• Zalo

Thực hư tác dụng hạ sốt co giật của sừng tê giác

Sức khỏeThứ Năm, 01/08/2019 12:02:00 +07:00Google News

Theo các chuyên gia, sừng tê giác không phải là thần dược, người dân cần cảnh giác với những "bài thuốc truyền miệng", tránh gây nguy hiểm tính mạng con mình.

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, vừa cấp cứu kịp thời bé N.K.A.D. (22 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi) được chuyển vào viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ Methemoglobin của bệnh nhi rất cao, lên đến 30% (chỉ số bình thường là 0-3%). Trước khi nhập viện, bé được bố mẹ cho uống bột mài ra từ sừng tê giác để chữa sốt co giật.

tegiac2

Các nhà khoa học khẳng định sừng tê giác không chứa các chất đặc biệt nào có thể chữa bệnh. (Ảnh: Shutterstock)

Sừng tê giác có tác dụng gì?

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh - Phó khoa phụ trách khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội) - cho hay trong đông y, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Tác dụng của nó là thanh nhiệt từ bên trong. Do đó, đối với các trường hợp sốt cao, khi dùng sẽ có tác dụng giảm nhiệt.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết tác dụng duy nhất của sừng tê giác là hạ nhiệt. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng sừng tê giác bởi có các vị thuốc khác cũng có tác dụng tương tự ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược vừa rẻ lại vừa dễ tìm.

“Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì vừa đắt vừa khó tìm và chúng là động vật quý hiếm cần bảo tồn, cấm sử dụng”, lương y Vũ Quốc Trung cho hay.

Lương y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y Hà Nội, nhận định việc ngộ độc có thể xảy ra khi dùng quá liều lượng. Sừng tê giác là vị thuốc tính hàn, trong trường hợp trẻ nhỏ bị cho uống quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc ngộ độc cũng có thể do các hóa chất khác hoặc sừng tê giác giả.

Theo các chuyên gia, sừng tê giác không phải là thần dược. Do đó, người dân không nên nghe những lời đồn thổi vô căn cứ, từ đó sử dụng để gây nguy hiểm đến tính mạng của con em mình.

Làm gì khi bị sốt co giật?

TS.BS Trần Văn Học, Chủ tịch công đoàn, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay: “Không có bằng chứng khoa học về tác dụng của sừng tê giác trong chữa bệnh cũng như hạ sốt co giật. Tây y không khuyến khích chữa bệnh bằng sừng tê giác”. Tuy nhiên, TS Học cũng cho rằng không có bằng chứng về việc bệnh nhi trên ngộ độc là do sừng tê giác.

Theo chuyên gia này, sốt co giật đa phần là lành tính, thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi, trong đó, giai đoạn từ 12-24 tháng là gặp nhiều nhất.

“Sốt cao co giật là tình dạng co giật do sốt. Đa phần không phải sốt do bệnh nhiễm trùng thần kinh mà do virus nên khá lành tính. Sốt do nhiễm trùng cũng gây nhưng ít. Có tới 30% trẻ có co giật do sốt trong đời nên người dân không nên quá lo lắng”, TS Học cho hay.

Khi trẻ bị sốt cao, cha mẹ có thể áp dụng nhiều cách để hạ nhiệt như dùng thuốc, nới lỏng quần áo để thoáng mát, cho uống nhiều nước, bù điện giải. Trường hợp sốt cao lâu ngày không hạ, có diễn biến khó lường, cha mẹ cần sớm đưa con tới các cơ sở y tế. 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn