Đại diện Bộ Y tế cho biết, sắp tới Bộ sẽ triển khai thêm Đề án hướng tới y tế xã phường gồm có tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và luân chuyển cán bộ từ tuyến huyện, tỉnh, thậm chí tuyến Trung ương xuống tuyến xã phường nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, y tế dự phòng, điều trị và nhân lực.
Đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn ngân sách địa phương… để đối mới cơ sở hạ tầng, nâng cao trang thiết bị, giúp người dân tin tưởng đến trạm y tế xã, phường - nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trong năm 2018, Bộ cũng sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 trạm y tế xã đạt chuẩn về chất lượng khám chữa bệnh. Năm 2019, mỗi tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại ít nhất 15% số trạm y tế trên địa bàn để đến năm 2023 tất cả các trạm y tế trong cả nước đều đạt chuẩn.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến nêu rõ, hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã nên vượt tuyến không cần thiết. Có tới 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do trạm y tế xã chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiều người chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe; khám, phát hiện sớm còn yếu, có bệnh mới chữa.
Một nguyên nhân khác chính là do hiện nay nhân lực tại nhiều trạm y tế xã còn thiếu và yếu. Để thay đổi điều này, trước mắt cần phải liên thông trạm y tế xã với bệnh viện huyện.
Thực tế thì hiện nay, Bộ Y tế đã đề nghị 26 trạm y tế xã ký kết với bệnh viện tuyến trung ương, trung tâm y tế huyện. Theo đó, cán bộ y tế, bác sĩ tại các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến trung ương trực tiếp xuống trạm y tế xã “cầm tay chỉ việc” trong giai đoạn đầu. Như vậy, người dân mới tin tưởng và đến trạm y tế xã khám, chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chúng ta phải hướng đến chăm sóc sức khỏe dự phòng ban đầu, phòng chống các bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư, tiểu đường, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ trẻ em ngay từ trong cộng đồng. Công tác chăm sóc phải thực hiện gần dân nhất, hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất.
Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và giờ khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.
Nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản.
Bình luận