Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei bán thiết bị cho Mỹ vì rủi ro đối với an ninh quốc gia. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố Huawei cùng với 70 chi nhánh bị đưa vào danh sách đen, ngăn các công ty Mỹ bán hoặc chuyển giao công nghệ cho Huawei mà không có giấy phép do Cục Công nghiệp và an ninh (BIS) cấp.
Bước đi khắc nghiệt buộc cả những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài và Mỹ phải dừng các giao dịch kinh doanh với tập đoàn Trung Quốc để tuân thủ lệnh của ông Trump.
Google là công ty đầu tiên đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ sản phẩm với tập đoàn Trung Quốc. Google, tập trung vào các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến internet, cắt giảm các thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mềm. Các bước đi của Google đẩy Huawei khỏi quyền tiếp cận các bản cập nhật hệ điều hành Android với các điện thoại thông minh sắp ra mắt của họ, và một số ứng dụng của Google sẽ bị loại bỏ trên các thiết bị này.
Intel, Qualcomm, Xilinx & Broadcom
Các nhà sản xuất chip ở Thung lũng Silicon đóng băng nguồn cung của họ cho Huawei sau thông báo của chính phủ Mỹ. Các công ty nói với nhân viên của họ rằng sẽ không có lô hàng mới nào được thực hiện với đối tác Trung Quốc cho đến khi có thông báo thêm.
Lumentum Holdings, công ty bán linh kiện cho Huawei, công bố kế hoạch tạm dừng các thỏa thuận với công ty Trung Quốc. Công ty cho biết họ đang hạ thấp triển vọng hàng quý vì doanh số bán cho Huawei đạt 18% tổng doanh thu trong quý gần nhất.
Panasonic
Công ty của Nhật Bản cũng tránh xa Huawei sau lệnh cấm. Tập đoàn cho biết, sẽ ngừng cung cấp một số linh kiện cho công ty Trung Quốc. Sau đó, công ty cho biết họ đang xem xét kỹ lưỡng liệu các sản phẩm của họ có phá vỡ các quy định hạn chế của Mỹ trong giao dịch với Huawei hay không, gây ra một số câu hỏi, vì các tuyên bố mới nhất mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó.
Miсrosoft
Công ty công nghệ Mỹ loại bỏ các sản phẩm Huawei trên các cửa hàng bán lẻ cũng như Azure Stack, một trong những trang web cung cấp thiết bị đám mây. Miсrosoft cũng có thể cắt đứt quan hệ với tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và các quyết định B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Vodafone
Tập đoàn viễn thông Vương quốc Anh Vodafone công bố kế hoạch đình chỉ đơn đặt hàng với các thiết bị cầm tay Huawei 5G do một tranh cãi về bảo mật liên quan đến công ty Trung Quốc. Bước đi này diễn ra ngay sau khi nhà điều hành mạng di động và nhà cung cấp dịch vụ internet EE của Anh cho biết họ tạm dừng việc ra mắt điện thoại 5G của Huawei.
SoftBank, KDDI và NTT
Các nhà mạng di động lớn của Nhật Bản, SoftBank và KDDI công bố kế hoạch hoãn bán hàng điện thoại thông minh Huawei mới. Một công ty viễn thông khác, NTT, cho biết họ sẽ ngừng nhận đơn đặt hàng cho các thiết bị cầm tay mới của Huawei, mặc dù cam kết trước đó sẽ ra mắt một mẫu Huawei cao cấp mới vào mùa hè.
Amazon Nhật Bản
Đơn vị Nhật Bản của hãng thương mại điện tử Mỹ Amazon đình chỉ việc bán trực tuyến các sản phẩm của Huawei. Công ty vẫn cho phép các nhà cung cấp bên thứ ba bán thiết bị, bao gồm cả điện thoại thông minh, máy tính bảng và PC do công ty Trung Quốc sản xuất.
ARM
Nhà thiết kế chip Anh ARM ra lệnh cho nhân viên của mình đình chỉ tất cả các hợp đồng đang hoạt động, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ cam kết nào đang chờ xử lý với công ty công nghệ Trung Quốc.
Bình luận