Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sáng 14/7, bệnh viện cấp cứu cho bé gái 8 tháng tuổi ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Bé nhập viện trong tình trạng không có mạch đập, không có huyết áp, tái nhợt, sốc mất máu biến chứng nặng. Bé có vết thương ở vùng thái dương phải, lóc da vùng chẩm, lộ tổ chức não, chảy máu rất nhiều.
Ngay khi đón nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức cấp cứu tại chỗ.
"Chúng tôi phải mở tĩnh mạch truyền dịch, bù dịch, đồng thời ép tim, dùng thuốc trợ tim, phối hợp cầm máu đồng thời. Dù rất nỗ lực nhưng do bệnh nhân còn nhỏ, lại mất máu nhiều, tĩnh mạch xẹp, nên sau 2 tiếng đồng hồ cấp cứu, bệnh nhi vẫn không có tiến triển, gia đình xin đưa bé về nhà", TS.BS Lê Việt Khánh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa cho biết.
Theo lời chia sẻ từ gia đình, bé gái bị chó ngao cắn chỉ mới tròn 8 tháng tuổi, nặng khoảng 10kg. Còn con chó tấn công cô bé nặng tới 40kg, là giống chó ngao Tây Tạng. Ngay khi sự việc xảy ra, mẹ bé lao vào cứu, tách con mình ra khỏi con chó dữ rồi vội vàng đưa con tới thẳng Bệnh viện Việt Đức, chính bản thân chị cũng bị con chó cắn vài nhát vào tay.
Theo BS Khánh, các chấn thương do vật nuôi cắn trẻ em là rất nặng nề, vì thế, gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo.
Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly con vật với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Đưa chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văc-xin ngừa bệnh dại định kỳ.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, thực tế xảy ra nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng, do đó, gia đình không được để trẻ một mình trong khoảng cách không an toàn với vật nuôi. .
Khi bị chó, mèo cắn chảy máu, người nhà sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu (trong trường hợp chảy máu) rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.
Bình luận