Người về từ B5 đường 9 Quảng Trị

Tổng hợpThứ Năm, 26/07/2012 10:58:00 +07:00

Ta hãy thắp sáng Thạch Hãn. Một dòng sông nghĩa trang không mộ. Xin được thắp sáng Thạch Hãn trong mọi đêm rằm. Chứ không chỉ Tết Nguyên Tiêu và đêm 27 tháng 7.

1.Tết Nguyên Tiêu năm 2012, là Rằm tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Đoạn sông Thạch Hãn chảy qua thị xã Quảng Trị, đêm, người khắp nơi trong nước đổ về tham dự lễ phóng đăng phóng hoa. Mặt sông đêm bừng lên một khúc sông hoa sông lửa làm nên một Thạch Hãn huyền ảo. Bức tâm thư của Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Trí Tuân giọng trầm và ấm loang ra không gian bao la, động tới sâu xa hàng triệu con tim: “Ta hãy thắp sáng Thạch Hãn. Một dòng sông nghĩa trang không mộ. Xin được thắp sáng Thạch Hãn trong mọi đêm rằm. Chứ không chỉ Tết Nguyên Tiêu và đêm 27 tháng 7 ngày Thương binh Liệt sĩ như nhiều năm trước!”

Tâm thư ấy cũng động tới sâu thẳm trái tim tôi. Bởi dòng sông ấy, mảnh đất ấy có những người cùng trang lứa lên đường nhập ngũ ở tuổi sinh viên từ các trường đại học ở Hà Nội và hy sinh. Vĩnh viễn nằm lại đó. Động tới trái tim tôi còn bởi ở nơi ấy đã nhấn chìm nhiều tình yêu có một tình yêu của tôi.

 
Ngã ba sông Vĩnh Thụy và sông Thạch Hãn. Hun hút phía xa kia, chỗ bây giờ là bờ kè bê tông, là Thành Cổ Quảng Trị, là bến vượt đẫm máu của những đại đội sang đánh chiếm Thành Cổ. Mỗi đêm một đại đội hơn trăm chiến sĩ hầu hết là sinh viên, đã sang sông mà ngày hôm sau chỉ còn khoảng 10 người trở lại. Hơn 14 nghìn chiến sĩ ta và 26 nghìn binh sĩ phía bên kia đã nằm lại nơi ấy, mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông. Đánh trong hành tiến, không đào hào mở công sự, cú đánh thủy tiến bằng bến vượt.

Thành Cổ Quảng Trị đã từng được báo chí nước ngoài gọi là cối xay thịt. Còn dòng sông Thạch Hãn thì từng được gọi là dòng sông máu (Sanguinary section of river). Thị xã Quảng Trị là mảnh đất từng chịu nhiều đau thương mất mát trong kháng chiến chống Mỹ. Giặc Mỹ đã ném xuống đây số bom đạn bằng bảy quả bom nguyên tử. Sông Thạch Hãn và Thành Cổ Quảng Trị được xem là những nghĩa trang không mộ của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là trong trận chiến “81 ngày đêm” chiến đấu bảo vệ Thành Cổ hè năm 1972 được gọi là “Mùa hè đỏ lửa”.

Lễ hội hoa đăng trong đêm hoa đăng có hoa, có cỏ, có nến đèn, có nước mắt cùng những tấm hình nằm dưới lớp cỏ và đâu đó ven sông. Ngôi nhà nào cũng có trang thờ nhỏ phía trước sân vì sau Quảng Trị được giải phóng người dân đào móng xây nhà nhà nào cũng gặp hài cốt chiến sĩ ta và địch. Tuy cả 16 héc-ta đã trồng cỏ trồng dừa, nhưng mỗi khi ai đó chạm vào mặt đất người ta vẫn nhắc nhau “Hãy nhè nhẹ tay xẻng tay cuốc” tránh làm đau người còn đang nằm dưới đất sâu.

      Bốn mươi năm liệu đã đủ cho nỗi đau chìm sâu?

      Chưa đâu!

      Thế hệ những cựu chiến binh B5 Đường 9 vẫn còn đó.

      Thân nhân những cựu chiến binh B5 Đường 9 hy sinh cũng vẫn còn đây.

      Oán hờn có thể chìm sâu nhưng vết “sẹo tâm linh” vẫn chưa lặng lành.

Máy bay giặc Mỹ thả xuống cánh đồng khoét sâu những hố bom. Người ta san lấp trồng cấy. Nơi hố bom sâu, đất màu trôi xuống, vạt lúa nơi ấy xanh hơn. Người ta gọi là “sẹo đất”.Nơi bom đạn cắt ngang da thịt người lính mặc dù được khâu chữa lành rồi vẫn còn đó một cái “sẹo người”.

Nụ cười Thành Cổ (Ảnh: Đoàn Công Tính)
“Sẹo đất” nay không còn nữa. “Sẹo người” luôn nhói đau mỗi khi trời trở gió. “Sẹo tâm linh” thì nghẹn thở mỗi lần người đang sống đứng trước ban thờ thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất chỉ còn hình trong di ảnh.Bốn mươi năm chưa đủ cho nỗi đau chìm sâu!

Chục năm trước tôi có dịp ghé qua bờ Nam đoạn sông Thạch Hãn người ta đã xây cái bến thả hoa bằng bê tông. Tôi thả xuống mặt sông những bông hoa mào gà đỏ như máu, đỏ như “Cuộc chia ly màu đỏ” trong thơ Nguyễn Mỹ. Không quên dành riêng cho liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc một bông.

     Một phút mặc niệm.

     Một phút rưng rưng.

Bỗng như có tiếng hô xung phong vọng lên từ đáy sông ầm ào tựa tiếng reo hò của chừng một đại đội. Tôi bùi ngùi ngâm nga như ngâm câu thần chú “Thạch Hãn sông ơi chảy chậm thôi!” bởi khi đó là mùa mưa nước chảy từ Trường Sơn qua đây ra Cửa Việt có phần mạnh xiết.

Khoảng 30 năm sau Quảng Trị được giải phóng, nổi lên một sự kiện văn học: Cuốn nhật ký chiến tranh của Nguyễn Văn Thạc được xuất bản làm xôn xao lớp trẻ và cả những người già, bởi nó có giá trị như một “Bài ca ra trận”. Bạn tôi, nhà báo Dương Hùng Phong đã làm một phim phóng sự truyền hình dựa trên nền tảng cuốn nhật ký đó. Và phim của anh đã đoạt Giải nhất “Giải Báo chí Ngô Tất Tố” của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội. May cho Dương Hùng Phong dịp ấy người yêu thời sinh viên của Nguyễn Văn Thạc - Tiến sĩ Phạm Thị Như Anh - từ CHLB Đức trở về Việt Nam để giới thiệu cuốn sách. Phong nhờ chị Như Anh là người trong cuộc, đi suốt bộ phim lần theo những bước chân của Nguyễn Văn Thạc để mà tự sự, từ Nhã Nam nơi Thạc huấn luyện, tới Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi vào Quảng Bình - Quảng Trị nơi Nguyễn Văn Thạc chiến đấu và hy sinh ở dòng sông Thạch Hãn.

Đi cùng Như Anh còn có đoàn bạn học cùng khóa cùng khoa toán-cơ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhập ngũ với Nguyễn Văn Thạc ngày mồng 6 tháng 9 năm 1971. Dọc đường hành quân đến địa phương nào cũng gặp những chị Nhàn, những mẹ Vi và những o Hồng, những tấm lòng quân dân sưởi ấm trái tim anh. Kết phim là một trường đoạn hoành tráng: Đêm phóng đăng và hoa rực rỡ một khúc sông trong với những con thuyền giấy bè giấy nhỏ trên đó mang những bông hoa và ánh lửa nến đủ sắc màu, bạn bè cùng tung những xấp giấy trắng bay liệng như đàn bướm  với lời trầm ấm thao thiết: “Thạc ơi đồng đội ơi giấy đây. Giấy từ giảng đường bạn bè cùng gửi. Hãy viết nhiều hơn về người lính. Xin viết lại những điều mà cuộc đời có thể…đã quên đi”.Đọan kết phim bi tráng ấy diễn ra trên nền nhạc trầm hùng với lời thơ:          

    Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

    Có tuổi 20 thành sóng nước

    Vỗ yên bờ cõi mãi ngàn năm…

      Tôi thả riêng cho Nguyễn Văn Thạc một bông hoa là cái nhẽ ấy.

Còn bài thơ ấy là của một cựu binh Quân Giải phóng trước khi trở thành một nhà báo và nghệ sĩ nhiếp ảnh – anh Lê Bá Dương. Anh trở lại Thành Cổ Quảng Trị vào một ngày 27-7, nhìn cái doi đất nằm giữa sông Thạch Hãn và Vĩnh Bình, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt máu nhuộm đỏ dòng sông, xúc động, bồi hồi mà viết nên những dòng thơ bất hủ. Và việc kết hoa thắp nến thả xuống dòng Thạch Hãn tưởng nhớ những vong hồn liệt sĩ nằm dưới đáy sông cũng khởi nguồn từ Lê Bá Dương.

Trung tuần tháng tư rồi Quảng Trị trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị quyết định tặng 30.000 “Kỷ niệm chương” cho các cựu chiến binh thuộc Ban Liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc đã tham gia chiến đấu trên Mặt trận B5 Đường 9, trong đó có 15.000 Kỷ niệm chương cho các cựu chiến binh thuộc Ban Liên lạc khu vực phía Bắc. Riêng “Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ” có trên 400.

Cụm từ “B5 Đường 9” giờ tôi mới tường tỏ. Đó là phiên hiệu Mặt trận B5 Đường 9. Nói tới B5 Đường 9 là nói tới thị xã Quảng Trị, là Thành Cổ, là sông Thạch Hãn. Những địa danh lịch sử ấy gắn với mặt trận B5 Đường 9 Quảng Trị sẽ là mãi mãi.

2.  Tháng trước tôi được Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh huyện Thạch Thất ngọai thành Hà Nội, được gọi vắn tắt là “Ban liên lạc CCB d3-e84”, mời tham dự  Lễ trao tặng “Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ” cho 101 cựu chiến binh thuộc huyện Thạch Thất, mới có dịp quen với Đại tá Nguyễn Sinh Ngợi - Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh B5 Đường 9 toàn quốc, cùng Đại úy Hoàng Quốc Huy và Đại tá Trần Xuân Lũng - Trưởng ban và Phó trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh B5 Đường 9 khu vực phía Bắc. Cả ba người trước đó cùng có mặt trong đoàn tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chính ủy Mặt trận B5 – B4, về Quảng Trị thăm chiến trường xưa, hội thảo khoa học, và tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị.

Tôi ngạc nhiên hỏi Đại tá Trần Xuân Lũng, trong số 400 Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ cho toàn khu vực phía Bắc, thì riêng huyện Thạch Thất Hà Nội chiếm 101. Cựu chiến binh Thiên Thai phụ trách Ban Liên lạc CCB d3-e84 cho hay, tất cả số thanh niên Thạch Thất nhập ngũ ngày 27-1-1966 đều được phiên chế vào đơn vị e84-f351. Nhận vũ khí mới, huấn luyện gấp rồi hành quân thần tốc hơn 3 tháng vào mặt trận B5 Đường 9 Quảng Trị, đón cái Tết đầu tiên xuân Đinh Mùi năm 1967 tại chiến trường. Vậy là họ cùng chiến đấu ở Trung đoàn pháo 84. Mở màn cho chiến dịch mặt trận B5, Trung đoàn 84 được Bộ Tư lệnh mặt trận giao nhiệm vụ dùng hỏa lực tập kích vào cứ điểm 241 Tân Lâm phía nam Đường 9.

Cứ điểm này địch dựng lên nhằm ngăn chặn đường tiến quân của ta từ Cam Lộ lên Khe Sanh, Làng Vây. Anh Thiên Thai cho hay, trận tập kích bằng hỏa lực đêm ngày mồng 6 rạng sáng 7-3-1967 vào cứ điểm 241 Tân Lâm của Mỹ là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 84 đã chiến thắng ròn rã, lập chiến công đầu xuất sắc, tiêu diệt gần 2.000 lính Mỹ, phá hủy và phá hỏng 2 máy bay trực thăng, 5 xe tăng, 30 xe cơ giới, 20 khẩu pháo các loại 175-155- 105 ly. Mục tiêu đã cháy suốt 48 giờ. Địch phải dùng tới 50 lần chuyến trực thăng, 450 lần chuyến xe cơ giới để chuyên chở xác lính Mỹ.

Chiến thắng trận này có công của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ 1 thắng 20 trên “đồi không tên” đã đánh lui một đại đội lính Mỹ, tiêu diệt 41 tên có 5 sỹ quan, địch phải dùng 6 máy bay trực thăng lượm xác.

Lễ trao tặng kỷ niệm chương bảo vệ Thành Cổ.
Sau đó, trận chiến “81 ngày đêm” bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị là trận chiến quyết liệt nhất tranh giành từng tấc đất giữa ta và địch. Cuộc tổng tấn công vào thị xã và Thành Cổ hè 1972 có ngày máy bay Mỹ trút xuống đây hơn 7.000 tấn bom, dội hơn 10 vạn quả đại bác. Đơn vị e84 được giao nhiệm vụ hoạt động trên các địa bàn Lập Thạch 1, Lập Thạch 2, Đại Áng, Trung Chí xã Triệu Lễ huyện Triệu Phong. Có những lần người chỉ huy phải mạo hiểm quyết đoán di chuyển pháo tới sát nách địch, chế ngự hỏa lực địch, đánh chặn chi viện, phối hợp nhịp nhàng cùng các đơn vị bộ binh f312, e308, f320, e bộ binh 27 đánh bại âm mưu tái chiếm Thành Cổ nhằm gây sức ép với ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Ôi! Cái tên “Bùi Ngọc Đủ” và “Đồi không tên” đã đi vào sách giáo khoa học sinh. Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ - Đơn vị Anh hùng, và Bùi Ngọc Đủ - Anh hùng Lực lượng vũ trang khi ấy thuộc Đại đội 10 do Đại tá Trần Xuân Lũng đang ngồi bên tôi đây làm chính trị viên phó. Nhạc sĩ Huy Thục đã viết bài ca sống mãi với thời gian “Dòng suối La La”, mà hôm nay, tốp ca nữ cựu chiến binh B5 Đường 9 khu vực phía Bắc của Trần Xuân Lũng đã tới cuộc hội ngộ cựu chiến binh Thạch Thất để hát mừng đồng đội. Lời ca ấy mỗi lần nghe không cầm được xao xuyến:

    “Ôi con suối La La / nước trong xanh hiền hòa

    Đang bay bổng lời ca / chảy xuôi về  Cam Lộ…

    Chảy quanh đồi không tên / nay đồi đã mang tên

     Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ / Người Dũng sĩ diệt Mỹ…

Trong buổi Lễ trao tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ cho 80 cựu chiến binh còn sống, họ đã dành ít phút lặng đi mặc niệm tưởng nhớ trên 20 đồng ngũ đã hy sinh anh dũng nằm lại Quảng Trị nay được truy tặng. Một luồng khí nóng xộc lên cay sống mũi tôi. Có chiến sĩ nào tới giờ vẫn chưa tìm thấy xác? Như cậu em vợ tôi mà người thân trong họ tộc lúc nào cũng lẩn khuất tâm tưởng sống với người đã khuất, mà người đã khuất thì lưu lại trong trí nhớ người còn sống mãi mãi ở tuổi 20 trên mép còn lún phún lông tơ. Cứ đi dò tìm tin hài cốt như tìm kim đáy bể. Cứ nuôi hy vọng và đợi chờ. Bởi giữa tháng tư rồi có tin một gia đình ở thị xã Quảng Trị đào móng xây nhà đã phát lộ 8 bộ hài cốt. Vẫn có lý do để đợi để chờ.

3.  40 năm liệu đã đủ cho nỗi đau chìm sâu?

      Hận thù thì khép lại. Nỗi đau chìm sâu thì chưa thể.

Gần nhà tôi ở có một chị giáo viên đã nghỉ hưu. Cứ yên trí là vậy. Hơn năm lại đây thấy chị thỉnh thoảng lại bận bộ áo váy quân phục khi xanh lá cây khi màu kem sáng quân hàm quân hiệu ngù vai quai thao đeo huân - huy chương đầy ngực cứ như văn công quân đội. Mới vỡ nhẽ chị từng ở một đơn vị quân y trong kháng chiến chống Mỹ, rồi sau đó mới chuyển về học đại học sư phạm. Chị thường xuyên gặp gỡ, họp mặt với đồng đội cũ ríu ra ríu rít như lớp trẻ. Lúc xe máy khi ô tô đi giao lưu với các Hội CCB gần thì  trong quận Hoàn Kiếm, sang Gia Lâm, xa thì lên tận Phú Thọ, Thái Nguyên hoặc xuống Hải Dương, Chí Linh, Hải Phòng.

Một lần chị sang tôi nhờ máy xem một đĩa ca nhạc, thì ra bấy nay chị và đồng đội thường vắng nhà đi biểu diễn văn nghệ giao lưu với các Hội CCB ở các tỉnh đã một thời chiến đấu trên cùng Mặt trận B5 Đường 9. Hôm qua, nhóm chị cho tôi theo xuống Ninh Bình thăm một đồng đội cũ B5 Đường 9. Anh tên Bùi Đức Lợi, từng giữ chức đại đội trưởng Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 101 Sư 312. Anh nhắn các chị xuống nhà anh ăn cá, cá nuôi hồ trang trại. Gặp, anh trách sao xuống ít thế, có 8 người thôi à. Bữa trưa cơm thổi ít để ăn vã cá cho đã. Anh nhấn đi nhấn lại đây là cá sạch. Rau nhà trồng cũng sạch. Chị hàng phố với tôi cứ xuýt xoa cho con trai con dâu anh lăng xăng phục vụ khách vất vả.

Chúng lại cảm ơn khách của bố đã về thăm nên bố chúng khỏe hẳn lên mới xin ra viện hôm qua. Thì ra anh thèm gặp đồng đội. Thèm da diết. Cho tới khi anh nâng chén rượu thuốc nghiêng nghiêng mời, tôi mới biết anh hỏng một mắt trái. Anh kể trận đánh vào cứ điểm nhà thờ ở một làng gần thị xã Quảng Trị một đêm đồng đội anh chết 90 người. Trong số hơn 200 thương binh, thì anh hỏng một mắt. Hình như nơi mắt phải nước mắt anh rưng rưng. Giống như hôm truy tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ cho hơn 40 CCB e84 ở Thạch Thất đã hy sinh, khi những người còn sống dành phút mặc niệm mắt họ cũng rưng rưng như thế. Vậy thì sao nỗi đau có thể chìm sâu?

Chưa bao giờ như bây giờ các Hội CCB sinh hoạt sôi nổi rộng khắp. Nơi phường tôi ở cũng thế. Khao khát gặp nhau giao lưu như thời cùng quân ngũ chừng như không có gì thay thế được. Và những chuyến tập hợp nhau góp tiền lương hưu ít ỏi thuê xe trở lại thăm chiến trường xưa cứ rộn rã như đi hành hương vậy. Gặp nhau, chuyện cũ chiến trường kể lại, kỷ niệm là xương là máu, là cứu đồng đội, là gom xác vội vùi chôn đồng đội, toàn những hoài niệm bất diệt, da diết như ca từ bài hát “Đồng đội ơi”:

       “Tôi gọi mãi mà đồng đội không thưa

          Mà mưa cứ rơi gió cứ gào cứ thét

          Mây trắng bay và bướm trắng chập chờn

          Hương khói trắng lòng ta trắng lặng…”

Tôi không được là đồng đội của các CCB B5 Đường 9 Quảng Trị. Nhưng cảm nhận được những gì xôn xao trong lòng họ. Họ không nói tới óan thù. Chỉ hằng nhớ thương đồng đội. Thèm gặp lại nhau đôi khi chỉ là để hát cho nhau nghe hoặc uống cốc bia tào lao chuyện cũ. Giống như anh cựu chiến binh B5 Đường 9 Bùi Đức Lợi ở Ninh Bình nắc nỏm nhắn đồng đội xuống chỉ để ăn với nhau một bữa cơm cá nhà nuôi và rau nhà trồng. Tôi ghi chép lại những dòng này mà lòng cũng rưng rưng trên từng con chữ.

Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn