• Zalo

Căn bệnh cứ 7 giây lại có 1 người chết đang ngày càng trẻ hóa

Sức khỏeThứ Hai, 10/09/2018 07:12:00 +07:00Google News

Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) hiện nay trên thế giới là một trong nhóm 7 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người bệnh.

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, cứ 7 giây lại có một người chết vì ĐTĐ, tính riêng năm 2014 có khoảng 4,9 triệu người thiệt mạng do ĐTĐ gây nên. Đáng chú ý, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa.

Ở Việt Nam, dù số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng nhanh nhưng do tâm lý chủ quan, nhiều người đang coi thường tính mạng của mình thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo.

Tại nước ta hiện nay, có khoảng 3,5 triệu người trưởng thành mắc ĐTĐ, tương đương 6% dân số, cự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc bệnh. Trong đó, có không ít người có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí ghi nhận còn có cả trẻ em mắc bệnh ĐTĐ.

37500303_2454261321267701_5769812353382088704_n 4

 Số người mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng tăng trong nhiều năm gần đây. (Ảnh: Phạm Quý)

Theo TS. BS Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trước đây (20 – 30 năm), những ca bệnh ĐTĐ ở Việt Nam tương đối hiếm, người mắc bệnh thuộc týp 2 thường chỉ nằm ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng người trẻ bị bệnh ĐTĐ không còn lạ, thậm chí người bệnh dưới 13 tuổi khá phổ biến.

“Ngày nào cũng có khả năng cao gặp những người bị bệnh týp 2 ở dưới tuổi 30, thậm chí là cả lứa tuổi thiếu niên. Những bệnh nhân này chủ yếu là bị thừa cân, béo phì vì di truyền và ít vận động.

Không chỉ có vậy, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính…”, BS Toàn nói.

2100-2357264 3

  Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh bị đái tháo đường cần tuyệt đối tuân theo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đúng theo chỉ định của các bác sĩ. (Ảnh: Phạm Quý)

Nhận định về nguyên nhân gây ra tình trạng trên, BS Toàn cho biết, do kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua được cải thiện rất nhiều nên chế độ ăn uống được tăng cao hơn, khiến cho dinh dưỡng trong cơ thể bị dư thừa.

Bên cạnh đó, tỉ lệ người trẻ bị béo phì và lười vận động ngày càng có dấu hiệu bùng phát nên xuất hiện không ít trường hợp thanh thiếu niên dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã mắc bệnh ĐTĐ.

“Ở giai đoạn tiền ĐTĐ, hầu hết những người trẻ tuổi đều cảm thấy khỏe mạnh, không có biểu hiện gì quá khác biệt. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì việc tăng cân, ăn uống thiếu lành mạnh và ít rèn luyện sức khỏe thì chỉ trong khoảng một vài năm sau, bệnh sẽ thành ĐTĐ thực sự.

Lúc này, bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn, uống nước nhiều hơn, và cân nặng bắt đầu giảm, gây hại cho sức khỏe”, BS Toàn nhấn mạnh.

Trước tình trạng báo động trên, BS Toàn đưa ra khuyến cáo với người dân, bệnh ĐTĐ là bệnh tương đối nguy hiểm, lâu ngày dễ dẫn tới thiệt mạng, chính vì vậy, việc phòng và tránh bệnh là một việc rất cần thiết.

Trong sinh hoạt, nếu không may bị ĐTĐ, người bệnh nên cố gắng ăn uống theo chế độ đặc biệt mà các bác sĩ chỉ định, tránh ăn những thức ăn có lượng đường cao và có nhiều tinh bột.

Ngoài ra, bệnh nhân cần tự rèn luyện cho bản thân thói quen chăm chỉ vận động, tập luyện và sinh hoạt lành mạnh theo khoa học để không bị tăng lượng đường huyết và bảo vệ sức khỏe.

Video: Thói quen ăn uống sai lầm dẫn đến bệnh đái tháo đường

>>> Đọc thêm: 'Cấy chỉ' chữa xoang: 'Không ai có thể tùy tiện cấy chỉ cho bệnh nhân'

Phạm Quý

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới