Tại khoa Thận Nhân tạo- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, từ tháng 5 đến ngày 12/8, thường xuyên ghi nhận có những phản ứng bất thường trong quá trình chạy thận nhân tạo. Trong đó, riêng ngày 12/8, 7 bệnh nhân trong quá trình lọc máu chạy thận có triệu chứng sốt, rét run.
BS CKII Lại Đức Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, hiện tượng này trước đây chưa từng xảy ra ở bệnh viện. Bên cạnh đó, phản ứng bất thường này xuất hiện rải rác, không liên tiếp khiến việc tìm ra nguyên nhân rất khó khăn.
“Trong quá trình chạy thận nhân tạo, phản ứng rét run xuất trên người bệnh lúc ở máy này, lúc máy khác, không cùng thời điểm, không có quy luật. Trên 1 người bệnh có thể tuần này họ bị, sau đó cách 1 tuần nữa họ mới bị rét run trở lại, họ không bị liên tục nên việc tìm ra nguyên nhân xảy ra biến chứng trong chạy thận nhân tạo cũng rất khó khăn cho bệnh viện”- ông Trí nêu rõ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình chỉ đạo dừng chạy thận cho những bệnh nhân có biểu hiện không bình thường và áp dụng các biện pháp xử lý. Đồng thời, bệnh viện cũng chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình chạy thận, kiểm tra tất cả các đầu nối, hệ thống nước, xử lý hóa chất... Ngay sau đó, Bệnh viện cũng mời các chuyên gia của khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai xuống hỗ trợ bệnh viện trong 10 ngày.
Sau khi khảo sát, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu bệnh viện khắc phục một số việc như: thay toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước; khử khuẩn, sục rửa trang thiết bị liên quan tới chạy thận dưới sự giám sát của chuyên gia.
“Các chuyên gia giúp bệnh viện thay một loạt đường ống dẫn nước, van nước có thể do thời gian bị oxy hóa ảnh hưởng đến quá trình chạy thận. Sau khi kiểm tra, xét nghiệm các thông số đạt yêu cầu, chúng tôi tiếp tục cho bệnh nhân chạy tiếp. Tuy nhiên, diễn biến rất phức tạp, khoảng 1 tuần, lại xuất hiện rải rác bệnh nhân có phản ứng rét run tại thời điểm xen kẽ, không có quy luật”- ông Trí cho biết.
Bệnh viện đã thông tin đến người bệnh cụ thể, rõ ràng về những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình chạy thận để người bệnh được biết, chủ động. Bệnh viện đồng thời xin ý kiến của chuyên gia tiếp tục cải tạo, kiểm tra các quy trình, tất cả đều nhằm hướng tới đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Chấp nhận rủi ro để được chạy thận
Sau khi xảy ra những sự cố trong quá trình chạy thận, ngày 26/8/2019, tại khoa Thận Nhân tạo của Bệnh viện, vẫn có nhiều bệnh nhân được lọc máu.
10 năm nay, bệnh nhân Trương Văn Lượng (33 tuổi, ở huyện Vũ Thư, Thái Bình) cứ 1 tuần 3 lần cùng mẹ lên Bệnh viện Đa khoa Thái Bình chạy thận nhân tạo. Bà Phạm Thị Lý (mẹ của bệnh nhân Lượng) chia sẻ, con trai bà chạy thận ở bệnh viện 3 năm nay. Đầu tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên con trai bà bị rét run khi đang chạy thận, khiến bà vô cùng sợ hãi và lo lắng.
"Đang chạy thận được khoảng 20 phút thì con tôi bị sốt rét, người run lên khoảng 3-5 phút. Ngay khi sự cố xảy ra, các bác sĩ dừng chạy thận để xử lý”- bà Lý nói.
Bà Lý cũng chia sẻ, sau khi sự cố xảy ra, các bác sĩ cũng gặp bệnh nhân và gia đình người bệnh để chia sẻ, đồng thời khuyên người bệnh nếu có điều kiện thì chuyển sang đơn vị khác để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, kinh tế gia đình khó khăn, điều kiện đi lại, ăn ở tốn kém, vì vậy dù biết nguy hiểm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng cũng đành phải chấp nhận.
“Con trai tôi và nhiều bệnh nhân khác chạy thận ở đây từ lâu rồi. Giờ bảo chuyển đi nơi khác, bảo hiểm không có, điều trị vô cùng tốn kém. Ai chạy thận cũng phải làm cam kết”- bà Lý nói.
Bệnh nhân Đinh Xuân Sau (68 tuổi, ở huyện Hưng Hà) chạy thận được khoảng 2 năm tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cũng chưa từng bị phản ứng sốt, rét run. Người nhà ông Sau chia sẻ, từ khi xảy ra sự cố, ông Sau đã 2 lần bị rét run khi chạy thận.
Bà Hiền (vợ của ông Sau) cho biết, gia đình cũng được bệnh viện thông tin hệ thống chạy thận hiện không an toàn và khuyên gia đình tìm cơ sở khác. Tuy nhiên, sức khoẻ của ông Sau quá yếu, điều kiện không cho phép đi xa và cũng không tìm được cơ sở khác tiếp nhận nên gia đình bà đành phải chấp nhận, ký cam kết để tiếp tục được chạy thận.
"Bệnh nhân thận mãn tính, đã mắc bệnh thì phải phó thác tất cả cho bác sĩ. Cứ đều đặn 3 lần 1 tuần nên chồng tôi và gia đình coi bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân. Nếu không được chạy thận thì chỉ có đường chết "- bà Hiền (vợ bệnh nhân Sau) chia sẻ.
Ông Lại Đức Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho biết, hiện bệnh viện có gần 250 bệnh nhân chạy thận, với hơn 100 ca/ngày. Bệnh viện có 34 máy chạy thận nhân tạo.
Theo BS Trí, mặc dù thông tin tới bệnh nhân, đồng thời báo cáo các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với người bệnh, sự lựa chọn của họ gần như rất khó khăn, vì bệnh nhân chạy thận là bệnh mãn tính phải điều trị dài ngày, liên tục, điều kiện kinh tế khó khăn.
Hai phương án được cho là tối ưu được bệnh viện đưa ra, là nếu bệnh nhân tiếp tục lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình thì đồng ý chấp nhận mọi rủi ro xảy ra; phương án 2 là không đồng ý.
Bình luận