Làng bánh chưng truyền thống Tranh Khúc vào vụ Tết Nguyên đán 2024.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) là làng nghề gói bánh chưng nổi tiếng và lớn nhất Hà Nội.
70% các gia đình ở Tranh Khúc hiện vẫn duy trì nghề làm bánh chưng (trên tổng số 300 hộ), trong đó có hơn 10 hộ là các cơ sở lớn.
Vào những ngày Rằm hoặc giáp Tết, không khí nơi đây càng nhộn nhịp, tất bật.
Nhà bà Nguyễn Thị Dạp (63 tuổi, chủ một cơ sở gói bánh chưng) những giáp Tết chất đầy lá dong xanh và những nồi bánh chưng vẫn còn đang bốc khói. "Nếu không tính dịp Tết thì ngày bình thường nhà cô gói từ 300 đến 500 cái/ngày, dịp cận Tết Nguyên đán thì từ 1.000 cái đến 3.000 cái, thậm chí đến cả vạn cái", bà Dạp nói.
Theo người dân làng Tranh Khúc, nghề làm bánh chưng ở đây là nghề "cha truyền con nối", đã có từ hàng trăm năm. "Tôi cũng như người dân trong làng đa số được tiếp xúc với nghề và bắt đầu làm nghề từ bé. Thời bao cấp thì chưa có nhiều người làm, dần về sau nhiều người cảm thấy có thể kiếm ra tiền từ nghề này nên mới bảo nhau làm, số lượng hộ gia đình làm nghề cũng vì thế tăng lên", một người dân làng Tranh Khúc chia sẻ.
Công đoạn gói bánh được chia thành các khâu do từng người phụ trách, người rửa lá, người làm nhân, người gói bánh, người buộc lạt…
Yếu tố quyết định hương vị thơm ngon của chiếc bánh chính là việc lựa chọn nguyên liệu kỹ càng. Người làm bánh phải thực sự chu đáo và cầu kỳ từ khâu chọn lá, gạo, đỗ xanh và thịt. Gạo phải là Nếp Nhung Bắc Ninh hoặc nếp cái hoa vàng, vỏ bánh mới dẻo.
Nhân được làm bằng thịt lợn ba chỉ hoặc nạc mông, bọc trong lớp đỗ xanh tách vỏ nấu nhuyễn, tạo nên sự hài hòa cho các nguyên liệu từ trong ra ngoài.
Làm nghề lâu năm, bàn tay người thợ khéo léo, không cần khuôn mà vẫn có thể gói “trăm cái như một”, chưa đầy 30 giây đã gói xong một chiếc bánh chưng vuông vức.
Bánh gói xong chờ được xếp vào nồi hơi để đem luộc. Thời gian luộc từ 8 – 10 giờ sẽ cho ra thành phẩm cuối cùng là những chiếc bánh chưng nổi tiếng làng Tranh Khúc.
Bình luận