Video: Đón 1 triệu m3 nước Hồ Tây, sông Tô Lịch đen ngòm chuyển sang màu xanh mát
Liên quan đến việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, nhiều người đặt câu hỏi tại sao dự án không được thực hiện vào mùa khô hay ở cuối nguồn của sông, bởi nếu làm điều này sẽ không bị bất ngờ khi nước Hồ Tây xả ra sông.
Trả lời vấn đề này, TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản cho rằng nếu thí điểm trong mùa khô với điều kiện tốc độ dòng chảy thấp, là trường hợp đặc thù thì sẽ không chứng minh được khả năng xử lý của công nghệ khi xảy ra mưa lớn.
Đang là mùa mưa, nếu Hà Nội xả nước từ Hồ Tây với lưu lượng nhiều hơn trước thì đơn vị Nhật Bản có giải pháp công nghệ để tránh bị cuốn trôi các vi sinh vật trong dự án thí nghiệm.
"Việc điều chỉnh lại thiết bị Bioreactor, được hình dung giống như xây một "tòa chung cư" giúp "tránh lũ" cho các vi sinh vật, đảm bảo lưu giữ kết quả thí nghiệm trong thời gian tới", TS.Takeba Akira chia sẻ.
Về lý do không thực hiện dự án ở cuối nguồn, theo TS.Tadashi Yamamura, nếu làm điều này số lượng thiết bị xử lý phải gánh toàn bộ lượng chất thải từ 280 cống xả vào sông Tô Lịch lên tới 150.000m3/ngày đêm, tức là phải xử lý nước thải của cả dòng sông dài 14,6km, chứ không chỉ là thử nghiệm trên đoạn 300m nữa.
"Để chứng minh hiệu quả của 4 máy nano và các tấm Bioreactor thì phải thử nghiệm ở đầu nguồn trên đoạn 300m thì mới khách quan. Nếu ở cuối nguồn thì sẽ không đánh giá được công suất của máy", cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản chia sẻ.
Trước đó vào ngày 22/7, tại buổi làm việc giữa Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) với các sở, ban, ngành Hà Nội về việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nhưng chỉ thông báo trước khoảng 15 phút.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Việt cảm ơn tình cảm của rất nhiều nhà khoa học, các cơ quan truyền thông, cùng đông đảo bà con nhân dân lo lắng cho chuyên gia Nhật Bản vất vả sang giúp Hà Nội thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch.
Ông Tuấn Anh cho biết, đây cũng là hoạt động góp phần làm bền chặt thêm mối quan hệ đặc biệt “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản" và ông Tuấn Anh tái khẳng định, hoàn toàn không có sự cạnh tranh giữa hai công ty.
"Thậm chí, ngay từ thời gian đầu, hai đơn vị có sự phối hợp rất là tốt, đơn vị Nhật Việt nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ đơn vị Thoát nước Hà Nội", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo kết luận của biên bản làm việc, các Sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố thống nhất: Việc xả nước, hạ mực nước Hồ Tây do Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo công tác thoát nước trong mùa mưa, chống úng ngập cho khu vực liên quan.
Công ty JVE và Đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý kéo dài thêm 02 tháng. Công ty JVE chịu trách nhiệm hoàn toàn về công nghệ trong quá trình thí điểm xử lý trong mùa mưa.
Bình luận