Đời sống

Thảm cảnh khủng khiếp 'mùa mất điện'

Thứ Sáu, 09/06/2023 07:05:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi ngành điện mong nhận được sự thông cảm khi liên tục cắt điện thì người dân vẫn đang phải gánh chịu thảm cảnh mất người, mất của, cuộc sống đảo lộn.

Mất điện liên tục, người dân Thủ đô rủ nhau lên đê hóng mát trong đêm.

Tuần qua, câu chuyện được mọi người nhắc đến nhiều nhất đều liên quan đến mất điện. Người dân ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung như lên cơn sốt, sinh hoạt bị đảo lộn vì liên tục bị cắt điện giữa cái nóng điên đảo đầu hè. 

Mất điện dẫn đến vô vàn tình huống dở khóc dở cười và cả những câu chuyện đau lòng không dễ gì nguôi ngoai. 

Chết ngạt vì mất điện

Ba cha con ở Hải Phòng bị ngạt khi nằm ngủ trong ô tô vào ngày mất điện có lẽ là sự việc đau lòng nhất trong "mùa mất điện" năm nay.

Ngày 1/6, để chống nóng lúc mất điện, anh P.V.T. (SN 1974) cùng hai con gái là P.M.H. (SN 2003) và P.N.K. (SN 2008) vào trong ô tô ngủ. Đến khoảng 3h ngày 2/6, lúc có điện, vợ anh P.V.T phát hiện chồng và hai con gái ngất trong ô tô để ở gara của gia đình nên vội vàng hô hoán nhờ người đưa chồng con đi cấp cứu tại Bệnh viện Kiến An.

Thảm cảnh khủng khiếp 'mùa mất điện' - 1

Các nạn nhân bị ngạt khi ngủ trong ô tô được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Kiến An. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Em P.M.H. được đưa vào viện trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn hô hấp. Sau gần 4 giờ được các bác sĩ hồi sức cấp cứu tích cực nhưng cô gái 20 tuổi không qua khỏi. H. ra đi bỏ lại nhiều ước mơ dang dở khi đang là sinh viên đại học và được đánh giá là người ngoan ngoãn, chăm chỉ.

Anh P.V.T. và cháu P.N.K. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch, sau gần 5 giờ cấp cứu, bệnh nhân tỉnh dần nhưng vẫn phải thở máy. Hai bệnh nhân được chẩn đoán ngoài ngộ độc khí CO còn có khả năng ngộ độc chì.

Khoảng 8h30 cùng ngày, các bác sĩ làm thủ tục chuyển hai cha con lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị tiếp.

Gà vịt chết như ngả rạ sau vài tiếng

Chưa định thần khi gần 1.000 con gà chết vì mất điện, ông Chu Văn Dũng (SN 1962, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) kể: "10h ngày 1/6, khu vực trại gà bị mất điện. Tôi đã gọi lên người phụ trách điện của thôn để hỏi khi nào có điện, lúc đầu họ bảo 13h. Đến 13h chưa thấy, tôi gọi tiếp thì họ lại bảo 14 - 15h… Tôi gọi liên tục không biết bao nhiêu cuộc, vậy mà 21h mới có điện. Chỉ nửa ngày, hơn 1.000 con gà sốc nhiệt lăn đùng ra chết".

Năm 2021, ông Dũng mua lại hệ thống chuồng trại theo kiểu bán công nghệ với 2 dãy chuồng, mỗi dãy rộng 700m2 để nuôi hơn 4.000 con gà trống giống Mía và gà mái giống Lương Phượng để thu trứng.

Bên cạnh thuốc, vaccine, ông Dũng đầu tư trang thiết bị phòng ngừa nắng nóng, dịch bệnh. Trong mỗi dãy chuồng có 7 quạt thông gió công suất lớn, giàn phun sương làm mát với trị giá hơn 50 triệu đồng.

Chủ trang trại cho hay, trong chuồng bình thường thoáng mát nhưng khi mất điện, tất cả hệ thống tê liệt sẽ khiến gà chết ngạt. Trang trại có máy phát điện nhưng chỉ cầm cự được 1-2 tiếng. Ông Dũng đi thuê máy nhưng quanh khu vực chỉ có máy sinh hoạt phát điện 2 pha nên không dùng được cho trang trại.

"Nếu biết mất điện lâu như vậy, tôi đã bỏ ra 30-40 triệu mua máy phát mới về. Tốn kém nhưng không thiệt hại nặng nề như bây giờ. Đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh hết rồi mà gà lại chết vì mất điện", người đàn ông bộc bạch.

Khi thấy gà ngắc ngoải, ông Dũng cũng gọi các đầu mối và lên mạng nhờ mọi người giải cứu. Nhưng do mất điện và nắng nóng, ông chỉ bán được 65 con.

"Giống gà này có mở cửa chuồng cũng không chịu ra. Nếu cắt điện, tôi lùa bắt chúng chạy ra sân thì sẽ bị giập trứng. Vì thế, tôi đành bất lực nhìn đàn gà của mình chết ngạt trong chuồng".

Thảm cảnh khủng khiếp 'mùa mất điện' - 2

Ông Dũng thất thần trước đống gà chết đang chờ đóng bao để mang đi chôn lấp, tiêu hủy. (Ảnh: Vietnamnet).

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, nhưng anh Đặng Xuân Sỹ (trú tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) may mắn hơn ông Dũng khi kịp thời cứu được đàn vịt gần 12.000 con.

Gia đình anh Sỹ nuôi vịt theo mô hình khép kín nên chuồng trại phải thoáng không khí, luôn dùng quạt, nhiệt độ trong chuồng trại phải luôn ở mức 30-32 độ C trở xuống. Nếu mất điện, quạt không hoạt động thì chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ đàn vịt sẽ chết ngạt.

"Hôm qua, khu vực bị cắt điện đột ngột không báo trước khiến chúng tôi bị động, trở tay không kịp và phải kêu gọi hàng xóm, bạn bè nhanh chóng đến hỗ trợ giải cứu đàn vịt. Người thì đưa máy phát điện, người thì dùng quạt tay tự chế để quạt vào chuồng cho không khí lưu thông. Mặc dù được sự hỗ trợ của mọi người nhưng vịt chết cũng nhiều, đến nay tổng cộng 500 con vịt bị chết. Ngoài ra, hàng nghìn con vịt bị liệt do thiếu oxy", anh Đặng Xuân Sỹ chia sẻ.

Sau lần mất điện đó, gia đình anh Sỹ cẩn thận chuẩn bị sẵn máy phát điện, quạt công nghiệp. Buổi sáng, anh tưới nước lên mái chuồng trại kỹ hơn để đề phòng mất điện đột xuất.

Là chủ trang trại nuôi thỏ tại xã Hướng Tân (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị), anh Trần Đức Thụ (29 tuổi) cho hay, những ngày qua nắng nóng kéo dài và gió Lào thổi mạnh khiến huyện miền núi Quảng Trị như "chảo lửa". Để đảm bảo đàn thỏ nuôi không bị chết vì thời tiết khắc nghiệt, anh Thụ phải sử dụng dụng quạt cho trang trại 24/24h.

Ngoài ra, để tránh tình trạng cắt điện đột ngột, anh Thụ cũng phải đi chặt lá cây phủ lên mái trang trại rồi xịt nước lên để chống nóng cho thỏ.

"Vì là loài vật chịu nóng rất kém nên rất khó khăn trong việc chăm sóc, nhất là mùa nắng kéo dài như hiện nay, dù trang trại phải sử dụng nhiều vật liệu cách nhiệt phần mái nhưng cũng phải sử dụng lá cây phủ lên trên và lắp hệ thống phun sương mới đảm bảo được nhiệt độ cho chuồng nuôi. Ngoài ra, tôi còn phải trang bị cả máy phát điện để đảm bảo an toàn cho đàn thỏ lúc bị cắt điện đột ngột", anh Thụ chia sẻ.

Cũng theo anh Thụ, thời tiết nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, giá điện tăng, thức ăn cho thỏ cũng tăng nhưng đầu ra khó khiến người chăn nuôi lao đao.

Cơm không có mà ăn vì mất điện

Chị L. (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, thứ 6 tuần trước (ngày 1/6), khu vực chị sinh sống bị mất điện từ sáng nhưng không hề có thông báo trước. Cũng may, chị đi làm cả ngày, ngồi điều hoà ở cơ quan nên không phải chịu đựng cái oi nóng khủng khiếp gần 40 độ C.

17h30, chị L. tan ca làm nhưng hàng xóm thông báo tòa nhà vẫn chưa có điện. Chị liền rẽ vào trung tâm thương mại Aeon Long Biên để tránh nóng. Do nhiều phường quanh đó mất điện nên nơi đây chật kín người, khó khăn lắm chị mới tìm được quán cà phê còn trống chỗ để ngồi.

Tuy nhiên, chị L. vừa mới gọi đồ thì quán mất điện. Một lúc sau, trung tâm thương mại phát loa thông báo sẽ đóng cửa sớm nên chị đành quay về nhà. Sau đó, vợ chồng chị quyết định kiếm quán bún, phở để ăn cho qua bữa.

"Chúng tôi đi mấy con phố nhưng hàng quán nào cũng chật kín người, có lẽ nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh mất điện, không nấu được cơm tối nên chọn giải pháp ăn ở nhà hàng. Tôi và chồng đi tới một trung tâm thương mại khác với hy vọng tìm được nơi ăn tối. Song, khi tới nơi, bãi đỗ xe ô tô không còn chỗ nên chúng tôi đành quay về, ôm cái bụng đói", chị L. nhớ lại.

Ngày hôm sau, khu nhà chị L. tiếp tục mất điện. Hai vợ chồng mang theo máy tính đi tìm quán cà phê để vừa tránh nóng, vừa làm việc. Đến trưa, chị L. và chồng tìm một quán gà để ăn tạm. Sau bữa trưa, chị L. bị đau bụng quằn quại, có biểu hiện bị ngộ độc thức ăn.

"Chỉ vài hôm mất điện mà cuộc sống gia đình chúng tôi đảo lộn hết cả, may mà các con đã được chúng tôi gửi về quê để nghỉ hè, không thì có lẽ bọn trẻ không thể chịu nổi với thời tiết nắng nóng này lại còn mất điện", chị L. thở dài.

Không riêng gia đình chị L., nhà hàng xóm bên cạnh cũng ầm ĩ tiếng quát tháo của người lớn, tiếng khóc của trẻ nhỏ kể từ hôm bị cắt điện.

"Nhà hàng xóm cùng tầng với tôi chồng đi công tác xa, chỉ có người vợ loay hoay với 2 đứa con nhỏ. Đứa bé mới 6 tháng tuổi nóng quá không ngủ được thỉnh thoảng lại khóc. Chị ấy vừa tranh thủ cắm được nồi cơm định cho bé lớn ăn thì đột nhiên mất điện, cơm không kịp chín. Cậu bé 5 tuổi nhõng nhẽo đòi ăn món sườn sốt chua ngọt mẹ làm. Không được đáp ứng, bé đó lăn ra ăn vạ, đứa em vừa ngủ nghe thấy ồn lại khóc ré lên. Người mẹ bực tức quát tháo ầm ĩ", chị L. kể và nói thêm do mất điện cả ngày nên nhà hàng xóm còn không có nước nóng để pha sữa cho con.

Gần 5.000 bông sen phải ném sọt rác

Thông báo cắt điện, dân không dám làm gì thì không cắt. Nay không thông báo thì lại cắt", chị B.T.T.H. (chủ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ hoa tươi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nói khi đang cùng công nhân gom 5.000 bông hoa sen vào thùng rác.

Chị H. cho biết hàng ngày chị nhập các loại hoa tươi như sen, hồng… từ các vườn để chế xuất ra nước cất, trà hoa.

Từ những ngày cuối tháng 5, nhận được tin sẽ bị cắt điện luân phiên nên chị H. thường xuyên theo dõi thông báo của Công ty Điện lực Chương Mỹ để vận hành sản xuất cho phù hợp. Nguyên liệu là hoa tươi, phải đưa vào sản xuất ngay trong ngày nên nếu có lịch cắt điện chị H. sẽ ngừng việc nhập hoa.

Thảm cảnh khủng khiếp 'mùa mất điện' - 3

Hàng nghìn bông hoa của chị H. phải vứt đi vì mất điện không thể vận hành sản xuất.

Nói đến đây, chị H. lắc đầu ngao ngán với cách thông báo và việc cắt điện không giống ai của công ty điện lực: "Ngày 2/6 thông báo cắt từ 12h đêm đến 3h nhưng chiều không cắt. Ngày 3/6 thông báo cắt từ 8h sáng đến 12h đêm cũng không cắt. Còn ngày 4/6 không thông báo gì thì lại cắt".

Dây chuyền sản xuất chạy theo lịch cắt điện nên khi không có lịch cắt vào ngày 4/6, chị H. đã nhập 5.000 bông hoa sen với giá 3.000 đồng/bông để đảm bảo sản xuất.

"Nhập hoa về, sau khi sàng lọc, chúng tôi cho vào nồi chưng chạy bằng điện để chưng trong khoảng 4 tiếng. Nhưng mới chỉ chưng khoảng 1 tiếng thì mất điện, toàn bị số hoa phải bỏ đi, thiệt hại 15 triệu đồng trong chớp mắt, chưa kể tiền nhân công và các chi phí khác",  chị H. giãi bày.

Người phụ nữ cho biết thêm, chính quyền địa phương giải thích việc cắt điện không thông báo là do lý do bất khả kháng. "Họ nói thế thì biết thế, thiệt hại sau cùng vẫn thuộc về mình".

Nhà hàng, khách sạn lao đao

"Chết dở em à. Chạy máy phát suốt đấy em à, cứ mỗi ngày mất 6 triệu tiền dầu". Đó là lời than thở của anh T., chủ một nhà hàng hải sản ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) khi được hỏi về những ảnh hưởng do mất điện.

"Mấy hôm nay điện mất vô tội vạ. Hôm kia thì mất cả ngày, hôm qua thì mất 5 tiếng, hôm nay thì chưa biết lúc nào sẽ mất vì chả ai thông báo cả. Thỉnh thoảng lại làm nửa buổi, thỉnh thoảng lại cắt đêm, 3h sáng lại cắt. Chẳng hiểu ngành điện làm ăn kiểu gì mà lại chơi cái bài không báo trước", anh T. bức xúc.

Anh T. cho biết, một người bạn của anh là chủ khách sạn, mỗi tiếng bị cắt điện phải chạy bằng máy nổ hết 200 lít dầu, một ngày chạy mất gần 30 triệu tiền dầu. Tính ra tiền thuê phòng của khách không đủ chi cho tiền dầu.

"Điện đóm kiểu này khiến những người làm dịch vụ như chúng tôi chịu thiệt hại rất lớn", anh T. bày tỏ.

Để đảm bảo cho nhà hàng hoạt động ổn định trong tình trạng bị cắt điện, anh T. vừa đầu tư gần 100 triệu đồng mua chiếc máy phát điện. Nếu không có điện để máy lạnh, máy sục khí hoạt động liên tục thì hải sản sống trong các bể nuôi sẽ chết hết.

"Chết một bể là mất lãi cả một ngày luôn, chưa kể các kho đông lạnh chứa đồ trong nhà hàng. Nguy hiểm lắm đấy! Đang lúc khó khăn lại phải mua thêm con máy phát điện nữa, rồi lại phải mua dầu đổ vào chạy máy, mỗi ngày tiền dầu hết 6-7 triệu, trong khi có điện thì ngày đông khách cũng chỉ mất 1-2 triệu tiền điện", anh T. kể và mong mỏi ngành điện sớm có giải pháp để tháo gỡ tình trạng thiếu điện như hiện nay.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn