• Zalo

Thái độ giới trẻ với đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói lên nhiều điều

Giáo dụcThứ Hai, 30/11/2015 10:28:00 +07:00Google News

Giáo viên chuyên Lịch sử cho rằng hãy nhìn thái độ của giới trẻ trước đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ thấy các em không hề quay lưng với Lịch sử.

(VTC News) – Giáo viên chuyên Lịch sử cho rằng hãy nhìn thái độ của giới trẻ trước đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ thấy các em không hề quay lưng với Lịch sử.

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử phổ thông hơn 20 năm, thạc sỹ Trần Trung Hiếu  (THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) khẳng định học sinh Việt không “quay lưng” với lịch sử và môn Sử.
Giới trẻ bày tỏ sự tôn kính, đau buồn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Chính ngành giáo dục đã và đang xem thường các môn Khoa học Xã hội, xem thường môn Lịch Sử. Đến các tiết học Sử, tôi thấy học sinh vẫn tập trung chú ý, lắng nghe những kiến thức về lịch sử dân tộc gắn liền với những câu chuyện lịch sử, vẫn thích nghe và cập nhật tình hình lịch sử của thế giới”, thạc sỹ Hiếu bày tỏ quan điểm.

Đánh giá về thái độ của giới trẻ hiện nay, thạc sỹ Trần Trung Hiếu cho rằng: “Hãy nhìn thái độ, tình cảm của thế hệ trẻ nói chung, học sinh phổ thông nói riêng về 2 sự kiện đã diễn ra trong thời gian gần đây là Trung Quốc cài đặt trái phép Dàn khoan Hải Dương 981 trên chủ quyền vùng biển nước ta và đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ nói lên nhiều điều”.


Hiện nay, học sinh vẫn không chán Sử. Nhiều học sinh vẫn học giỏi Sử ở phổ thông nhưng ít em lại lựa chọn môn Sử để thi vào đại học khối C và khi vào đại học lại không chọn ngành Sử vì cuộc sống và mưu sinh.

Trong khi các chuyên ngành khoa học xã hội ở bậc đại học, cao đẳng khi học xong rất khó kiếm một vị trí công tác trong xã hội.

Đó là sự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đang trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường của những nước kém phát triển đang phát triển như Việt Nam.

Rất đáng tiếc, xót xa và lãng phí cho những em đã từng giành giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi Tinh, học sinh giỏi Quốc gia môn Sử.

Bên cạnh đó, thạc sỹ Hiếu cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế rằng nếu đến những tiết học môn Sử mà học sinh chán Sử nhưng không “quay lưng” với lịch sử thì có rất nhiều nguyên nhân.

“Môn Sử trong nhiều năm qua bị Bộ GD&ĐT xem thường, liên tục nhiều năm không là môn thi tốt nghiệp THPT, kiểu thi đó đã làm cho học sinh có một cách hành xử “ứng thi”.

Chương trình và nội dung sách giáo khoa hiện hành đã có nhiều bất cập bởi nội dung nhiều sự kiện thiếu tính khách quan, thiếu tôn trọng sự thật lịch sử.

Cách kiểm tra, đánh giá của các giáo viên phổ thông cùng cách ra đề thi nhiều năm còn mang tính đánh đố với những kiến thức, sự kiện ngày tháng năm rất khó nhớ và tâm lý luôn sợ điểm thấp ở môn Sử”, thầy Hiếu phân tích.
Có nhiều nguyên nhân khiến học trò quay lưng với môn Lịch sử
Có nhiều nguyên nhân khiến học trò quay lưng với môn Lịch sử 

Tuy nhiên, thầy Hiếu cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến học sinh bây giờ không thích học Sử do nhiều giáo viên dạy chưa hay và quá lệ thuộc vào giáo án, sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, cách dạy “đọc-chép”, thiên về liệt kê kiến thức, sự kiện chứ không chú ý nhiều đến nhận thức của học sinh.

"Bản thân sách giáo khoa hiện hành đã có nhiều bất cập về quan điểm “chính trị hóa lịch sử” mang tính áp đặt, khiên cưỡng mà giáo viên lại “tuân thủ” một cách máy móc, rập khuôn trong khi sự bủng nổ công nghệ thông tin đã giúp học sinh tiếp cận nhiều tri thức không hoàn toàn giống như sách giáo khoa Sử hiện hành sẽ làm cho học sinh hoài nghi và nhanh chán học Sử", thầy Hiếu nhận định.

Giật mình với câu trả lời hồn nhiên: ‘Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con’



Cũng có cùng quan điểm này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng chương trình Lịch sử phổ thông được soạn rất nhàm chán. Chương trình ưu tiên dạy cho trẻ Lịch sử từ năm 1930 đến nay còn phần Lịch Sử từ năm 1930 trở về trước rất mờ nhạt.

Ngoài ra, chương trình Lịch sử nhấn mạnh lịch sử chống ngoại xâm mà bỏ đi hay nói đúng hơn là lướt qua một cách liệt kê sơ sài phần lịch sử xây dựng đất nước đặc biệt là thời kì phong kiến.

Cách trình bày Lịch sử cũng thiên về thống kê các sự kiện chứ không phải là tái hiện.

"Sách giáo khoa Lịch sử vô cùng nhàm chán, chưa kể phương pháp dạy học cổ điển làm cho môn Sử càng kém hấp dẫn hơn nữa.

Phương pháp thuyết trình được áp dụng gần như triệt để cũng làm thui chột nốt chút tình cảm cuối cùng của  học trò.

Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá đặt trọng tâm ở việc thuộc lòng cũng làm cho Lịch sử trở nên tồi tệ trong mắt trẻ", TS Hương đánh giá.

Trước thực trạng này, TS Vũ Thu Hương cho rằng hãy đặt Lịch sử ở vị trí phù hợp với tầm quan trọng của bộ môn này.

Từ đó, các nhà khoa học chắc chắn sẽ tìm ra đủ cách để viết chương trình, sách giáo khoa, xây dựng các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đa dạng, phong phú và làm cho học sinh bị môn Lịch sử đánh gục.

"Bản thân tôi, việc đọc sách Sử để có nhiều hiểu biết về thời kì xa xưa là một trong những niềm vui trong cuộc sống", TS Hương chia sẻ thêm.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn