• Zalo

Nhảy xuống hồ bơi, bé trai 5 tuổi phải cấp cứu khẩn cấp

Sức khỏeThứ Tư, 19/06/2019 13:39:00 +07:00Google News

Tai nạn khiến bé trai lâm tình trạng khó thở, ho nhiều, mệt mỏi, phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa Saint Paul vừa cấp cứu thành công cho bé trai 5 tuổi bị đuối nước do nhảy xuống hồ bơi.

gia đình cho biết, chiều 12/6, bé được cha mẹ đưa đến đăng ký học bơi tại một trung tâm. Trong khi chờ phụ huynh trao đổi với thầy giáo, do hiếu động, bé bất ngờ nhảy xuống bể bơi. Nhân viên cứu hộ kịp thời phát hiện và nhanh chóng sơ cứu, đưa bé tới bệnh viện.

1

 Bé trai đang được kiểm tra lại sức khỏe sau khi bị đuối nước do nhảy xuống hồ bơi. (Ảnh: BVCC)

Kết quả thăm khám, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị viêm phổi phải. Bệnh nhi được chỉ định điều trị tích cực 5 giờ đồng hồ bằng kháng sinh và bổ sung dinh dưỡng, tiếp tục theo dõi thể trạng.

Thông tin về ca bệnh, bác sĩ Nguyễn Đăng Hải – khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul cho biết, thông thường, những bệnh nhân trong tình trạng tương tự đều có thể diễn biến nặng trong 3 – 5 ngày tiếp theo do viêm phổi tiến triển. Vì vậy, bệnh nhi cần theo dõi sát sao cho đảm bảo sức khỏe mới có thể ra viện.

Sơ cứu trẻ bị đuối nước như thế nào?

Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tai nạn này có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước...

Thời điểm vàng để cứu người bị đuối nước

Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm do phản xạ, thậm chí thiếu oxy, tăng nhịp tim, huyết áp, rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia nếu tình trạng ngạt thở trên kéo dài từ 20 giây tới 2 hoặc 5 phút sẽ khiến nước hít vào trong, gây co thắt thanh quản, ngừng thở lần 2, nước và dị vật bị hít vào phổi gây nhịp tim chậm dần, rối loạn nhịp và thiệt mạng ngay sau đó.

Do vậy, để cứu bệnh nhân bị đuối nước, cần phải làm nhanh chóng khoảng thời gian từ 1 đến 4 phút (cơn ngừng thở đầu tiên) mới có hy vọng.

2

  Nếu trẻ không còn thở cần nhanh chóng cấp cứu bằng hà hơi thổi ngạt. (Ảnh: Vietnammoi)

Phương pháp sơ cứu

Để cấp cứu có hiệu quả bệnh nhi bị đuối nước, mọi người cần cấp cứu tại chỗ theo các bước:

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực trẻ không di động thì việc cần làm là phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng). Bởi lúc này, trẻ đã lâm vào tình trạng ngừng thở.

Trong quá trình thổi ngạt, cần chú ý quan sát, kiểm tra tiếng tim đập của trẻ có hay không bằng cách bắt mạch bẹn, mạch cảnh hoặc áp tại vào lồng ngực nghe tiếng tim đập.

Trường hợp mạch của trẻ không đập thì cần kết hợp hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực theo tỷ lệ 15/2 (ép vị trí ½ dưới xương ức phải, ép 15 cái lại thổi ngạt 2 cái). Sau đó tiếp tục sơ cứu liên tục như vậy trong khoảng thời gian đưa trẻ tới bệnh viện.

Đối với trường hợp trẻ vẫn còn tự thở được cần cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, cởi bỏ quần áo trước, tìm cách giữ ấm cho trẻ rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để tránh lâm tình trạng khó thở tái phát.

3 3

  Nếu mạch của trẻ không còn đập cần kết hợp phương pháp hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. (Ảnh: Vietnamoi)

Sai lầm cần tránh khi sơ cứu trẻ đuối nước

Không nên dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai chạy, điều này sẽ làm mất đi thời gian sơ cứu, hô hấp cho trẻ.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn