Đã 2 ngày liên tiếp (4/9 và 5/9), tại trạm thu phí số 1 quốc lộ 5đoạn qua huyện Văn Lâm (Hưng Yên) xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ do nhiều tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng để mua vé qua trạm BOT.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, PV VTC News đã phỏng vấn một số tài xế dùng tiền lẻ trả phí BOT và người dân sinh sống gần khu vực này.
Video: Tài xế đề nghị trạm BOT quốc lộ 5 giảm giá vé qua trạm
Tài xế Vũ Duy Hòa – người thường xuyên lưu thông trên đoạn đường này bức xúc nói: "Trạm này đã tồn tại 20 năm nay, đáng lẽ phải bỏ đi rồi. Đường thì không thấy nâng cấp, sửa chữa gì cả mà vẫn thu phí cao.
Tôi chạy qua có 3-4 km mà cũng mất 80 nghìn đồng cả đi và về. Cánh tài xế chúng tôi dùng tiền lẻ phản đối nhằm đề nghị nhà quản lý giảm giá vé qua trạm cho dân”.
Theo tài xế Hòa, mức phí qua trạm thấp nhất là 40 nghìn đồng/lượt, cao nhất là 180 nghìn đồng/lượt là quá cao, trong khi đường xấu đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại, thu nhập của tài xế xe tải, container.
2 trạm thu phí Quán Toan và Phố Nối trên quốc lộ 5 bắt đầu hoạt động từ năm 1998 đến nay. Sau gần 20 năm, đáng lý phải hoàn vốn và bỏ hai trạm này nhưng họ vẫn tiếp tục thu và còn tăng phí lên gấp nhiều lần gây bức xúc cho mọi người.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng
Anh Trần Mạnh Thắng – người dân sinh sống gần khu vực trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 cho hay: “2 trạm thu phí Quán Toan và Phố Nối trên quốc lộ 5 bắt đầu hoạt động từ năm 1998 đến nay. Sau gần 20 năm, đáng lý phải hoàn vốn và bỏ hai trạm này nhưng họ vẫn tiếp tục thu và còn tăng phí lên gấp nhiều lần gây bức xúc cho mọi người. Nếu có thu phí thì các trạm này chỉ nên thu bằng mức phí cũ để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng”.
“Đường quốc lộ 5 là đường cũ, có hiện tượng xuống cấp trầm trọng, ổ gà, ổ voi rất nhiều mà chưa thấy sửa chữa. Một số đoạn thuộc đường này đã được cào để tạo nhám nhưng rất lâu chưa thấy xử lý.
Đối với những tài xế như chúng tôi thì mức phí thế này là rất cao. Đặc biệt, là các doanh nghiệp, họ có đến hàng trăm đầu xe thì sẽ phải phải trả phí các loại trên đường từ phí bảo trì đường bộ, BOT, các loại phí khác chiếm đến 30% tổng giá cước.
Đường xuống cấp mà phí qua trạm BOT quá cao mới dẫn đến tình trạng như hiện nay. Mong rằng cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý việc này để người dân cảm thấy hợp tình, hợp lý”, tài xế xe tải Đặng Minh Quyền nói.
Như VTC News đưa tin, vào chiều 4/9 và 5/9, tại trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 đoạn qua huyện Văn Lâm (Hưng Yên), tình trạng ùn tắc cục bộ đã xảy ra do các tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.
Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động phải đứng chốt ở trạm để tiến hành các biện pháp phân luồng nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc.
Trung tá Lương Xuân An, Đội trưởng Đội CSGT huyện Văn Lâm cho biết, hơn 20 phương tiện sử dụng tiền lẻ để qua trạm thu phí.
Trả lời PV, ông Đặng Văn Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết: ''Vào sáng 4/9, thấy một số lái xe lên mạng nói rằng sẽ dùng tiền lẻ trả phí trên quốc lộ 5 nên Tổng công ty đã huy động lực lượng nhân viên đông hơn thường ngày.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông có mặt hỗ trợ đề phòng việc các lái xe dùng tiền lẻ trả phí sẽ phân luồng tránh ùn tắc''.
Trước đó, chiều 28/8, một nữ tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng để trả phí khi đi qua trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (đoạn qua huyện Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên).
Video: Tài xế ngán ngẩm vì trạm thu phí dày đặc với mức phí quá cao
Theo tìm hiểu, nữ tài xế này tên Mai P. (trú Phố Nối, Mỹ Hào, Hưng Yên). Chị P. trả phí bằng tiền lẻ để phản đối việc thu phí trên quốc lộ 5.
“Từ nhà tôi ở Phố Nối lên chỗ làm việc ở Như Quỳnh chỉ gần 10 km. Mỗi lần qua trạm đều mất 40.000 đồng/lượt. Tôi lên đây ăn bát phở có 30.000 đồng nhưng mỗi lần đi mất 80.000 đồng cả đi cả về. Đây là điều hết sức vô lý”, chị P. nói.
Bình luận