Biểu tình Hong Kong làm hàng loạt công ty đa quốc gia ‘khốn đốn’

Thế giớiThứ Hai, 12/08/2019 21:55:00 +07:00

Hàng loạt thương hiệu đình đám thế giới có hoạt động kinh doanh tại Hong Kong đang phải chịu thiệt hại nặng nề khi các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu dừng lại.

Biểu tượng hàng không Hong Kong "gặp nguy"

Cổ phiếu Cathay Pacific Airways chốt phiên 12/8 ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ sau khi Sân bay quốc tế Hong Kong hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Hong Kong do trình trạng biểu tình. Nhiều nhân viên của hãng tham gia các cuộc biểu tình bị sa thải.

Khép lại phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu của Cathay Pacific Airways giảm xuống còn 9,8 HKD (tương đương 12,5 USD), mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tháng 6/2009. Theo báo cáo thường niên mới nhất của hãng, cổ đông lớn nhất của Cathay là Swire Pacific Ltd với 45% cổ phần, tiếp đến là Hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China Ltd với 30% cổ phần.

Trong khi đó giá cổ phiếu Swire Pacific Ltd., công ty mẹ của Cathay, đã giảm 5,3% xuống còn 77,50 HKD (9,87 USD).

cathaypacific

 

Cuối ngày 9/8, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc đưa ra một loạt các yêu cầu đối với hãng hàng không biểu tượng của Hong Kong, bao gồm cấm các nhân viên ủng hộ các cuộc biểu tình gần đây bay đến đại lục và yêu cầu công ty gửi thông tin về tất cả các thành viên phi hành đoàn bay đến Trung Quốc để xác minh và ủy quyền.

Đáp lại, Cathay cho biết họ rất coi trọng chỉ thị này, họ đình chỉ bay một phi công bị bắt giữ trong khi tham gia cuộc biểu tình và sa thải hai công nhân vì "hành vi sai trái".

Đối với Cathay, chỉ thị hàng không buộc họ phải lựa chọn giữa việc làm gia tăng cơn thịnh nộ của công nhân, hoặc của Trung Quốc - có thể là thị trường quan trọng nhất của công ty. Mặc dù hãng vận tải không tiết lộ sự cố nào về hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đại lục, các chuyến bay từ đây và Hong Kong chiếm khoảng một nửa doanh thu của hãng.

Hơn nữa, lệnh của chính quyền Trung Quốc có thể đe dọa không chỉ các chuyến bay trực tiếp đến Trung Quốc mà cả các chuyến bay đến châu Âu và Mỹ của Cathay, vì các tuyến đó bay qua không phận Trung Quốc, nhà phân tích Andrew Lee viết.

Hàng loạt công ty đa quốc gia chịu ảnh hưởng

Bất ổn chính trị đang khiến các công ty đa quốc gia kinh doanh tại Hong Kong khốn đốn.

Trong 9 tuần liên tiếp, các cuộc biểu tình "nhấn chìm" trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, buộc các cửa hàng phải đóng cửa, tê liệt giao thông công cộng và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. "Chi phí" cho các cuộc biểu tình này là tình trạng suy giảm doanh số của một loạt các công ty lớn. Disney, HSBC, Prada, Swatch và Cathay Pacific đều không nằm ngoài vòng xoáy này.

Trong phát biểu hôm thứ Sáu (9/8), các quan chức Hong Kong cảnh báo sự gián đoạn có thể có tác động lâu dài đối với nền kinh tế đặc khu hơn cả sự bùng phát của virus SARS gây chết người năm 2003. Hong Kong vừa công bố báo cáo quý cho thấy tăng trưởng yếu nhất trong một thập kỷ.

"Nó (cuộc biểu tình) không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của Hong Kong như một trung tâm tài chính quốc tế, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và quan trọng nhất là làm suy yếu sự an toàn và sinh kế của người dân Hong Kong", cơ quan Thương mại Hong Kong nói trong một tuyên bố trước đó.

Thành phố có bảy công ty nằm trong nhóm Fortune Global 500, và là nơi đóng trụ sở châu Á của nhiều tập đoàn đa quốc gia và các ngân hàng lớn. Các công ty đã báo cáo "hậu quả nghiêm trọng", bao gồm doanh thu sụt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đầu tư giảm, Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong cho biết vào tháng trước.

190809040310-prada-hong-kong-0426-restricted-exlarge-169

 

Nằm trong số chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các công ty thuộc mảng du lịch và bán lẻ.

Intercontinental Hotels cho biết trong tuần này rằng doanh thu trên mỗi phòng của họ đã giảm trong nửa đầu năm, một phần do tranh chấp chính trị đang diễn ra. Cả Marriott (MAR) và Disney (DIS) đều dự đoán việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nay. 

Các thương hiệu xa xỉ toàn cầu cũng chịu chung số phận. Prada tuần trước cho biết doanh thu của họ "bị ảnh hưởng tiêu cực vì bất ổn tại Hong Kong". Richemont - công ty mẹ của Cartier cho biết doanh thu tại Hong Kong "đi xuống" một phần vì biểu tình. Đây cũng là lý do cho việc nguồn thu của hãng sản xuất đồng hồ Swatch (Thụy Sĩ) tại thành phố này đi xuống.

Tháng 7 và tháng 8 đánh dấu "mùa cao điểm" cho doanh số bán lẻ mùa hè và nếu các cuộc biểu tình tiếp tục, các chủ cửa hàng dự đoán "việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều", Annie Yau Tse, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hong Kong cho biết.

HSBC (HSBC), một trong những ngân hàng lớn nhất của Hong Kong, cũng phải tạm thời đóng cửa một số chi nhánh tại đây vì các cuộc biểu tình. Tuần trước, Giám đốc Tài chính Ewen Stevenson dự báo tác động từ việc này sẽ còn kéo dài sang nửa cuối năm. "Nếu tình hình vẫn tiếp tục, niềm tin nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng", ông cảnh báo.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn