Kỷ nguyên vươn mình

Thách thức trước Kỷ nguyên mới

Thứ Năm, 24/10/2024 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Trải qua hơn 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại, tuy nhiên, trước kỷ nguyên mới việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cần có sự đổi mới cấp thiết và mạnh mẽ hơn nữa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu vĩ đại.

Song, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 1

 

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, cho rằng, 5 tồn tại, hạn chế về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập là rất sát, rất thực tiễn, chỉ thẳng vào thực trạng chứ không chỉ là câu chữ.

Thứ nhất, vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế.

Ông Túc nêu thực tế, nghị quyết, văn bản của Đảng từ Trung ương đến địa phương thời gian qua rất dài, nhưng lại chung chung. Nhiều nghị quyết có độ dài đến hàng chục trang A4, nội dung dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, xa rời thực tế.

"Điều này làm cho các cấp ủy, chính quyền khó tiếp thu, khó thực hiện. Nhiều cấp ủy triển khai thực hiện nghị quyết của cấp trên nhưng không lượng hóa cho phù hợp với đặc điểm ngành, địa phương nên việc triển khai còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn", ông Túc nói.

Thứ hai, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

Ông Túc nhấn mạnh, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ, đảng viên cần luôn tâm niệm là: "Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng".

Song, theo ông Túc, trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn có những bất cập so với yêu cầu này.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 2

Chỉ đạo về đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng được thông tin rộng rãi trên báo chí và quán triệt tới từng chi bộ, từng đảng viên.

Thực tế, trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, một số chính sách được ban hành dựa trên những nhận thức và mong muốn chủ quan của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự tham gia đề xuất và góp ý của người dân và doanh nghiệp với tư cách là đối tượng thụ hưởng, chịu sự tác động của chính sách còn rất hạn chế.

"Điều này dẫn đến tình trạng "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ", "vừa đá bóng, vừa thổi còi", chính sách đưa vào đời sống nảy sinh bất cập, không nhiều hiệu quả. Hay một số dự án luật đưa ra Quốc hội thảo luận chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao", ông Túc phân tích.

Thứ ba, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, mô hình tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm các bộ phận cấu thành là Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Dù được triển khai thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tiễn cũng chỉ ra tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của nước ta còn những bất cập, hạn chế.

Ông Túc nhìn nhận, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức tổ chức, hoạt động giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức - đoàn thể Nhân dân chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Tổ chức bộ máy của các thiết chế trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối.

"Một điều nữa chúng ta cũng có thể thấy là tổ chức bộ máy hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, chưa theo kịp những biến đổi của phát triển kinh tế - xã hội", ông nói.

Thứ tư, mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Theo ông Nguyễn Túc, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp cách mạng hơn 94 năm, trong đó có hơn 79 năm cầm quyền. Tuy nhiên, khái niệm về Đảng cầm quyền, nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng dường như vẫn còn chưa được nhận thức đúng đắn.

"Vì vậy vẫn còn tình trạng bao biện, làm thay khi người lãnh đạo ôm đồm, làm hết việc của người quản lý hoặc người quản lý làm hết mọi việc, buông lỏng sự lãnh đạo. Trong cơ chế của đất nước ta thì Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Thời gian qua vẫn tồn tại sự mâu thuẫn, chồng chéo và lúng túng, làm giảm hiệu quả của lãnh đạo và quản lý nói chung", ông Túc đánh giá.

Và tồn tại, hạn chế thứ năm được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu là cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều.

Ông Nguyễn Túc cho hay, những hạn chế, bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 3

 

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 4

 

Về vấn đề thể chế, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm xác định đó là đột phá chiến lược của nhiệm kỳ tiếp theo và nêu ý kiến để Trung ương thảo luận. 

Qua thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất xác định: "Về đột phá chiến lược, thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...".

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu ngắn gọn, súc tích nhưng rất quyết liệt. Ông tiếp tục chỉ rõ: "Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Nói như thế để thấy bên cạnh sự thay đổi về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì Quốc hội với chức năng của mình cũng cần nhận thức rõ, để thể hiện sự thay đổi trong các công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Cũng trong bài phát biểu sáng khai mạc 21/10, người đứng đầu Đảng ta đã khai mở những chỉ đạo quan trọng để khai thông điểm nghẽn thể chế từ Chính phủ cho tới các địa phương.

TS Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) bình luận, từ Đại hội XI của Đảng, thể chế được xác định là một trong ba ưu tiên đột phá chiến lược.

Có nghĩa là Đảng nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng hiện đại nhằm kiến tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

"Thể chế là một khái niệm trừu tượng, đề cập đến nhiều hình thức tồn tại trên thực tế, cả chính thức như pháp luật và không chính thức như phong tục, tập quán, thông lệ xã hội...", ông Đáng nói.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 5

 

Theo ông Đáng, nhận định thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" tức Tổng Bí thư muốn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc gỡ bỏ những rào cản pháp lý và hành chính đã không còn phù hợp với sự vận động của đời sống hàng ngày.

Đồng thời, cơ quan lập pháp cũng phải bám sát nhu cầu nảy sinh từ thực tiễn để nhanh chóng ban hành những quy định thể chế mới nhằm giúp bộ máy công quyền vận hành linh hoạt, đáp ứng đúng nhu cầu ngày càng đa dạng trong xã hội, cũng như tạo ra sự thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

TS Nguyễn Văn Đáng bày tỏ ấn tượng khi trong bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm có những chỉ đạo hết sức quyết liệt như phải dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; pháp luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài; phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; cần chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới… 

Ông cho rằng, với những quan điểm nêu trên chứng tỏ lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhận thức rõ tầm quan trọng của các điều kiện thể chế với sự phát triển của đất nước.

"Nếu chúng ta thực hiện được tiến trình hiện đại hóa hệ thống thể chế theo những định hướng nêu trên thì sẽ góp phần quyết định trong việc thay đổi bản chất của quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo sự phát triển, tức là khuyến khích sự sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển", TS Nguyễn Văn Đáng nhìn nhận.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 6

 

TS Cù Văn Trung - Chuyên ngành Chính trị học, cho biết, cùng với việc nhấn mạnh cụm từ "tiếp tục đổi mới mạnh mẽ", trong bài viết của mình, Tổng Bí thư nhắc lại lời dạy của V.I. Lênin: "Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua".

Ông Trung nêu rõ, Đảng ta thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo từng bước, từng giai đoạn và có đúc rút, tổng kết. Gần đây nhất, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (tháng 10/2022), Trung ương đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Và Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 7

 

Vị chuyên gia phân tích, so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Nghị quyết số 28 bổ sung thêm cụm từ "cầm quyền" để phù hợp với giai đoạn cách mạng mới.

Theo đó, lãnh đạo và cầm quyền có mối quan hệ biện chứng với nhau, lãnh đạo hiệu quả sẽ giúp vị thế cầm quyền của Đảng ngày càng được củng cố và nâng lên. Năng lực cầm quyền của Đảng được nâng lên cũng bởi quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong việc cụ thể hóa thành công những chủ trương, đường lối, cương lĩnh và nghị quyết của Đảng cầm quyền.

Thêm vào đó, theo ông Trung, lãnh đạo là chức năng xuyên suốt quá trình tồn tại của Đảng, nhưng vị thế, chức năng cầm quyền chỉ khi Đảng giành được chính quyền. Trong điều kiện đã trở thành Đảng cầm quyền một cách bền vững như hiện nay, Đảng lãnh đạo tốt mới cầm quyền tốt. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ nội dung, phương thức cầm quyền nên đã xác định được những nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp.

"Tôi cho rằng, trên đà thành công của quá trình lãnh đạo, cầm quyền thời gian qua, vấn đề tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức cầm quyền của Đảng sẽ được quán triệt và nhận thức sâu sắc, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực không chỉ trong hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước mà góp phần đưa tới những thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tương lai", TS Cù Văn Trung khẳng định.

Đề cập thêm về sự kế thừa Nghị quyết số 28 trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Trung nhận định, người đứng đầu Đảng ta quán triệt việc phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực.

Ông Trung cho rằng, kiểm soát quyền lực, phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu rõ ràng đều là những yếu tố thuận lợi giúp cán bộ, đảng viên thể hiện năng lực, sự sáng tạo của mình trong quá trình công tác. Sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực, tham nhũng quyền lực của một số bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý.

"Lối tư duy "cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép, công dân được làm những gì pháp luật không cấm" được phổ biến, thể chế hóa sẽ khắc phục tình trạng khu trú quyền lực, không có những "ông vua con", lợi ích nhóm chi phối, thao túng các cơ quan quyền. Từ đó, tâm thế và nhận thức của cán bộ, đảng viên có động lực phấn đấu cống hiến, niềm tin vào sự nghiệp mình theo đuổi để ra sức phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân", TS Cù Văn Trung nói.

Thách thức trước Kỷ nguyên mới - 8

 

Bình luận
vtcnews.vn