Chị Nguyễn Thu Hiền ở TP.HCM chia sẻ, chị bị viêm xoang hơn 20 năm, sau 3 liệu trình cấy chỉ vào huyệt, các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi gần như biến mất.
Theo chị Hiền, chị bị “hành hạ” bởi bệnh viêm xoang đã lâu. Ban đầu, chị có chữa nhưng chỉ giảm triệu chứng trong thời gian dùng thuốc, không dùng nữa lại tái phát. Chị có thể bị hắt hơi, sổ mũi bất kì lúc nào, nhất là sáng sớm, mới ngủ dậy.
Vì nghĩ rằng, bệnh của mình do thời tiết ngoài miền Bắc nóng ẩm nên bao năm nay chị "sống chung với lũ". Nhưng từ năm 2016, gia đình chị chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM, thay đổi không khí mà bệnh của chị vẫn không có dấu hiệu giảm.
Chị Hiền đã tìm hiểu và biết về phương pháp cấy chỉ vào huyệt để chữa bệnh. Để thực hiện phương pháp này, chị chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 3 triệu đồng cho 3 lần điều trị (mỗi lần cách nhau 3 tuần).
Ngay lập tức, thông tin trên được lan tỏa chóng mặt trên các trang mạng xã hội về phương pháp chữa bệnh được cho là khá "lạ lẫm" này.
Trước sự việc trên, PV báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với BS Vũ Thái Bình - Bệnh viện Châm cứu Trung ương để làm rõ thêm về phương pháp chữa bệnh này.
BS Bình cho biết, cấy chỉ là một phương pháp chữa bệnh đặc biệt, không dùng thuốc của châm cứu Việt Nam, bao gồm: chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ và thắt buộc chỉ…
Đây là phương pháp đưa chỉ Catgut (chỉ tự tiêu) vào huyệt châm cứu của hệ thần kinh nhằm duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu.
Chỉ Catgut cấy vào huyệt vị có tác dụng làm tăng protein, hydratcarbon và tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ, nhờ có kích thích liên tục ở huyệt vị mà cải thiện tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ hoặc vùng bị liệt của bệnh nhân.
“Để điều trị viêm mũi dị ứng, bác sĩ sẽ dùng một loại chỉ tự tiêu. Tính chất của loại chỉ này là một kháng nguyên được đưa vào cơ thể, nhằm kích thích cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại những yếu tố gây bệnh, trong đó có yếu tố dị ứng”, BS Bình nói.
Cũng theo BS Bình, nếu người bệnh bị viêm mũi mủ thì chắc chắn phải dùng kháng sinh.
Nhưng viêm mũi do thời tiết, hắt hơi, sổ mũi hoặc viêm mũi dị ứng thì có thể dùng phương pháp này. Bởi kháng nguyên được đưa vào cơ thể trước đó có thể kháng lại tất cả các yếu tố mang tính dị ứng.
“Tuy nhiên, điểm đặc biệt của phương pháp này đó là, khi được đưa vào các huyệt, chỉ Catgut sẽ có thời gian để tiêu hết, thường trong khoảng từ 2 – 3 tuần.
Sau đó, người bệnh sẽ đi để cấy lại cho tới bao giờ cơ thể hình thành được một kháng thể mang tính bền vững thì dừng”, BS Bình nhấn mạnh.
Hiện nay, nhờ sự phát triển của khoa học hiện đại, cấy chỉ không chỉ dừng lại ở việc chữa các chứng viêm mũi dị ứng thông thường mà còn có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý đáng chú ý khác như: tự kỷ, hen suyễn, liệt người, đau xương khớp và các bệnh về viêm mũi, viêm xoang, cận thị hay rối loạn tiền đình…
Theo các chuyên gia, phương pháp cấy chỉ chữa bệnh là một phương pháp khá đơn giản, an toàn và nhanh chóng. Mỗi lần điều trị, người bệnh sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 15 – 30 phút.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở y tế có uy tín với quy trình đảm bảo vô khuẩn tốt để tránh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, sau khi cấy chỉ, người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 10 – 15 phút cho ổn định, sau đó mới tiếp tục đi lại sinh hoạt bình thường. Nhưng lưu ý, bệnh nhân nên tránh các hoạt động mạnh và kiêng ăn những thực phẩm có tính tanh như tôm, mực, cua, cá hay các loại đồ ăn nếp.
Video: Cấy chip vào tay nhân viên để làm việc hiệu quả hơn
>>> Đọc thêm: Quả cà tím có thể phòng ngừa ung thư?
Bình luận