• Zalo

7 lần sảy thai, 17 năm hiếm muộn, người mẹ vỡ òa hạnh phúc đón con trai chào đời

Sức khỏeThứ Sáu, 27/09/2019 12:01:00 +07:00Google News

Chị Nghiêm Thị Hạnh 38 tuổi, Hưng Yên ôm con trai vào lòng nói đây là "ánh sáng cuối đường hầm" của gia đình sau 7 lần mất con.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Hạnh một tuần nay tất bật rộn ràng hơn bởi sự xuất hiện của con trai Nguyễn Tùng Dương. Hàng ngày, chị Hạnh chịu trách nhiệm chăm con, cho con ăn còn anh Thành phụ giúp việc bếp núc, nhà cửa. Bữa cơm mỗi ngày vì thế mà muộn hơn bình thường.

Chị Hạnh kết hôn năm 2001 lúc 21 tuổi, là công nhân may. Chồng chị là anh Nguyễn Mạnh Thành, 25 tuổi, thợ cơ khí. Đến tuổi tứ tuần, khi những nếp nhăn đuôi mắt dần xuất hiện, họ mới có đứa con để bế bồng. Em bé có được nhờ thụ tinh nhân tạo, chào đời ngày18/9. 

"40 tuổi rồi mới học cách làm bố, lắm lúc tôi vã cả mồ hôi hột. Nhưng nghĩ lại 17 năm đằng đẵng chờ đợi, tôi lại thấy đáng", anh Thành nói.

embe

Bé Tùng Dương là món quà sau 17 năm hiếm muộn của vợ chồng chị Hạnh, anh Thành. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm 2004, chị Hạnh mang thai lần đầu tiên nhưng con sinh non nên bé mất sau đó. Ba năm tiếp, chị mang thai thêm 6 lần đều không thành. Bác sĩ kết luận nguyên nhân do nội tiết kém, thiếu chất dinh dưỡng khiến chị không đủ sức khỏe mang thai.

"Một lần sa bằng ba lần đẻ, tôi định buông xuôi vì nghĩ không còn cơ hội", chị Hạnh kể, giọng run run.

Năm 2005, anh chị đến một một phòng khám ở Hải Phòng thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) nhưng không thành công. Hai năm sau, vợ chồng tích góp lên bệnh viện ở Hà Nội làm IVF hai lần và IUI một lần nữa nhưng cũng thất bại.

Cứ mỗi năm trôi qua, áp lực thêm nặng nề. Người nhà hiểu chuyện nên không ai nói gì còn người ngoài  thì bàn tán, xì xào nói chị "không biết đẻ" hay "máy hỏng"... Nỗi đau cứ thế chồng chất nỗi đau, anh chị chẳng biết làm gì hơn là tự động viên để cùng vượt qua tất cả.

"Lúc đầu tôi buồn lắm, nhưng cố nén không thể hiện ra vì không muốn chồng phải suy nghĩ. Sau rồi thành quen, ai nói gì mặc kệ", chị Hạnh nói.

Cuối năm 2018, hai vợ chồng đến Bệnh viện bưu điện và tự nhủ đặt cược lần cuối. Chị nói rằng nếu lần này vẫn không thành thì sẽ xin con nuôi bởi toàn bộ đất và nhà đều đã bán để chạy chữa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cho biết chị Hạnh đã lớn tuổi, dự trữ buồng trứng thấp, số trứng còn lại ít nên tỷ lệ làm IVF thành công thấp hơn các trường hợp khác. Ban đầu, bác sĩ tư vấn đi xin trứng nhưng vợ chồng chị Hạnh quả quyết "còn bao nhiêu, dùng bấy nhiêu". Họ may mắn thành công ngay lần đầu tiên chuyển phôi.

"Khi nghe bác sĩ thông báo, tôi không tin vào tai mình. Hai vợ chồng nắm chặt tay nhau, vừa khóc vừa cười vì hạnh phúc", chị nói.

Theo bác sĩ Nhã, đây là trường hợp đặc biệt khi 50% thành công đến từ sự quyết tâm của người mẹ.

sinhcon

 Bác sĩ Nhã đến thăm chị Hạnh và bé Tùng Dương sau ca mổ ngày 18/9. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Sau khi biết tin mang thai, vợ chồng chị Hạnh vừa mừng vừa lo. Chị phải nghỉ hẳn công việc để ở nhà dưỡng thai. Còn anh Thành đều đặn, sáng lại dậy sớm cơm nước rồi trưa về tranh thủ ăn cơm với chị cho đỡ buồn.

Bốn tháng đầu, chị nghén không ăn được. Ở tháng thứ 6 thai kỳ, chị lo lắng khi bị nhau tiền đạo. Ngày 18/9, chị đến viện cắt chỉ khâu vòng tử cung thì phát hiện vỡ ối nên được mổ cấp cứu.

Bé trai chào đời tại Bệnh viện Bưu điện ở tuần 38, nặng 2,9 kg, được đặt tên Nguyễn Tùng Dương. Khoảnh khắc được nghe tiếng khóc của con, được da kề da với con, chị vỡ òa trong hạnh phúc.

Từ ngày có con trai, gia đình chưa lúc nào vơi tiếng cười, tinh thần mọi người thoải mái hơn. 

"Giờ đây, tôi chỉ ước mong con tôi khỏe mạnh trưởng thành. Tôi cũng mong rằng những gia đình hiếm muộn khác cũng sẽ sớm tìm được niềm vui như vợ chồng mình", chị Hạnh nói.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn