• Zalo

Vợ chồng bác sĩ ở TP.HCM đưa thụ tinh trong ống nghiệm ra thế giới

Sức khỏeThứ Tư, 27/02/2019 12:16:00 +07:00Google News

Từ những bước đầu chập chững, bác sĩ Ngọc Lan và Mạnh Tường cùng nhau thực hiện những nghiên cứu táo bạo, đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ y học thế giới.

Sài Gòn một ngày đầu năm, chúng tôi hẹn bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan và Hồ Mạnh Tường, cặp vợ chồng được biết đến là một trong những người tiên phong trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.

Qua điện thoại, bác sĩ Ngọc Lan cho biết đang bận rộn chấm bài cho sinh viên, còn bác sĩ Mạnh Tường đang ở miền Tây báo cáo các chuyên đề về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nên chưa chắc chắn một buổi hẹn cụ thể. Chị chia sẻ vài ngày rồi, chị cũng chưa gặp được BS Tường, có khi chồng về thì chị lại đi và chuyện này đã khá quen thuộc trong mấy chục năm chung sống.

Thời khắc lịch sử

May mắn chúng tôi cũng sắp xếp được một buổi hẹn mà hai vợ chồng cùng có mặt ở nhà vào chiều muộn tại căn nhà nhỏ ba thế hệ chung sống ở đường Trần Đình Xu (quận 1).

Ấn tượng của chúng tôi là hai vợ chồng khá lịch sự, khiêm tốn. Khi ngồi cùng nhau, bác sĩ Lan khá sôi nổi còn bác sĩ Tường điềm tĩnh, ít nói hơn. Tuy nhiên, ánh mắt của hai người đều rạng ngời, đầy hứng khởi khi nhắc đến những ngày đầu chập chững bắt tay vào công việc rất mới ở thời điểm cả nước chưa từng có em bé thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nào ra đời. Có lẽ cả hai cũng không ngờ đó là cái nghiệp cả hai sẽ theo đuổi suốt đời mình.

Vào những năm 1990, công tác IVF được BV Từ Dũ quyết tâm thực hiện đầu tiên trong cả nước, BS Tường là một trong những nhân sự được cử đi học ở Pháp về IVF và nằm trong ekip học tập chuyển giao công nghệ IVF từ các chuyên gia người Pháp sang Việt Nam làm việc.

bacsi2 5

 

BS Tường nhớ lại: “Vào thời điểm đó, trong xã hội, trong ngành y và ngay cả trong bệnh viện, có nhiều dư luận không đồng tình, thậm chí chống đối việc triển khai IVF ở Việt Nam, vì rất nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, có một giáo sư tiến sĩ trong ngành đã gửi thư cho quốc hội đòi cấm làm IVF vì sợ rằng… sẽ sinh ra quái thai.

Khi đó, IVF thế giới đã được 20 năm tuổi và được thực hiện phổ biến ở đa số các nước. Trong bối cảnh đó, việc thành công hay thất bại của chương trình có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị và uy tín của nhiều người liên quan đến chương trình”.

Do đó, ekip đã làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho thời khắc lịch sử của IVF Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam mới mở cửa, thiếu thốn mọi thiết bị, phương tiện, muôn vàn khó khăn. Tất cả các dụng cụ thực hiện IVF như thuốc men, dụng cụ hóa chất, môi trường nuôi cấy...hầu hết được mang từ Pháp sang.  

Dù không nằm trong ekip nhưng BS Ngọc Lan, lúc này là cô sinh viên mới ra trường làm việc ở BV tình cờ được chọn tham gia. BS Lan nhớ lại: “Lúc đó, mẹ tôi là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giám đốc bệnh viện làm tổng chỉ huy chương trình, tôi phụ ghi chép theo dõi các bệnh nhân.

Đoàn Pháp qua thực hiện chọc hút lấy trứng muốn biết tình trạng bệnh nhân thì tôi cung cấp. Một nữ chuyên gia người Pháp còn khá trẻ nói với tôi muốn làm công việc này cho tốt phải hiểu bệnh nhân trước hết nên đề nghị tôi vào nhóm nghiên cứu”.

Thấm thoắt hơn 20 năm đã trôi qua, trải qua niềm hạnh phúc khi được làm mẹ của những đứa con, BS Lan như càng thấm thía ý nghĩa công việc nghiên cứu không hề khô khan mà “chở” cả khát khao đời thường của bệnh nhân. Hiểu và thấu cảm với những trăn trở của bệnh nhân thì người làm nghiên cứu mới có thể đặt hết tâm huyết cố gắng hoàn thành tốt công việc, đáp ứng nguyện vọng của bệnh nhân.

Đến bây giờ, BS Lan và BS Tường có thể kể từng hoàn cảnh cặp vợ chồng trong đợt đầu được chọn làm kỹ thuật IVF tại bệnh viện. Lo ngại làm IVF không thành công, nhiều cặp vợ chồng đã thuê phòng ở hẳn bệnh viện, không dám về cho đến ngày lâm bồn. Thời điểm này, BS Lan và BS Tường chưa lập gia đình nên hầu như thời gian ở bệnh viện là chủ yếu, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật.

“Lúc mới thực hiện IVF tại bệnh viện, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, thuốc gì cũng không có, chẳng hạn như thuốc tiêm kích thích buồng trứng vì Việt Nam chưa làm IVF bao giờ nên không ai nhập về. Như người chiến sĩ ra chiến trường không có vũ khí nhưng chúng tôi có lòng yêu nghề, sự nhiệt tình lăn xả của tuổi trẻ bù lại.

Thời điểm này, danh mục Bộ Y tế cũng không hề có chọc hút phôi, thụ tinh trong ống nghiệm gì cả và chúng tôi cũng không quan tâm làm lãnh bao nhiêu tiền vì 7 giờ sáng vào làm việc quần quật đển 8 giờ tối, ngày nào cũng như ngày nào, không có thời gian mà xài cả tiền”, BS Lan nhớ lại.

bacsi2

 

Mọi quan tâm của cả ekip trong thời gian này là phôi tốt không, bệnh nhân có thai không. Cả ekip đều hồi hộp khi thông báo kết quả chuyển phôi hoặc nín thở theo dõi thai nhi có dấu hiệu bất thường. Áp lực càng đè nặng khi cả xã hội đều biết rằng bệnh viện Từ Dũ đang triển khai kỹ thuật này và trông chờ những đứa bé thụ tinh trong ống nghiệm sẽ ra sao, có giống những đứa trẻ bình thường không.

Những ca chuyển phôi xong quay trở lại thử thai, cả ekip căng thẳng. Như một cái duyên sắp đặt, nếu ở những lần thụ tinh đầu tiên, các chuyên gia người Pháp vừa làm vừa hướng dẫn thì đến lần thứ 8, họ quyết định “buông” và để ekip tại bệnh viện tự làm, họ đứng ngoài giám sát. Không ngờ đây cũng là lần đầu tiên sau khi chuyển phôi bệnh nhân có thai. Khi biết tin, cả ekip nhảy cẫng vui mừng như những đứa trẻ.

Đứa bé được sinh mổ vào ngày 30-4-1998 cùng với hai bé Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo, sau này được đặt tên Phạm Tường Lan Thy, với chữ lót Tường-Lan thay cho lời cảm ơn chân thành và sự biết ơn đối với hai bác sĩ đã giúp họ thỏa mong ước làm cha mẹ bấy lâu, dù lúc này hai người chưa thành vợ chồng.

Đứa bé gái nay đã là cô gái 21 tuổi giỏi giắn được biết đến là “hot girl ống nghiệm” với thành tích học tập nổi bật và đang đi du học ở Nhật như một phần thưởng đối với ekip lúc bấy giờ.

cogai 4

 

Nghiên cứu gây tiếng vang thế giới

Sự đồng cảm, sẻ chia trong công việc đã giúp hai vợ chồng cùng nhau “thăng hoa”, thực hiện những công trình nghiên cứu mang tính bước ngoặt, miệt mài chuyển giao kỹ thuật IVF cho các nơi và thế hệ trẻ, đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam vươn tầm Đông Nam Á và thế giới. Hiện Việt Nam được biết đến là nước thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất Đông Nam Á với hiệu quả cao, giá thành thấp nhất khu vực. 

“Tất cả thực hành đều dựa trên nghiên cứu, bằng chứng. Phần thưởng lớn nhất khi làm khi làm nghiên cứu là khi kết quả nghiên cứu được công nhận, được công bố trên các tạp chí uy tín và nhiều người ứng dụng kết quả của nghiên cứu vào điều trị cho người bệnh”, BS Mạnh Tường và BS Ngọc Lan chia sẻ vì sao cả hai vợ chồng cùng tập trung công việc nghiên cứu nhọc nhằn với mong muốn cung cấp những tư liệu giá trị, giúp ứng dụng rộng rãi, thiết thực.

Thời điểm những năm 2000, việc công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí y học nổi tiếng không có gì xa lạ trên thế giới, tuy nhiên lại là điều lạ lẫm ở Việt Nam. Nhiều năm học tập ở nước ngoài, hơn ai hết, hai vợ chồng hiểu được ý nghĩa của việc công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí này.

Tuy nhiên, do là người tiên phong nên nhóm nghiên cứu rất trầy trật khi gửi bài cho tạp chí. BS Lan nhớ lại cảm giác hồi hộp khi gửi bài cho tạp chí RBMOvề phác đồ điều trị cho bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang với liều thuốc được hạ xuống thấp nhất phù hợp với thể trạng gầy của người Việt Nam được phản hồi khá hụt hẫng bằng hàng chục câu hỏi bắt bẻ, nghi ngờ số liệu.

Bẵng đi một tháng, BS Lan không hề trả lời lại, nhưng khi cơn tự ái qua đi, không muốn để Việt Nam gây ấn tượng xấu, chị kiên nhẫn soạn thư. Thư đi qua lại nhiều lần, đến khi hết vốn liếng trả lời, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục nhận được câu hỏi.

BS Lan thay mặt nhóm phản hồi thư lần cuối: “Những gì tôi đã trả lời là tất cả những gì tôi có” mà không trông chờ bài sẽ được đăng. Bât ngờ vào phút chót khi công trình nghiên cứu được chấp nhận và được đăng trang trọng trên tạp chí. Thông qua bài báo này, nhóm nghiên cứu được biết đến nhiều hơn. Không lâu sau, hội nghị phóng noãn thế giới được tổ chức, hai vợ chồng đã được mời đích danh tham dự  báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm.

Thừa thắng xông lên, nhóm nghiên cứu với sự tham gia của hai vợ chồng và những thành viên nghiên cứu khá trẻ lại tiếp tục nghiên cứu và công bố nhiều đề tài trên các tạp chí y học uy tín trên thế giới. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu này đã có gần 30 bài báo công bố quốc tế.

Gần đây, nhóm nghiên cứu đã gây xôn xao dư luận trong ngoài nước, khi công trình nghiên cứu về trữ phôi đông lạnh hay phôi tươi trong kỹ thuật IVF hiệu quả hơn, được đăng trên tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine (NEJM), một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay trên thế giới. Trước đây cũng từng có những người Việt có bài nghiên cứu được đăng tạp chí này nhưng đây là lần đầu tiên chủ trì dự án nghiên cứu là người Việt Nam.

bacsi4 6

 

BS Lan kể công trình nghiên cứu của nhóm công bố trên New England Journal of Medicine (NEJM), nếu tính từ lúc bắt đầu đến khi bài báo được công bố là gần 4 năm. Theo như thông báo của tạp chí NEJM về cách chọn đăng bài, Mỗi tuần có hàng ngàn bài báo trên khắp thế giới được gửi về và phải trải qua nhiều vòng đánh giá, sàng lọc, phản biện. Chỉ 5% tổng số bài gửi về là được xuất bản.

Giá trị lớn nhất của nghiên cứu là trả lời một câu hỏi lâm sàng, có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa kỹ thuật điều trị của bệnh nhân làm IVF trên toàn thế giới. Các nghiên cứu trước đó về vần đề này chưa đủ dữ liệu và chưa đủ mạnh. Kiến thức mới này giúp các bác sĩ và bệnh nhân có chọn lựa đúng hơn, tăng khả năng thành công và giảm các biến chứng khi làm IVF.

Niềm vui tới tấp khi BS Lan được hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM ký quyết định khen thưởng gần 300 triệu đồng về việc đăng bài báo quốc tế này.

Đây cũng là mức thưởng kỷ lục của Đại học Y Dược TP.HCM và ở Việt cho tác giả một đề tài nghiên cứu trong 70 năm thành lập. Số tiền thưởng này sau đó đã được BS Lan tặng toàn bộ cho Quỹ Giải thưởng Tài năng trẻ Đại học Y Dược TPHCM. Quỹ  này nhằm tạo điều kiện cho các đồng nghiệp trẻ xuất sắc có cơ hội tham gia các hội nghị quốc tế để trình bày kết quả các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam với đồng nghiệp và các nhà khoa học các nước.

“Nghiên cứu trong lĩnh vực Y học sinh sản khó tìm được nguồn tài trợ trong nước. Chúng tôi may mắn được Bệnh viện Mỹ Đức tài trợ cho nhiều đề tài nghiên cứu từ trước đến nay, trong đó có đề tài công bố trên NEJM. Với uy tín của nhóm nghiên cứu ở Việt Nam, chúng tôi có thể sẽ xin được các khoản tài trợ nghiên cứu từ các tổ chức và tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực này”, BS Lan chia sẻ.

bacsi10 8

 

BS Tường cho biết Bệnh viện Mỹ Đức cũng đã thành lập một trung tâm nghiên cứu, hợp tác quốc tế đạt chuẩn. Sau khi nghiên cứu được công bố trên tạp chí NEJM, nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới muốn hợp tác với nhóm nghiên cứu. Việc có trung tâm nghiên cứu, hợp tác quốc tế đạt chuẩn sẽ là điều kiện thuận lợi giúp ra đời các nghiên cứu có giá trị.

IVF Việt Nam rẻ nhất thế giới

Theo BS Tường, trải qua hơn 20 năm gắn bó với công việc IVF, điều hai vợ chồng tự hào là đã giúp kỹ thuật IVF của Việt Nam được ra thế giới. Hiện chi phí cho mỗi ca khoảng 80 triệu đồng, không phải là thấp so với thu nhập của người Việt nhưng vào loại rét nhất thế giới.

Càng có nhiều cặp vợ chồng có khả năng thực hiện kỹ thuật này khi đời sống người dân Việt Nam ngày càng nâng cao.

"Các nước như Campuchia, Indonéia, Malaysia đã có thụ tinh trong ống nghiệm nhưng phải thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Còn ở Việt Nam, chúng tôi tự làm được nên tiết kiệm nhiều chi phí. Ở Campuchia, mỗi ca IVF là 6.000 USD, tương đương 140 triệu đồng. Ở Mỹ, chỉ người giàu mới lo nổi khi chi phí lên đến 25.000 USD...", bác sĩ Tường nói.

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn