• Zalo

Bác sĩ tương lai căng thẳng trong năm cuối Y khoa

Sức khỏeThứ Hai, 19/08/2019 07:32:00 +07:00Google News

Quá trưa 18/8, Hoàng Thu Thảo lớp Y6 vẫn cặm cụi ở hành lang Đại học Y Hà Nội, đọc lại ghi chú sau buổi học lâm sàng tại viện.

Hơn một tiếng đồng hồ nữa, Thảo lại lên giảng đường để tiếp tục buổi học chiều. Tháng 8 này, Thảo bước sang năm học thứ 6 chuyên ngành bác sĩ đa khoa và sẵn sàng với kỳ thi bác sĩ nội trú. 

"Ngày nào cũng sáng đi viện, chiều học ở trường, tối tự ôn kiến thức. Nhiều đêm phải chong đèn học đến sáng để nhớ kiến thức nếu không hôm sau đi lâm sàng ở bệnh viện sẽ không nắm được triệu chứng bệnh và không hỏi được bệnh nhân", Thảo nói.

Cô sinh viên y khoa năm cuối cầm trên tay quyển sách dày, cho biết khối lượng kiến thức của sinh viên y rộng lớn, số học trình dày. Một kỳ, cô phải trải qua 6-7 chuyên khoa lẻ. Ngoài những giáo trình dày cộm, sinh viên còn phải tìm thêm tài liệu nước ngoài. Bởi vậy thư viện có 500 chỗ ngồi trong trường luôn luôn chật cứng sinh viên, có khi phải ngồi ở hành lang. Có lúc thư viện mất điện, phòng rất nóng, nhưng họ vẫn miệt mài đọc sách.

Thảo đang gấp rút thời gian ôn thi nội trú để chuẩn bị cho kỳ thi Bác sĩ nội trú vào tháng 8 năm sau. Đây chương trình đào tạo đặc biệt dành cho bác sĩ mới ra trường. Chương trình đào tạo y khoa hiện nay là sau 6 năm tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, có kiến thức y học phổ quát nhưng chưa được hành nghề. 

Các bác sĩ mới tốt nghiệp cần phải được đào tạo thực hành thông qua 3 năm nội trú hoặc làm việc tại các cơ sở y tế ít nhất 18 tháng trở lên mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ của một bác sĩ đa khoa và được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây cũng là cách thức đào tạo chung trên thế giới, chưa kể các chuyên khoa sâu phải mất thời gian đào tạo lâu hơn.

"Sinh viên Y một năm chỉ có hai mùa là mùa học và mùa thi. Mẹ bảo cứ học mãi đến lúc làm bác sĩ rồi thì con gái chẳng còn ai thèm lấy", Thảo tâm sự.

1

 Thư viện đông đúc của sinh viên Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: VnExpress)

Khác với dáng vẻ vội vàng của Thảo, Nguyễn Bá Ngọc người Thái Bình, thong dong hơn và chia sẻ vì mê màu áo trắng nên quyết định thi vào Đại học Y Hà Nội, đỗ chuyên ngành răng hàm mặt. Thế nhưng, Ngọc từng có nhiều đắn đo, lưỡng lự, đôi khi muốn bỏ để học ngành khác bởi thời gian học dài, nhiều áp lực trong khi bố mẹ tuổi đã cao lại là con một. May mắn sau đó Ngọc được gia đình động viên để theo đuổi đam mê.

"Thời gian học dài nhưng mình nhắc nhở bản thân không bỏ phí, phải tôi luyện kiến thức để trở thành bác sĩ có năng lực, cứu giúp được nhiều người", Ngọc nói. 

Không chỉ Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, quy trình đào tạo bác sĩ cũng gắt gao và cần nhiều thời gian. Ở Mỹ, sinh viên phải mất 11-14 năm đào tạo Tiến sĩ Y khoa. Sinh viên Pháp cần ít nhất 8 năm học để trở thành bác sĩ và 11 năm học bác sĩ chuyên khoa, đồng thời liên tục trải qua các kỳ kiểm tra gắt gao. Chương trình đào tạo cử nhân ngành y ở Singapore mất khoảng 4-6 năm (tùy chuyên ngành) nhưng để trở thành bác sĩ thành thục hành nghề thì phải thêm khoảng 3 năm nữa. 

"Học tập vất vả, thời gian kéo dài khiến nhiều người bỏ dở vì không đủ kiên trì hoặc lý do cá nhân. Song, với đặc thù của nghề cứu người, Thảo thấy 10 năm này xứng đáng để đánh đổi, muốn làm bác sĩ giỏi phải mất cả đời nghiên cứu, tìm tòi", Thảo chia sẻ.

Tạm gác lại những lo lắng, cô sinh viên năm cuối cất quyển sách dày 400 trang vào cặp rồi bước đến giảng đường. Còn Ngọc quay về phòng trọ để sắm sửa thêm những vật dụng cần thiết cho một năm học mới.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn