Hiệu quả hoạt động của VietinBank tại Khu vực đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh xã hội.
Đồng bộ và hiệu quả
Tại Khu vực Tây Nguyên, VietinBank hiện có 6 chi nhánh gồm: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Bảo Lộc. Tổng dư nợ cho vay của VietinBank tính đến ngày 28/2/2019 tại địa bàn đạt 38.607 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ cho vay toàn hàng.
Do đặc thù tại Tây Nguyên chủ yếu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) nên dư nợ cho vay đối với hoạt động này chiếm đến 94% tổng dư nợ cho vay của VietinBank trên địa bàn; cho vay phục vụ đời sống của người dân chỉ chiếm hơn 5% tổng dư nợ cho vay. Cùng với đó, các khoản vay ngắn hạn với trên 68% tổng dư nợ cho vay.
Để đạt được những kết quả trên, trong thời gian qua, VietinBank đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. VietinBank triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng của Chính phủ và NHNN như: Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Song song với đó, VietinBank cải cách thủ tục, tinh gọn quy trình, hồ sơ vay vốn ngân hàng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay đối với các khách hàng. Theo đó, VietinBank xây dựng hướng dẫn thẩm định, xây dựng Bộ Định mức kinh tế theo ngành nghề để hỗ trợ các chi nhánh VietinBank tại địa bàn trong công tác tư vấn khách hàng; đẩy nhanh quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn của khách hàng.
Bộ định mức này bao gồm định mức cây cà phê, hồ tiêu, cao su, chè - là những cây trồng chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên. Bên cạnh đó, VietinBank cũng xây dựng các gói sản phẩm, gói tín dụng phù hợp với đặc thù từng nhóm khách hàng.
Đặc biệt, VietinBank tập trung phát triển mạnh mẽ các sản phẩm ngân hàng điện tử như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking. Khách hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch tài chính như: Thanh toán nợ vay, chuyển khoản, gửi tiết kiệm… mà không bị hạn chế không gian và thời gian, giảm các hình thức thanh toán tiền mặt.
Góp phần hạn chế tín dụng đen
Tây Nguyên có đặc thù là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, khách hàng ít có cơ hội tiếp cận thông tin. Về địa lý lại cách xa khu vực thành thị dẫn đến nhận thức của khách hàng chưa đầy đủ, chưa đúng về tín dụng của tổ chức tín dụng. Từ đó khách hàng e ngại tiếp cận vốn tín dụng chính thức và dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi các hình thức tín dụng đen.
Nhận thức được điều này, VietinBank đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. VietinBank triển khai mạnh mẽ các chương trình, chính sách của Chính phủ đến các chi nhánh VietinBank trong toàn hệ thống.
Từ đó đáp ứng ứng tối đa nhu cầu vốn phục vụ SXKD và phục vụ đời sống của người dân. VietinBank tăng cường hơn nữa các giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay đối với các khách hàng. VietinBank hiện có 290 phòng giao dịch đặt tại địa bàn cận nông nghiệp, chiếm 30% tổng số lượng phòng giao dịch toàn hệ thống.
Riêng khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, VietinBank có 6 chi nhánh và 38 phòng giao dịch, phân bố ở các địa phương có kinh tế phát triển. Với lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp, VietinBank sẽ khai thác tối đa khách hàng ở các địa bàn.
Cùng với đó, VietinBank cải tiến quy trình, sản phẩm nhằm đơn giản hóa thủ tục vay vốn tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của khách hàng. VietinBank đang nghiên cứu xây dựng nhà máy phê duyệt tín dụng tự động để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ đặc biệt đối với vay phục vụ đời sống với số tiền vay nhỏ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Đặc biệt, VietinBank hợp tác và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… trong công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận vốn vay, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn, nâng cao hiệu quả SXKD, từ đó góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen. Gia tăng liên kết với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức trên toàn quốc và có kế hoạch tiếp cận khách hàng theo chuỗi (hệ thống siêu thị, các công ty thức ăn chăn nuôi, thực phẩm…).
Giải pháp tăng cường hoạt động quảng bá và phát triển nhằm nâng cao tỷ lệ khách hàng sử dụng các sản phẩm công nghệ như ngân hàng điện tử cũng đượcVietinBank chú trọng thực hiện. VietinBank với hệ thống CoreBanking hiện đại đang đẩy mạnh triển khai, phát triển công nghệ để giúp khách hàng tiếp cận vốn vay phục vụ đời sống và SXKD.
Với đặc thù khách hàng vay tín dụng đen thường là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu vi mô có nhu cầu vay quy mô nhỏ, cần vốn gấp, nhóm khách hàng này thường thiếu thông tin về tài chính, ngân hàng; khả năng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại là chưa cao, do đó, VietinBank chú trọng công tác đào tạo về chuyên môn và kỹ năng các cán bộ thông qua các hình thức đào tạo.
Từ đó cán bộ của ngân hàng nắm vững nghiệp vụ, tận tâm hỗ trợ, tư vấn khách hàng đầy đủ và kịp thời, giúp khách hàng không còn tâm lý e ngại khi đến giao dịch, tạo điều kiện cho khách hàng ở mọi địa bàn tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Bình luận