Ung thư phổi nguy hiểm thế nào?
Theo các chuyên gia, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cứ năm người chết vì ung thư thì có một người mắc ung thư phổi.
Hiện thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc ung thư phổi mỗi năm; 1,6 triệu người chết. Con số này cao hơn người chết của 3 loại ung thư là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả nam và nữ, đây cũng là nguyên nhân gây chết người hàng đầu. Thậm chí, bệnh có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi do thói quen hút thuốc lá.
Theo TS BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, ở nước ta hiện có khoảng 10 - 20% bệnh nhân bị ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Ngay từ đầu, bệnh có những triệu chứng rất khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác, tới khi phát hiện thì đã muộn, tỷ lệ thiệt mạng cao.
Dấu hiệu nào cảnh báo ung thư phổi?
Theo GS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, người nào có dấu hiệu tức ngực, ho kéo dài điều trị không dứt thì nên nghĩ ngay tới bệnh ung thư phổi.
Thống kê cho thấy, 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho dai dẳng, có đờm (đờm trắng, nhiều đờm), khó thở khi cố gắng vận động, đau ngực, thậm chí ho ra máu (giai đoạn muộn).
Ngoài ra, bệnh nhân bị ung thư phổi cũng có những biểu hiện như đau đầu (bệnh di căn não), đau xương sườn (di căn xương), đau xương sống, mệt mỏi, sút cân…
Các chuyên gia cho biết, đa số bệnh nhân bị ung thư phổi do tiếp xúc với không khí ô nhiễm, các hóa chất độc hại, khói thuốc lá hay rượu bia… Đáng chú ý, có tới 90% bệnh nhân bị ung thư phổi do tiếp xúc hoặc hút thuốc lá lâu năm. Người có thói quen hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 10 lần so với những người không hút.
Để ngăn ngừa và chẩn đoán sớm ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, qua đó tầm soát ung thư phổi và chụp phổi 6 tháng/lần để phát hiệu những dấu hiệu lạ, nhất là đối với những nam giới tuổi trên 50 có tiền sử hút thuốc lá.
Ngoài ra, người dân cũng nên tự tập cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống có nhiều rau xanh, trái cây tươi, khoáng chất, tránh xa rượu bia, khói thuốc lá hay môi trường không khí, hóa chất độc hại và tập thể dục, rèn luyện thể thao thường xuyên để có một thể trạng tốt, chống chọi với bệnh tật.
Video: Diễn viên Mai Phương phục hồi nhanh sau khi nhập viện điều trị ung thư phổi
Bình luận