• Zalo

Thăng trầm BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà

Kinh tếThứ Năm, 18/07/2019 15:03:00 +07:00 Google News

Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV gặt hái nhiều thành công nhưng cũng nhận không ít tai tiếng.

Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) vừa tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại chính BID.

Gắn bó với BIDV suốt 35 năm (1981 - 2016), ông Hà kinh qua nhiều vị trí, từ giám đốc một chi nhánh đến phó tổng giám đốc trước khi làm chủ tịch vào 2008. Dưới thời ông Hà, BIDV gặt hái nhiều thành công nhưng cũng nhận không ít tai tiếng.

BIDV

 BIDV qua nhiều dấu mốc thăng trầm dưới thời ông Trần Bắc Hà. (Ảnh: H.H)

Năm đầu tiên ông Hà giữ chức chủ tịch, BIDV có tài sản ở mức hơn 246.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank (lần lượt 221.950 tỷ đồng và 193.590 tỷ đồng).

Tuy nhiên, chỉ sau 8 năm, tài sản BIDV đã gấp 4 lần so với 2008, cao hơn 28% Vietcombank và 6% VietinBank. BIDV đã trở thành một trong 4 nhà băng quốc doanh lớn nhất hệ thống, tổng tài sản xấp xỉ một triệu tỷ đồng vào 2016.

Dưới thời ông Hà, tổng doanh thu BIDV gấp 3,6 lần, lợi nhuận sau thuế gấp 3,2 lần.

Tại thời điểm 2016, huy động vốn từ dân cư của BIDV đạt hơn 726.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng gốc quốc doanh, gấp 4,4 lần thời điểm ông Hà mới bắt đầu ngồi ghế chủ tịch.

Tương tự, lợi nhuận của BIDV trong hơn 8 năm ông Hà làm chủ tịch cũng liên tục tăng và lên gần gấp 4 lần khi ông nghỉ hưu.

Ngoài ra, trong thời kỳ ông Hà nắm quyền, BIDV chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công năm 2011, niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014.

Ông Trần Bắc Hà cũng là người chỉ đạo thương vụ BIDV nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), đưa quy mô của BIDV tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh thành quả về nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận cao, quy mô nợ xấu của BIDV giai đoạn ông Hà về hưu cũng dẫn đầu thị trường, dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, theo báo cáo tài chính, vẫn luôn dưới 3%.

Cùng đó, BIDV dưới thời ông Hà cũng bị kết luận giải ngân nhiều khoản vay tiền trái quy định. Cụ thể trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà được cơ quan điều tra xác định đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng theo giới thiệu của VNCB. Ngân hàng BIDV sau đó cho biết đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay này.

BIDV giai đoạn này cũng được cho có nhiều rủi ro vì có những con nợ lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhóm công ty liên quan Phạm Công Danh, Thuận Thảo Sài Gòn.

Riêng Hoàng Anh Gia Lai, tại thời điểm 2016, doanh nghiệp này nợ BIDV tổng cộng hơn 7.900 tỷ đồng, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, có 35 năm làm việc tại BIDV. 

Tháng 6/2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định rất nghiêm trọng, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu rõ ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Trong số đó, nổi lên là việc ông Hà phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn