• Zalo

Chuyên gia quốc tế chỉ trích thói ‘cậy lớn, nạt bé’ của Trung Quốc trên Biển Đông

Thế giớiThứ Tư, 28/08/2019 08:12:00 +07:00 Google News

Chuyên gia cho rằng các hành vi ngang ngược của Trung Quốc phản ánh tâm lý cậy lớn, nạt bé nhưng thích đóng vai nạn nhân của Bắc Kinh.

Trong những ngày qua, nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hành động này thể hiện ý đồ chiếm trọn Biển Đông không che giấu của Trung Quốc, vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Hành vi ngang ngược này của Trung Quốc thêm một lần nữa cho thấy tâm lý tự cho mình là nước lớn và cái quyền đi bắt nạt các nước nhỏ.   

collin

Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore). (Ảnh: RSIS)

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), trong tiềm thức của nhiều người Trung Quốc, họ luôn nhìn nhận các nước láng giềng là những nước thấp cổ, bé họng. Suy nghĩ này “thẩm thấu” vào các chính sách của giới tinh hoa Trung Quốc, tác động tới giới chóp bu của Bắc Kinh khi họ đưa ra quyết định.

Thế nhưng, ngoài mặt, Bắc Kinh không bao giờ thừa nhận hành động bắt nạt của mình. Thay vào đó, họ tự coi mình là nạn nhân và do đó, các hành động của họ chỉ là phản ứng tự vệ và đúng đắn về mặt đạo đức”, ông cho hay.

Trong khi đó, ông Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Trường ĐH Quốc gia Australia cho rằng hành vi cậy lớn bắt nạt nhỏ hiện nay của Trung quốc không khác là bao so với những gì mà các cường quốc từng làm trong lịch sử.

Chuyên gia này khẳng định ép buộc là công cụ quan trọng của các nước lớn và chúng ta không nên ngạc nhiên khi Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy để thúc đẩy lợi ích của mình khi họ trở nên hùng mạnh. Tuy nhiên, theo ông, sức mạnh của các nước lớn sẽ bị hạn chế phần nào bởi các thể chế, chuẩn mực, dư luận xã hội và nhiều yếu tố khác.

Bình luận về hành động điều nhóm tàu khảo sát tới vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc, ông Koh cho rằng động lực của Bắc Kinh khi điều xuất phát từ sự bất bình mà nước này tích tụ về hàng loạt các chỉ trích từ nhiều quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông liên quan tới các động thái ngày càng ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển này.

Bắc Kinh tin rằng các chỉ trích liên tục, dồn dập trong nhiều năm đã và đang làm suy yếu các yêu sách của họ ở Biển Đông. Cùng với đó, động thái của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ  yêu sách về đường 9 đoạn dù phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016.

Với việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, Trung Quốc đang rắp tâm buộc Hà Nội phải ngừng hoạt động tìm kiếm, thăm dò tài nguyên trong khu vực và đánh động tới các nước khác có tranh chấp trên Biển Đông. Bắc Kinh muốn rằng nếu họ không thể khai thác tài nguyên ở vùng biển nào thì các nước khác cũng phải chịu cảnh tương tự.

adam ni 3

adam ni 3

Các yêu sách ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chuyên gia Adam Ni

Theo ông Ni, Trung Quốc đang cố gắng khẳng định quyền kiểm soát đối với những gì họ tuyên bố là chủ quyền thông qua nhiều phương tiện, bao gồm cả việc sử dụng tàu nghiên cứu khoa học.

Đây là điều không có gì mới, nhưng nó phù hợp với mô hình được tạo thành từ các hành vi hung hăng của Trung Quốc mà đặc trưng là việc sử dụng cả quân sự và các phương tiện khác để khẳng định quyền kiểm soát với vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền”, ông nhấn mạnh.

Trong hàng loạt các tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra nhiều tuần qua, bà Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam không chấp nhận hành vi hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với VTC News, ông Koh cũng nhấn mạnh rằng những gì Trung Quốc đang làm xâm phạm quyền, quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Cả ông Koh và ông Ni đều đồng ý rằng bên cạnh việc duy trì các tuyên bố cứng rắn và mạnh mẽ, tiếp tục lập trường cứng rắn, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kêu gọi thêm nhiều ý kiến của thế giới để chống lại các hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Trong khi ông Ni cho rằng về lâu dài, lựa chọn tốt nhất của Việt Nam là xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ông Koh đề xuất Việt Nam đưa vấn đề này ra các diễn đàn quốc tế như các phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ngoài ra theo nhà nghiên cứu tới từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Việt Nam cần tăng cường năng lực của lực lượng hàng hải, trang bị thêm cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn