Là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam vùng Trung Đông và châu Phi - khu vực thường xuyên xảy ra các trận động đất, anh Phan Ngọc Thạch cùng đồng nghiệp chưa từng chứng kiến trận động đất nào mang tính thảm họa như ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2/2023. Nó vượt qua mọi sự tưởng tượng về độ kinh hoàng và thảm khốc, khi con số thương vong tăng gấp đôi từng giờ. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng và thiệt hại mà Thổ Nhĩ Kỳ, Syria phải gánh chịu. Toàn bộ 11 tỉnh phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria chịu ảnh hưởng của trận động đất trên vết nứt dài tới 500 km.
Ngay khi thông tin đầu tiên về trận động đất được truyền thông quốc tế truyền tải, anh Thạch nhận được rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ quê nhà. “Ai cũng hỏi, liệu chúng tôi có tới hiện trường động đất tác nghiệp được không”, anh kể. Hết sức nóng ruột và bản năng của một phóng viên khiến anh bồn chồn không yên. Anh hiểu, những phóng viên có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó chưa thể truyền tải hết mức độ thảm khốc mà động đất gây ra, và phần nào cảm nhận được những khó khăn và nguy hiểm với bất kỳ ai đang ở hiện trường.
Để có những thông tin và hình ảnh trung thực nhất về động đất, những mất mát mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu cũng như nỗ lực của 2 đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã họp khẩn và điều động nhóm phóng viên Phan Ngọc Thạch, Nguyễn Ngọc Tuấn thường trú tại Trung Đông và châu Phi đi công tác Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp cận vùng tâm chấn động đất.
Tác nghiệp trực tiếp từ hiện trường nơi hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân diễn ra.
Nơi tâm thảm họa
Phóng viên Phan Ngọc Thạch cùng đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Tuấn chuẩn bị giấy tờ, trang thiết bị, đồ dùng cá nhân, thuốc men, thực phẩm, chọn đường bay nhanh nhất tới điểm tác nghiệp. Hành trang mang đi còn có những kinh nghiệm mà theo anh chia sẻ, “được học hỏi các anh, các chú, bác đi trước, đó là sự nhanh nhẹn, linh hoạt, chính xác, dũng cảm và bản lĩnh từ những nơi gian khó nhất”.
Với anh Thạch, chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ không giống như bất kỳ lần tác nghiệp nào trước đó, bởi trận động đất quá khủng khiếp. Mường tượng những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải, anh cũng có chút lo lắng, nhưng tự nhủ quyết tâm vượt qua, tác nghiệp hiệu quả, an toàn cho chính bản thân và không tạo gánh nặng cho đồng đội, cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về những gì người dân Việt Nam đang quan tâm. Đó là tình hình cộng đồng người Việt tại đây, hoạt động của 2 đoàn cứu hộ, hoạt động hợp tác quốc tế, khó khăn mà người dân vùng động đất phải gánh chịu…
Nhóm phóng viên VOV tới thành phố Adana, điểm gần nhất để di chuyển xuống khu vực tâm chấn động đất bằng đường bộ cách đó hơn 200 km. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hết sức hỗ trợ các anh. Đại sứ Đỗ Sơn Hải - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - chờ đón 2 phóng viên tại khách sạn Adana, giúp thuê xe tới các điểm mà đoàn Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Đại sứ không khỏi xót xa khi nói về hậu quả của trận động đất: “Rất đau thương. Khắp nơi tan hoang. Báo chí tới đây hãy phản ánh trung thực và lột tả hết để người dân trong nước hiểu và chia sẻ với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thực tế tác nghiệp rất khó khăn. Thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ về đêm lạnh khủng khiếp, 0 độ, rồi -5 đến -10 độ C, ngoài trời tuyết rơi dày. Còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết như an ninh, mạng Internet, sóng điện thoại, nơi sinh hoạt…, rồi mối nguy hiểm của dư chấn.
Cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng Việt Nam ăn vội bữa sáng với cái lạnh dưới 0 độ C trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
“Chúng tôi phải ngủ lều ở sân vận động. Lạnh cóng. Ngay cả việc gõ bàn phím máy tính gửi tin bài về nhà cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vẫn không là gì với nạn nhân của trận động đất. Hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiếu thốn đồ ăn, thức uống. Họ mất cả nhà cửa…” , Anh Thạch kể.
Còn lại sau trận động đất chỉ là những đổ nát ngổn ngang. Có lẽ không phương tiện nào có thể tả hết mức độ thảm khốc kinh hoàng. Các ngôi nhà cao tầng cũ sụp đổ hoàn toàn. Những khu nhà khác nghiêng nứt, chỉ một cơn rung chấn nhẹ là có thể đổ sập.
Các chiến sĩ cứu hộ tiến sát, chui sâu vào các ngôi nhà cao 4 - 5 tầng đổ nghiêng - nơi nghi vẫn còn người mắc kẹt và tìm kiếm. Nguy cơ những ngôi nhà này đổ sập vùi lấp những người đang đào bới, tìm kiếm luôn thường trực.
“Tôi nhớ mãi, và cực kỳ xúc động khi lá cờ Việt Nam được cắm lên các điểm cứu nạn. Đó là nơi các chiến sĩ cùng chó nghiệp vụ phát hiện có sự sống hoặc người mắc kẹt. Khoảnh khắc đó thiêng liêng vô cùng. Những người dân Thổ Nhĩ Kỳ quanh đó lao vào ôm các chiến sĩ ta với ánh mắt tràn đầy hy vọng”.
Ngay trong ngày triển khai nhiệm vụ đầu tiên (12/2), đoàn cứu hộ Việt Nam phối hợp với đoàn cứu hộ Pakistan và Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã giải cứu thành công thiếu niên 17 tuổi Abuzer Baran Bakır, đưa em ra khỏi tòa nhà đổ nát trong giờ thứ 138 của trận động đất.
Nhóm phóng viên đến gần hiện trường nhất có thể để ghi hình. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, Phan Ngọc Thạch và đồng nghiệp không được phép vào sâu bên trong. Bằng mọi phương tiện có trong tay, anh và phóng viên Nguyễn Ngọc Tuấn khẩn trương soạn những dòng tin ngắn, súc tích, gửi về Ban biên tập Đài TNVN. Trong điều kiện không có Internet, mãi hơn nửa ngày, tin tức mới được về đến Việt Nam.
Một hình ảnh khác khắc ghi trong tâm trí phóng viên Phan Ngọc Thạch. Đó là khi anh cùng đoàn cứu hộ đi qua một khu làng, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên đường, đặt tay lên ngực trái, cúi chào trân trọng. Một nghĩa cử cao đẹp dành cho hành động cao đẹp.
Và, ám ảnh nhất là lúc anh chứng kiến những ông bố, bà mẹ, những người vợ, người chồng thẫn thờ bên ngôi nhà đổ nát của mình, sục sạo, mong tìm được những gì còn sót lại, hay những ánh mắt mong ngóng các đoàn cứu hộ giúp tìm kiếm thân nhân…
Ban đêm ở vùng Hatay nhiệt độ xuống tới dưới 0 độ C, ngay cả việc gõ bàn phím đề gửi tin tức về Việt Nam cũng trở nên khó khăn khi ở trong các khu trại tạm thời.
Thử thách đặc biệt
Trong quá trình tác nghiệp, 2 phóng viên luôn mặc áo đồng phục VOV. Điều này vừa chứng tỏ sự hiện diện của VOV, vừa là thông điệp hòa bình, an toàn với bạn bè Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước khác, vì người dân Ả Rập nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng rất yêu quý Việt Nam. Anh cùng đồng nghiệp được nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ chào đón nồng hậu, chia sẻ từng mẩu bánh mì, từng ngụm nước, hoặc hỗ trợ di chuyển.
"Chúng tôi làm việc gần như 24/24h. Thiếu nhất là thời gian vì có quá nhiều điều muốn truyền tải đến độc giả, khán thính giả trong nước".
Tác nghiệp tại tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ là kỷ niệm chứa đựng cảm xúc mạnh mẽ đối với Phan Ngọc Thạch. Anh là một trong số ít phóng viên Việt Nam được tới hiện trường, có trải nghiệm hiếm thấy trong cuộc đời làm báo và trở về bình yên. Tuy nhiên, anh ao ước không bao giờ phải lặp lại trải nghiệm đó, bởi đối mặt với thảm họa cũng là đối mặt với nỗi đau thương, mất mát của đồng loại quanh mình.
Phan Ngọc Thạch là phóng viên VOV theo dõi địa bàn Trung Đông lâu năm. Anh từng tác nghiệp trong sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” tại Ai Cập năm 2010. Năm 2014, anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên đưa tin trực tiếp sự kiện sơ tán lao động Việt Nam từ Libya về nước qua cửa khẩu Ai Cập trong bối cảnh Ai Cập đang giới nghiêm an ninh.
Bình luận