Ở Trung Quốc, tình trạng bé gái trong độ tuổi vị thành niên mang thai và sinh con ngày càng tăng cao. Điều này dấy lên hồi chuông báo động với cha mẹ, nhà trường và cả xã hội. Bởi hậu quả của vấn nạn này rất nặng nề.
Hai triệu bé gái dưới 15 tuổi ở Trung Quốc sinh con mỗi năm
Theo Sohu, tháng 1, cô bé 16 tuổi họ Hoàng ngụ tại Quảng Tây, Trung Quốc sinh con sau ca chuyển dạ diễn ra ngay tại lớp học. Điều nhiều người quan tâm là nhà trường và gia đình không ai hay biết em đang mang thai.
Ông Hoàng, cha nữ sinh, tiết lộ gia đình khá khó khăn, ông và vợ đã li dị nhiều năm, một mình nuôi con ăn học. Thường ngày, ông đi làm công nhân ngoại tỉnh, con gái học trường nội trú từ đầu năm cấp 3. Hai bố con rất ít gặp nhau.
Sống trong môi trường không được quản lý nghiêm khắc và dạy dỗ để có nhận thức đúng đắn về tình yêu, tình dục, nữ sinh này đã "đi quá giới hạn" với bạn trai mà không dùng biện pháp tránh thai. Theo cô bé, em không biết chia sẻ cùng ai, sợ mọi người bàn tán nên quyết định giấu chuyện mình mang thai.
Năm 2018, CCTV phát rất nhiều hình ảnh các bà mẹ nhí mang thai ở tuổi vị thành niên, nhiều em chưa bước qua tuổi 20 nhưng đã 2 con.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018 về tình trạng các bé gái sinh con ở tuổi vị thành niên, mỗi năm, Trung Quốc có hơn 7 triệu trường hợp, chiếm 95% tỷ lệ trẻ vị thành niên sinh con trên toàn thế giới. Đặc biệt, hơn 2 triệu trường hợp là các bé dưới 15 tuổi.
Ở Trung Quốc, các nữ sinh rơi vào hoàn cảnh phải trở thành "bà mẹ nhí" thường có tâm lý sợ hãi không dám nói thật, gia đình cũng e ngại, lo lắng dư luận bàn tán, không dám công khai. Do đó, tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên khá phổ biến, nhưng chỉ một số ít được truyền thông nhắc đến.
Mối nguy hiểm khi trở thành mẹ nhí
Sinh đẻ ở tuổi vị thành niên gây ảnh hưởng tiêu cực đến những bà mẹ nhí cả về thể chất và tinh thần. Các em sinh con khi chức năng cơ quan sinh dục chưa đủ độ chín, thiếu kinh nghiệm chăm sóc trong thai kỳ, dễ dẫn đến biến chứng như sẩy thai, băng huyết, đẻ non... Tổn hại về tinh thần đối với các nữ sinh này thường xuất phát từ sự phán xét của bạn bè và người xung quanh. Thậm chí, nhiều em còn bị trầm cảm, rối loạn tâm thần vì không chịu được áp lực.
Đa số bà mẹ nhí xuất thân từ vùng nông thôn, vùng núi lạc hậu và có điều kiện kinh tế gia đình kém. Sự xuất hiện của đứa trẻ sẽ làm tăng thêm gánh nặng của gia đình. Ở đó, chúng được coi như "vị khách không mời" nên thường không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ mẹ và gia đình. Thực tế, rất nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bởi người mẹ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bình luận