Tiểu thuyết Trên đỉnh núi mờ sương là một trong những tác phẩm được đông đảo độc giả, thính giả yêu thích. Viết về góc khuất của những thầy cô giáo cắm bản vùng cao, tiểu thuyết mang đậm triết lý nhân sinh. Thông điệp cuộc sống thiện lương với nhân quả báo ứng được tác giả đề cập xuyên suốt và nhất quán.
Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Phúc về tác phẩm này cũng như dòng văn học mạng và xu thế phát triển của ngành xuất bản những năm gần đây.
Không thể ngồi một chỗ để viết
- Sau khi nghe tiểu thuyết "Trên đình núi mờ sương", nhiều thính giả ngạc nhiên, tại sao một nhà văn người Hà Nội lại có thể viết về cuộc sống của người miền núi chân thật đến thế?
Năm 1994, khi đang là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi có dịp lên đỉnh Pu Xai Lai Leng, thuộc địa phận xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Hai tuần khám phá các địa danh ở quanh đó, tôi rất ấn tượng với những cảnh vật và con người tôi gặp nơi đây.
Tuy nhiên, hồi đó đang theo ngành đồ hoạ nên tôi chưa có thời gian để viết. Đến năm 1998, tôi bắt đầu viết những tác phẩm đầu tiên về Hà Nội và các làng quê. Lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình không viết về dân tộc, miền núi? Hai tác phẩm Trăng thượng huyền và Trên đỉnh núi mờ sương ra đời, dựa trên vốn sống từ lần tôi lên đỉnh Pu Xai Lai Leng năm 1994.
- Tựa đề "Trên đỉnh núi mờ sương" không chỉ gợi không gian bảng lảng vùng núi cao còn có rất nhiều ý nghĩa ẩn dụ trong đó?
Học Mỹ thuật Công nghiệp nên tôi nhìn hình khối không gian theo con mắt của một hoạ sĩ. Khi quan sát đỉnh núi mờ sương, tôi thấy không chỉ là hiện tượng thiên nhiên thông thường mà mang ý nghĩa ẩn dụ. Người ta tưởng có thể dựa vào sương mù, vào bóng tối để che giấu đi tội ác, nhưng thực tế không phải như thế.
- Trong tác phẩm này, nhân vật nào khiến anh trăn trở nhất và dành nhiều tâm huyết nhất?
Thầy giáo Phóng là mẫu người có đạo đức, trong hoàn cảnh dễ sa ngã nhưng ông vẫn vượt qua được, bởi quê nhà có gia đình và người thân mong đợi. Đó là hình mẫu cao đẹp của một người làm nghề cao quý trong xã hội.
Tuy nhiên, tôi thích nhân vật phản diện là Sùng Chí Thầu. Ở con người ấy có cả thiện nhân và ác quỷ, là tổng hợp tính xấu của con người nhưng có bản lĩnh hơn người, dám làm dám nghĩ.
Bản chất của Sùng Chí Thầu là tham của, tham vàng, nhưng y vẫn biết điểm dừng nhất định. Sùng Chí Thầu dù biết thầy giáo Phóng là tay trong nhưng y vẫn để lại một chút tình, không giết hại người tốt. Tôi đánh giá cao điều đó.
- Các tác phẩm của anh đều mang thông điệp, triết lý nhân sinh sâu sắc. Với tác phẩm này anh mong muốn truyền tải thông điệp gì?
Tất cả những truyện tôi viết, xuyên suốt đều có nhân quả báo ứng, nhưng nhân hay quả do mình quyết định. Con người có thể làm đủ thứ tội ác trong đêm tối, trên nơi rừng sâu, vực thẳm hay trên đỉnh núi mờ sương, tưởng như không ai biết, nhưng cuối cùng vẫn chịu sự chi phối của pháp luật, của luật nhân quả. Thực tế chứng minh, những người tốt cuối cùng đều trở về trong vòng tay của gia đình. Ngược lại, những kẻ xấu sẽ chịu sự truy bắt của pháp luật.
Dù nhà văn có thể khai thác cuộc sống theo bất cứ hướng nào, nhưng tôi vẫn muốn truyền tải thông điệp: Con người phải sống trong khuôn khổ nhất định, khuôn khổ này không chỉ quy ước bằng luật pháp mà còn quy ước bằng đạo đức và tính nhân văn.
Văn chương trước hết phải là thân phận con người
- Là tác giả sách in được nhiều độc giả đón đọc. Vì sao đến "Trên đỉnh núi mờ sương", anh lại lựa chọn phát hành dưới dạng sách nói?
Trong các hình thức xuất bản, tôi có xuất bản sách giấy truyền thống (16 đầu sách), nhưng rất nhiều bà con Việt Nam sống xa Tổ quốc nói, họ không tiếp cận được ngay, không mua được sách, nên đề nghị tôi có hình thức phát hành dưới dạng audio. Họ lấy ví dụ như kênh có các nhà văn ở nước ngoài hay đọc sách nói và bản E-book đọc cho kindle. Tôi suy nghĩ và quyết định chọn phát hành sách nói, thông qua một giọng MC truyền cảm. Yếu tố MC rất quan trọng, có những truyện đã được hơn 1 triệu lượt xem, đây là điều hiếm đối với một tác phẩm.
Về xuất bản sách giấy truyền thống, tôi cho rằng nếu như một tác giả được gọi là bán chạy, họ phải bán hết 1.000 – 5.000 bản đã phát hành. Tuy nhiên, ở Việt Nam có rất ít nhà văn làm được điều này nên số lượng tiếp cận không nhiều. Với sách nói, tôi nhận được nhiều phản hồi từ độc giả ngay khi họ vừa nghe xong. Có bạn trẻ chạy xe container xuyên bang của nước Mỹ nghe truyện của tôi, phụ nữ bận lái xe đi làm vẫn có thể nghe truyện không phải cầm sách giấy. Chính vì thế tôi quyết định phát hành sách nói.
- Một số ý kiến cho rằng, một tác phẩm văn học thực sự phải được một nhà xuất bản lựa chọn, in ấn và phát hành một cách chính thống tới khán giả. Còn phát hành trên mạng vẫn chỉ là những sản phẩm chưa được đánh giá cao. Anh nghĩ sao về điều này?
Nếu nhà văn không theo kịp các xu hướng của thời đại, đó là điều cực kỳ thiệt thòi.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Đúng là một số nhà văn mặc định rằng phát hành sách in mới là văn học chính thống. Nhưng họ không hiểu rằng, xu hướng tiếp cận của thế giới bây giờ đa dạng lắm. Nếu nhà văn không theo kịp các xu hướng của thời đại, đó là điều cực kỳ thiệt thòi.
Hiện nay, sự tương tác giữa tác giả và độc giả rất quan trọng. Nhiều giáo viên về hưu sau khi đọc tiểu thuyết Trên đỉnh núi mờ sương chia sẻ những điều họ đã trải qua, để tác giả hiểu được mình đã viết đúng. Nếu tôi ngồi trong văn phòng, thỉnh thoảng ra mắt một đầu sách, có vài nhà phê bình khen ngợi, như vậy không bao giờ tôi hiểu và cảm nhận được những hồi âm từ độc giả và thính giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau.
Tôi cho rằng, văn chương trước hết phải là thân phận con người. Nếu nhà văn không hiểu được những mảnh đời, những thân phận, thì tác phẩm khi công bố chỉ nhận được những lời tán dương của đồng nghiệp. Đó không phải là một tác phẩm văn học thực thụ. Tại sao văn học hiện thực phê phán sống lâu với thời gian? Bởi các nhà văn thời kì đó đã hòa mình vào đời sống của nhân dân.
Tôi biết một số nhà văn bắt đầu tiếp cận với độc giả qua hình thức sách nói, đặc biệt như Võ Thị Xuân Hà. Chị có kênh Cầm Kỳ Official giới thiệu các tác phẩm của nhà văn trẻ và đồng nghiệp. Đây là cách tiếp cận theo xu hướng mới, thành quả bước đầu rất khả quan. Một nhà văn nổi tiếng như Võ Thị Xuân Hà trực tiếp đọc tác phẩm của nhà văn khác, điều này khiến nhiều thính giả vô cùng ấn tượng.
- Sự đánh giá chưa thực sự tích cực của công chúng cũng như của một số nhà văn đối với dòng văn học mạng có khiến những tác giả như anh chạnh lòng?
Tôi nghĩ vàng không sợ thử lửa. Nhà văn thực sự sẽ không quan tâm tới những nhận xét có phần phiến diện. Tuy nhiên, để tránh tình trạng văn học mạng bị đánh giá "thích gì viết nấy", tôi nghĩ trước hết, các nhà văn phải xem lại mình, xem lại cách tiếp cận với độc giả, và quan trọng là có ý thức trách nhiệm với chính đứa con tinh thần của mình. Cùng với đó, thính giả nên lựa chọn tác giả, tác phẩm một cách có chọn lọc.
Thay vì chê trách dòng văn học mạng, các nhà quản lý và phê bình hãy để ý đến văn học mạng nói chung và sách nói nói riêng, nhằm có hướng phát triển phù hợp. Tôi thấy có nhà phê bình, khi tác giả vừa phát hành trực tiếp trên mạng đã cho rằng đó không phải tác phẩm chính thống, ngay cả khi họ chưa đọc một dòng nào. Họ đâu biết rằng, đó là cách tiếp cận độc giả nhanh nhất. Sau đó, các nhà văn vẫn có thể phát hành sách theo lối truyền thống.
Hội Nhà văn Việt Nam đã đến lúc dẫn dắt một xu thế mới trong lĩnh vực sáng tác và có những hoạt động nghiêm túc, nhằm thay đổi nhận thức về vấn đề này với các chuyên gia, nhà phê bình văn học, thay vì những ý kiến riêng lẻ, trái chiều gây mất đoàn kết.
- Việc phát hành sách nói có mang đến nguồn thu tốt cho các nhà văn không? Cá nhân anh thì sao?
Các nhà văn hiếm khi phát hành trên mạng do sợ mất bản quyền, sợ mất ý tưởng. Họ phải đợi đến khi xuất bản sách giấy. Tuy nhiên, mua bản quyền giờ có rất nhiều hình thức. Có những tác giả được nhà xuất bản trả bằng hai, ba trăm cuốn sách nhưng họ phải tự bán hoặc ký tặng. Vòng luẩn quẩn ấy không phát triển và đem lại nguồn thu theo đúng nghĩa. Nếu một tác giả đủ sức hút sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ các kênh, các group thu phí. Tôi biết nhiều tác giả trẻ sống được bằng nghề, thậm chí là sống tốt.
Còn ở Việt Nam, nói các nhà văn chuyên nghiệp sống được bằng nghề rất khó. Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với số lượng xuất bản mỗi đầu sách khủng, tôi biết rất nhiều tác giả phải sống bằng nghề khác.
Còn cá nhân tôi, tôi nghĩ mình sống được bằng nghề. Nói viết là đam mê nhưng nếu không có nguồn thu ổn định thì anh cống hiến cho ai, đam mê điều gì? Dù chọn hình thức nào, văn học mạng cũng đừng như sương khói.
Tôi có trò chuyện với một vài tác giả nước ngoài, họ chia sẻ khi bán tác phẩm lên mạng, họ biết được sẽ thu về bao nhiêu tiền, với lượng view đó sẽ có bao nhiêu %. Họ sống được bằng nghề và tôi cũng muốn các tác giả Việt Nam sống được bằng nghề.
- Xin cảm ơn anh!
Bình luận