• Zalo

Chuyên gia chỉ rõ chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư

Sức khỏeThứ Ba, 26/11/2019 16:11:00 +07:00Google News

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa sự phá hủy mô cơ thể do khối u, cũng như phục hồi tái tạo các mô mới cho bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Tầm quan trọng của bữa ăn cho bệnh nhân ung thư

Từ lâu, chế độ ăn lành mạnh luôn được các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người áp dụng để giúp cơ thể hoạt động ở trạng thái tốt nhất, tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật. Điều này càng trở lên quan trọng hơn với người mắc bệnh ung thư đang phải trải qua quá trình điều trị khó khăn.

Theo Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hương, khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân khi bước vào quá trình điều trị ung thư, việc phải làm sao để duy trì sức khỏe và năng lượng cần thiết để tăng khả năng chống chọi lại các bệnh viêm nhiễm là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Do vậy, chế độ ăn uống hợp lý không chỉ có ích trong việc tăng sức đề kháng cho cơ thể, mà còn giúp bệnh nhân có thêm sức mạnh chiến thắng bệnh tật.

“Chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa được sự phá hủy mô cơ thể do khối u cũng như phục hồi tái tạo các mô mới. Người bệnh ăn uống tốt có khả năng đối phó với các tác dụng phụ do điều trị, qua đó tăng khả năng dung nạp với các liệu pháp điều trị tốt hơn.

Thực tế một số phương pháp điều trị ung thư có khả năng hoạt động tốt ở những bệnh nhân có chế độ nuôi dưỡng tốt, cũng như được cung cấp đủ lượng calo, protein cần thiết”, chị Hương nói.

2

 Một chế độ ăn lành mạnh, khoa học giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Theo chị Hương, trong suốt quá trình điều trị ung thư, cơ thể người bệnh luôn cần bổ sung thêm lượng calo và protein để duy trì cân nặng cũng như hồi phục cơ thể nhanh chóng.

Nếu bị giảm cân trong quá trình điều trị, người bệnh có thể cân nhắc thêm một số đồ ăn nhẹ. Mặc dù bữa ăn lành mạnh là cần thiết nhưng một số đồ ăn nhẹ có lợi ích riêng, giúp đảm bảo sức khỏe và lượng năng lượng cần thiết cho người bệnh trong giai đoạn điều trị.

“Dù đây là nguồn thực phẩm không hoàn toàn có lợi nhưng nó chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, và khi các tác dụng phụ do điều trị biến mất, người bệnh lại quay trở về với chế độ ăn uống khoa học hơn.

Điểm lưu ý ở đây là khi có thể ăn uống bình thường và duy trì được cân nặng phù hợp thì người bệnh không cần phải bổ sung bằng đồ ăn nhẹ”, điều dưỡng Hương nhấn mạnh.

Người ung thư nên ăn thế nào?

Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hương, để đảm bảo sức, nâng cao thể trạng và sức đề kháng chống chọi với bệnh tật, người bệnh ung thư nên lựa chọn các loại thức ăn nguồn gốc từ thực vật. Thay vì ăn thịt, bệnh nhân nên thử ăn các loại đậu, đặc biệt là đậu Hà Lan vài bữa ăn mỗi tuần.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần cố gắng mỗi ngày uống 2,5 cốc nước trái cây và rau quả, như các trái cây thuộc họ cam quýt, các loại rau có màu xanh đậm và vàng đậm. Nước uống này chứa nhiều chất tăng cường sức khỏe tự nhiên.

Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế thực phẩm giàu chất béo, nhất là có nguồn gốc từ động vật. Chọn sữa và các sản phẩm từ sữa có hàm lượng ít chất béo. Thực hiện chế biến, nấu nướng phù hợp để giảm lượng chất béo trong bữa ăn và chế ăn các loại thịt ướp muối, ngâm giấm hay thịt hun khói.

“Cố gắng giữ trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp và duy trì các hoạt động thể chất. Thay đổi nhỏ về cân nặng trong quá trình điều trị là điều mà bạn không cần quá lo lắng”, điều dưỡng Hương nói.

Với đồ ăn nhẹ, theo điều dưỡng Hương, bệnh nhân cần luôn mang theo bên mình những đồ ăn nhẹ giàu protein, dễ chế biến và sử dụng như: sữa chua, sữa và ngũ cốc, bánh Sandwich, một bát soup, phô mai, bánh quy.

Người bệnh cần tránh các đồ ăn làm nặng thêm các tác dụng phụ của bệnh, ví dụ như nếu bị tiêu chảy thì không nên ăn bỏng ngô và các loại rau củ quả sống. Nếu bị đau họng, tránh ăn các loại đồ khô, cứng, hoặc thực phẩm có tính axit…

Một số đồ ăn nhẹ dễ sử dụng và tiện lợi người bệnh cần lưu ý bao gồm: ngũ cốc, phô mai, bánh quy, bỏng ngô, trái cây (tươi, khô, đóng hộp), hoa quả dầm, nước ép hoa quả, sữa chua, các loại sữa, kem, các loại hạt, bánh trứng sữa, bánh pudding, sandwich, súp, rau salad…

3

 Tập luyện thể dục, rèn luyện thể chất là biện pháp nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Đặc biệt, để tăng cường lượng calo và protein cho cơ thể trong quá trình điều trị, điều dưỡng Hương cho rằng, người bệnh cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ (kèm đồ ăn nhẹ) thay vì chỉ ăn 3 bữa như trước.

“Bạn có thể ăn món ăn mà bạn thích bất cứ thời điểm nào trong ngày, ví dụ như bữa ăn sáng có thể áp dụng cho bữa tối nếu như bạn cảm thấy thèm ăn. Cứ vài giờ bạn lại chủ động ăn, không cần phải đợi đến lúc đói. Khi cảm thấy đói nhất, hãy coi bữa ăn lúc ấy là bữa ăn chính, ăn được càng nhiều càng tốt”, điều dưỡng Hương khuyến cáo.

Để đảm bảo đủ năng lượng cần thiết, người bệnh ung thư nên ăn các loại thức ăn giàu calo và protein như: các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa các loại, kem, khoai tây, bánh mì, rau, trái cây, sinh tố, thịt, súp, trứng (nên ăn trứng được nấu chín kỹ), thịt, cá, các loại đậu, quả và các loại hạt. Thực phầm nhiều calo: bơ, các sản phẩm sữa, nước sốt trộn salad, một số đồ ngọt (mứt, mật ong, kẹo, kem…)

Hoạt động thể chất và tập thể dục cũng là việc cần lưu ý đối với người bệnh đang điều trị ung thư.

“Đi bộ nhẹ nhàng và hoạt động thể chất có rất nhiều lợi ích bởi nó giúp duy trì sức mạnh, và khả năng chịu đựng của cơ, xương. Thói quen này còn làm giảm trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi, giảm buồn nôn, táo bón, đặc biệt là giúp người bệnh ăn ngon hơn.

Hãy trao đổi với bác sĩ, nếu được bệnh nhân có thể tập những bài tập nhẹ nhàng, 5-10 phút mỗi ngày, khi có thể nên cố gắng đạt mục tiêu 150 phút mỗi tuần. Tuy nhiên, cần phải lắng nghe cơ thể của chính mình, để có chế độ tập luyện hợp lý, nghỉ ngơi khi cần thiết”, điều dưỡng Hương nhấn mạnh.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn