• Zalo

Người trở về từ Euro

Tổng hợpThứ Hai, 06/08/2012 11:12:00 +07:00Google News

Euro 2012 đã kết thúc. Nhưng dấu ấn, dư âm của nó thì vẫn còn nguyên trong lòng người hâm mộ cũng như những người yêu bóng đá bằng chính công việc của mình...

Euro 2012 đã kết thúc. Nhưng dấu ấn, dư âm của nó thì vẫn còn nguyên trong lòng người hâm mộ bóng đá cũng như những người yêu bóng đá bằng chính công việc của mình- những phóng viên của kênh Thể thao VTC3. Với hai ê-kip đi tác nghiệp tại hai nước chủ nhà Ukraina và Ba Lan thì mùa bóng năm nay đã thực sự mang lại cho họ những kỷ niệm khó quên, những thăng hoa trong nghề nghiệp không kém sự hưng phấn của bất cứ cầu thủ nào khi đứng trên sân cỏ

Lên đường…

Sau khi đạt được bản quyền Euro 2012, kênh Thể thao VTC3 đã nhận được sự chỉ đạo của Đài Truyền hình VTC cử các ê-kip phóng viên đi tác nghiệp trực tiếp tại hai nước chủ nhà là Ba Lan và Ukraina.

Chuẩn bị tác nghiệp trước trận Ba Lan- Nga. 
Công tác chuẩn bị của các phóng viên thể thao cũng không có gì khó khăn vì VTC cũng đã quá quen với những chiến dịch lớn như Euro, World Cup, Olympic, Asiad hay SEA Games…. Tuy nhiên, chủ trương của lãnh đạo kênh là với mỗi một chiến dịch phải luôn tìm thấy những điều mới mẻ, hấp dẫn để mang đến cho khán giả.

Với giải Euro 2012 lần này, bên cạnh các bản tin tường thuật và bình luận hàng ngày, việc các kíp phóng viên của VTC3 đi sản xuất ở các nước đồng chủ nhà phản ánh không khí, thực hiện các phóng sự bên lề của Euro sẽ làm nên sự phong phú, muôn màu của một mùa bóng chuyên nghiệp.

Đoàn đi Ukraina gồm BTV Tiến Kiên và quay phim Chí Phương. Còn đoàn đi Ba Lan là BTV Tam Điệp và quay phim Quốc Huy. Công tác chuẩn bị hành trang cá nhân diễn ra khá đơn giản và nhanh gọn trong 2 ngày. Các phóng viên, quay phim lần này đều đã quen với việc đi tác nghiệp thể thao quốc tế, nhưng vẫn không dấu được sự háo hức, hứng khởi trước một mùa bóng chỉ bốn năm mới có một lần.Với tinh thần như thế, tối 4/6, hai đoàn phóng viên đã lên đường.

Thách thức…

Việc làm thủ tục cấp visa đi Ukraina mất khá nhiều thời gian bởi quy định về nhập cảnh của Ukraina khá ngặt nghèo. Bên cạnh đó việc liên hệ chỗ ăn, ở ban đầu cũng khiến đoàn của Tiến Kiên hơi lo lắng. Do thời điểm Euro 2012, tình hình chính trị ở Ukraina khá bất ổn, giá cả leo thang mà chi phí của đoàn lại hạn hẹp.

Chờ ĐT Anh về nước. 
Thời tiết ở Ba Lan và Ukraina đều đang là mùa hè nên ban ngày mát mẻ, sáng sớm và tối hơi se lạnh. Mùa hè ở Châu Âu ngày dài hơn đêm, 4h sáng đã sáng hẳn và 10h tối thì trời mới bắt đầu nhá nhem. Nhịp sinh học hầu như không bị ảnh hưởng bởi ở Việt Nam, mọi người cũng quá quen với cảnh “ngủ ngày cày đêm” quen rồi. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ mọi người luôn phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ bài vở.

Thời gian ở Ba Lan lệch với Hà Nội 5 tiếng. Nhiều hôm nhóm Tam Điệp đi làm đến 1h sáng mới về, mệt quá lăn ra ngủ đến 8- 9h sáng thì bên Việt Nam đã là 2-3h chiều. Thế là phải tức tốc dựng chương trình để gửi về cho kịp phát sóng bản tin lúc 8h tối. Để gửi một file về nhà mất khoảng 1 tiếng nên mọi người luôn phải căn giờ. Có khi vừa gửi xong bài lại phải vác máy tiếp tục đi quay. Thời gian đầu, nhóm gặp khó khăn về việc gửi tin bài qua internet do đường truyền không tốt.

Khó khăn lớn nhất mà cả hai ê-kip phải đối mặt chính là việc di chuyển qua các địa điểm. Ở Ukraina, các địa điểm tổ chức thường cách nhau 300-400km, cá biệt có những sân cách nhau tới 1000km. Việc đi lại chủ yếu bằng hai loại phương tiện chính là tàu điện và xe bus. Tuy nhiên tàu điện không phải ở thành phố nào cũng có nên thường xuyên phải di chuyển bằng xe khách, trong thành phố thì di chuyển bằng taxi. Giá cả giao thông công cộng ở đây khá mềm, nhưng mỗi lần di chuyển nhóm Tiến Kiên vẫn mất khá nhiều thời gian, cả đi cả về có thể mất 1-2 ngày.

Phỏng vấn cổ động viên. 
Nhóm Tam Điệp cũng không tránh khỏi thách thức này. Ở Ba Lan có 4 thành phố đăng cai tổ chức Euro 2012, chỉ có mỗi thành phố Kracop là không đăng cai nhưng đó lại chính là nơi mà hầu hết các đội tuyển đóng quân trong mùa bóng. Sắp xếp nơi ăn chốn ở tại Vacsava, từ đây ê-kip Tam Điệp- Quốc Huy phải tỏa đi các thành phố, bán kính giữa nơi lưu trú đến các thành phố khoảng 400 km. Cũng đành phải di chuyển hàng ngày bằng ô tô hoặc tàu điện. “Có những hôm 12h đêm mới đi từ thành phố này về, tối dựng tin bài đến 3h sáng để kịp gửi thì sáng hôm sau 8h lại dậy đi tiếp tới thành phố kia”- Tam Điệp kể lại. Tổng cộng quãng đường mà nhóm phóng viên ở Ba Lan phải đi qua khoảng gần 6000 km, vì ngoài 5 thành phố ở Ba Lan, ê-kip còn đi sang Đức và Cộng hòa Séc để phản ánh thêm không khí Euro ở các quốc gia này.

Trước khi sang Ba Lan, nhóm Tam Điệp dự kiến sẽ làm thêm một vài phóng sự ngoài bóng đá ở đất nước này. Ở thành phố Kracop có hai điểm văn hóa lịch sử mà ai đến Ba Lan cũng nên ghé thăm. Đó là trại tập trung Auschwitz do Đức Phát Xít đã từng xây dựng và mỏ muối Wieliczka đã có cách đây hàng ngàn năm, được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Tuy nhiên, hơi đáng tiếc là ở cả hai địa điểm này đều không được mang máy quay vào nên nhóm phóng  viên chỉ có thể quay bằng máy ảnh. Các phóng sự vẫn hoàn thành nhưng quay phim Quốc Huy vẫn cứ tiếc nuối mãi.

Sân vận động Gdansk trận Ý gặp Tây Ban Nha. 
Với những chuyến đi công tác xa và lại ít người như thế này, các đoàn phóng viên không thể mang theo tất cả những máy móc theo ý muốn của mình. Chính vì vậy, khi gặp khó khăn phải tự nghĩ cách khắc phục. Vừa tác nghiệp vừa ‘‘run’’, chỉ biết hy vọng là mọi sự đều tốt lành. “Mang tiếng là đi nước ngoài nhưng do công việc kín mít nên chủ yếu ăn đường ở chợ. Mỗi đoàn mang sang hai thùng mì tôm và hầu như tất cả các bữa sáng hay đêm về muộn đều được xử lý bằng mỳ tôm”- BTV Tiến Kiên cho biết.

Choáng ngợp…

Dù đã đi tác nghiệp ở nhiều quốc gia nhưng với Ukraina và Ba Lan thì đây là lần đầu tiên phóng viên VTC3 đặt chân tới.

“Trước đây tôi cũng đã biết khá nhiều về Ukraina nhưng cũng chỉ qua báo chí, phim ảnh. Đây là một dịp quý giá để tôi có những trải nghiệm thực sự trên đất nước này. Ấn tượng của tôi về Ukraina là một quốc gia với thiên nhiên tuyệt đẹp, đất đai phì nhiêu và những cánh đồng thẳng cánh cò bay- hình ảnh đặc trưng của nông thôn Châu Âu. Thủ đô Kiev lại tấp nập hơn, nhộn nhịp hơn, pha chút cổ kính, nằm trọn trên một vùng đồi núi với rất nhiều cây xanh”- BTV Tiến Kiên cười kể lại.

CĐV ra về sau trận Ý- Tây Ban Nha. 
Cả hai đoàn phóng viên đều có chung cảm nhận không khí Euro ở hai nước đồng chủ nhà rất chuyên nghiệp. Người dân nơi đây hiền lành, thân thiện và rất nhiệt tình với bạn bè quốc tế.

Trước khi lên đường, BTV Tam Điệp cũng có nghe nhiều luồng thông tin rằng Ba Lan đang phải đối mặt với vấn đề đe dọa an ninh, khủng bố trong thời gian Euro 2012. Cũng có chút lo lắng, nhưng lúc sang đến nơi thì anh mới thở phào nhẹ nhõm khi biết tất cả chỉ là tin đồn. Người Ba Lan đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho mùa bóng này.

Không tránh khỏi một vài vụ va chạm nhẹ giữa các cổ động viên (CĐV) ngoài sân cỏ, nhưng vẫn là rất nhỏ so với quy mô tổ chức hoành tráng đến thế. “Người dân Ba Lan rất lành, thân thiện và nhiệt tình. Văn hóa cổ vũ của họ chỉ là bia. Mỗi CĐV khi vào sân đều mang theo một vỉ bia và mỗi trận đấu họ uống hết 8 cốc bia”, Tam Điệp cho biết thêm. Ngay cả khi Ba Lan bị loại ở vòng bảng thì đội chủ nhà vẫn điềm tĩnh, tuyệt nhiên không có một sự quậy phá nào xảy ra, chỉ buồn và lẳng lặng ra về. Điều đó chứng tỏ dù đội nhà không được đi tiếp nhưng họ vẫn ý thức được vị thế của một nước chủ nhà.

Tác nghiệp trong sân. 
“Chúng tôi cũng rất ấn tượng với CĐV Tây Ban Nha. Đặc biệt là hôm diễn ra trận đấu giữa Tây Ban Nha và Italia. Khi bắt đầu vào ga của trung tâm thành phố, không những chúng tôi mà có lẽ bất cứ ai cũng phải choáng ngợp trước một biển người màu đỏ- màu áo của CĐV xứ sở bò tót. Họ tạo nên bầu không khí thân thiện, cởi mở và rất hòa đồng, đến nỗi đang đứng phỏng vấn thì tôi bị bế bổng lên công kênh từ lúc nào không biết”- Tam Điệp nhớ lại.

Không chỉ các CĐV mà bất cứ phóng viên thể thao nào cũng mong muốn được đứng trong những sân vận động (SVĐ) hoành tráng và chuyên nghiệp. “May mắn cho chúng tôi là dịp này đã có cơ hội được đứng trong tất cả các SVĐ lớn ở Ba Lan và được chứng kiến những trận đấu, gặp gỡ các cầu thủ chuyên nghiệp và thực sự sống trong không khí của bóng đá”- quay phim Quốc Huy chia sẻ. Đồng nghiệp của anh, quay phim Chí Phương ở Ukraina cũng không giấu được niềm phấn khích khi nhớ lại cảm giác được đứng trong SVĐ cổ kính tuyệt đẹp Olympic Kiev hay SVĐ hiện đại Arena của thành phố Lvov. “Vào SVĐ, mọi thứ đều sống động và chân thật. Chúng tôi có cơ hội mục sở thị sự chuyên nghiệp từ những công đoạn nhỏ nhất như tổ chức an ninh, công tác hậu trường…”- anh chia sẻ.

Ấm áp tình xa quê…

Vẫn còn những khó khăn phát sinh trong suốt một tháng trời đóng quân tại Ba Lan và Ukraina. Tuy nhiên những khó khăn đó lại đưa các đoàn phóng viên đến với những khám phá mới, đầy thú vị. Đặc biệt là hiểu hơn tình cảm và tấm lòng của cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại hai đất nước Ba Lan và Ukraina. 

Tác nghiệp trên đường phố.
Bà con kiều bào rất nhiệt tình và tạo mọi điều kiện giúp đỡ anh em phóng viên VTC. Nếu như những chuyến đi khác vẫn có nhóm tiền trạm để thu xếp nơi ăn chốn ở, thì lần này các ê-kip đều phải tự tác chiến từ a đến z. Lần đầu tiên sang Ba Lan nên nhóm Tam Điệp- Quốc Huy cũng hơi lo lắng, bỡ ngỡ về xe cộ, đường đi lối lại, nơi ăn chốn ở… May mắn là lúc lên máy bay, nhóm lại ngồi cùng một Việt kiều sống ở Ba Lan đã 20 năm cũng đang trên đường quay trở lại Ba Lan để kịp xem bóng đá. “Dù chỉ quen nhau trên máy bay thôi nhưng anh ấy rất thân thiện, giúp đỡ chúng tôi làm các thủ tục lúc xuống sân bay. Sau hôm khai mạc, anh còn dẫn đoàn về nhà ăn cơm, mâm cơm ấm cúng có cá rán, đậu phụ rán và canh hến. Chưa bao giờ chúng tôi thấy ngon như thế. Anh ấy còn đưa chúng tôi về trung tâm thương mại của cộng đồng người Việt sống tại Ba Lan. Khi tới đó, tôi và Huy không còn cảm giác đang ở Châu Âu nữa mà tưởng như đang đứng giữa Hà Nội với không khí Việt, người Việt, món ăn Việt, tiếng nói Việt, văn hóa Việt”- Tam Điệp chia sẻ.

Chủ nhà chỗ Tam Điệp và Quốc Huy thuê trọ cũng là một người Việt. Điều bất ngờ là họ lại sống trong chính ngôi nhà của mẹ vợ đạo diễn Lê Hoàng Hoa, vốn nổi tiếng với bộ phim Ván bài lật ngửa. “Bà chủ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đưa cho chúng tôi chìa khóa riêng để đi về. Nhiều hôm đi tác nghiệp đến gần sáng, cũng ngại sẽ làm phiền nhưng rất may là chủ nhà thông cảm nên chúng tôi cũng đỡ áy náy hơn”- Quốc Huy cho biết thêm.

Nhóm của Tiến Kiên cũng rất xúc động trước sự giúp đỡ của bà con kiều bào ở Ukraina. Một điều đặc biệt là người Việt ở đây rất yêu bóng đá. “Chưa khi nào thấy nhiều người Việt đi xem bóng đá đến thế ở một giải đấu tầm cỡ thế giới như Euro. Trong trận Bán kết Tây Ban Nha gặp Bồ Đào Nha ở thành phố Donest, chúng tôi đã đi cùng đoàn hơn 500 người Việt di chuyển 400 cây số tới SVĐ. Và khi đến sân thì thực sự choáng khi ước tính phải có 1000 người Việt đi xem trận đó”- Tiến Kiên kể lại. 

Cũng nhờ có bà con kiều bào nên hầu như mọi khó khăn của các nhóm phóng viên trong suốt cuộc hành trình đều được hóa giải. Bên cạnh việc làm thêm những phóng sự về văn hóa, xã hội của người dân bản địa, các ê-kip cũng không quên những thước phim phản ánh cuộc sống của cộng đồng người Việt đang nơi đất khách quê người. Về Việt Nam, hai nhóm phóng viên lại bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho kỳ Olympic 2012. Nhưng cảm giác về chuyến đi xa dài ngày vừa trải qua vẫn còn vẹn nguyên trong những câu chuyện và chưa bao giờ họ thấy bóng đá gần gũi với người Việt Nam đến như vậy!

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn