận về cuộc biểu tình và tương lai của dự luật, có thể được thông qua vào cuối tháng Sáu theo kế hoạch, hay không.
Những người phản đối lo sợ nếu luật được thực thi sẽ gây ra nguy cơ xét xử không công bằng, "bất cứ ai cũng có thể biến mất khỏi Hong Kong" và "dự luật dẫn độ sẽ trực tiếp đe dọa đến những giá trị cốt lõi của Hong Kong".
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật cũng được lên kế hoạch diễn ra hôm nay (9/6) tại 26 thành phố trên toàn cầu, bao gồm London, Sydney, New York và Chicago.
Hồi tháng 4, hàng nghìn người cũng tham gia biểu tình, yêu cầu chính quyền Hong Kong hủy bỏ dự luật dẫn độ.
Một số nhà quan sát cảnh báo tình hình hiện nay có nguy cơ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội kéo dài tương tự như giai đoạn từ tháng 9-12/2014.
Bình luận